Với sự phát triển của thị trường kinh tế tài chính, thẩm định giá doanh nghiệp và các lợi ích của nó ngày càng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế. Nó cung cấp bức tranh tổng quát về giá trị của một doanh nghiệp, là cơ sở quan trọng phục vụ cho đối tượng sử dụng kết quả thẩm định giá đưa ra quyết định hợp lý trong các vấn đề.
Thế nào là thẩm định giá doanh nghiệp?
Căn cứ Tiêu chuẩn Thẩm định giá Quốc tế 2005: “Doanh nghiệp là một tổ chức thương mại, công nghiệp, dịch vụ hay đầu tư đang theo đuổi một hoạt động kinh tế”.
Doanh nghiệp là một đơn vị kinh tế gồm các phương tiện tài chính, vật chất và con người nhằm thực hiện các hoạt động sản xuất, cung ứng, tiêu thụ sản phẩm / dịch vụ, trên cơ sở tối đa hóa lợi ích của người tiêu dùng, thông qua đó tối đa hóa lợi ích của chủ sở hữu, đồng thời kết hợp một cách hợp lý các mục tiêu khác.
Thẩm định giá doanh nghiệp là quá trình đánh giá hay ước lượng giá trị thị trường của các quyền và lợi ích xuất phát từ quyền sở hữu doanh nghiệp cho chủ doanh nghiệp. Quá trình này do tổ chức hành nghề hoặc thẩm định viên chuyên nghiệp tiến hành. Việc thẩm định giá doanh nghiệp đem lại nhiều lợi ích cho chủ doanh nghiệp như: bảo vệ doanh nghiệp; biết được quy mô, năng lực của doanh nghiệp để điều chỉnh nhằm nâng cao hiệu quả trong hoạt động kinh doanh và sản xuất… Đặc biệt, việc thẩm định giá doanh nghiệp là cơ sở quan trọng để doanh nghiệp thu hút vốn từ các nhà đầu tư tài chính.
Khi nào cần thẩm định giá doanh nghiệp
Thẩm định giá doanh nghiệp thường nhằm phục vụ cho các mục đích chủ yếu sau đây:
- Thương vụ M&A, giải thể, phá sản doanh nghiệp
- Góp vốn, mua bán, chuyển nhượng cổ phần của doanh nghiệp
- Niêm yết trên sàn chứng khoán
- Cấp tín dụng đầu tư kinh doanh
- Các vấn đề liên quan tới thuế
- Giải quyết, xử lý tranh chấp, các nghĩa vụ tài chính
- Chuẩn bị cho việc phát hành trái phiếu ra công chúng lần đầu (IPO)
Các tiêu chí để thẩm định giá doanh nghiệp
Thẩm định giá trị doanh nghiệp được các thẩm định viên dựa vào Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 12 “Thẩm định giá doanh nghiệp” được ban hành kèm theo Thông tư số 28/2021/TT-BTC ngày 27 tháng 4 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính bao gồm 3 cách tiếp cận cơ bản gồm: Cách tiếp cận từ thị trường; Cách tiếp cận từ chi phí; Cách tiếp cận từ thu nhập.
Doanh nghiệp như là một tài sản đầu tư, do vậy giá trị doanh nghiệp phụ thuộc vào lợi nhuận mang lại cho nhà đầu tư. Giá trị doanh nghiệp là tổng hiện giá của tất cả lợi nhuận có khả năng mang lại trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh.
Các tiêu chí để thẩm định giá doanh nghiệp gồm:
– Giá chuẩn của tài sản được pháp luật quy định và áp dụng trong những trường hợp giao dịch, mua bán nhất định, cụ thể
– Giá thị trường: tức là giá trị tài sản được đặt trong giả thiết sẽ được trao đổi, mua bán giữa một bên là người mua sẵn sàng mua với một bên là người bán sẵn sàng bán trong một giao dịch mua bán trên thị trường công khai, minh bạch. Đây là tiêu chí quan trọng nhất trong thẩm định giá doanh nghiệp.
– Giá trị đầu tư: là giá trị của một tài sản đối với một hoặc một nhóm nhà đầu tư nào đó theo những mục tiêu đầu tư đã xác định.
– Giá trị hoạt động kinh doanh: Là giá trị doanh nghiệp kỳ vọng tiếp tục kinh doanh trong tương lai.
– Giá trị thanh lý: ngược lại với giá trị đầu tư, giá trị thanh lý là giá trị ước tính khi bán doanh nghiệp không còn tiếp tục hoạt động. Trong thanh lý, giá trị của phần lớn tài sản vô hình (ví dụ bí mật kinh doanh, danh tiếng, độ nhận diện thương mại) có chiều hướng bằng không. Các chi phí đi kèm với việc thanh lý cũng được tính và khấu trừ vào giá trị doanh nghiệp ước tính.
Hồ sơ thẩm định giá doanh nghiệp
Hồ sơ thẩm định giá bao gồm toàn bộ những thông tin, tài liệu cần thiết, phục vụ cho quá trình thẩm định giá tài sản để hình thành kết quả thẩm định giá cuối cùng và sát với giá chuẩn của tài sản. Thành phần của từng hồ sơ thẩm định giá có thể khác biệt căn cứ vào mục đích thẩm định giá và loại tài sản cần thẩm định giá. Hồ sơ thẩm định giá doanh nghiệp thường gồm một số tài liệu sau:
– Quyết định thành lập doanh nghiệp
– Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh
– Giấy chứng nhận cấp mã số thuế
– Quyết định thành lập đơn vị trực thuộc
– Biên bản góp vốn
– Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh
– Các quyết định đổi tên khác, bổ sung chức năng….
Thẩm định giá doanh nghiệp còn chỉ ra những thay đổi cần thiết về hoạt động nội bộ của doanh nghiệp. Việc thẩm định giá doanh nghiệp hỗ trợ Hội đồng quản trị và Ban Giám đốc đưa ra những quyết định quan trọng với đường hướng phát triển lâu dài của doanh nghiệp. Đồng thời cũng cung cấp những đánh giá về năng lực đối với một số các vị trí nhân lực chủ chốt
Nếu quý khách hàng có nhu cầu thẩm định giá Động sản, Bất động sản, giá trị doanh nghiệp, dự án đầu tư, tài sản vô hình, hoặc cần tư vấn thêm về lĩnh vực thẩm định giá thì hãy liên hệ với chúng tôi:
Điện thoại:0909.399.961. Zalo:0909.399.961
Email:[email protected].