Từ khi nền kinh tế nước ta chuyển từ cơ chế quản lý giá kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế giá thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước, công tác quản lý nhà nước về kinh tế nói chung và về chủ thể định giá nói riêng có nhiều thay đổi tích cực, mang lại hiệu quả cao. Nhà nước không còn quy định giá trực tiếp hầu hết hàng hóa dịch vụ trong xã hội; Quyền định giá thuộc về thị trường; Giá cả hầu hết hàng hóa, dịch vụ hiện nay chủ yếu do người mua người bán thỏa thuận trên cơ sở những yếu tố khách quan của thị trường. Nhà nước chỉ định giá hàng hóa, dịch vụ trong một số lĩnh vực độc quyền.
Tuy nhiên, thực tế trong các hoạt động mua bán hàng hóa, dịch vụ không phải bao giờ giá thị trường cũng xuất hiện và vận động đúng với giá trị thực của nó, bởi do nhiều yếu tố tiêu cực chi phối như: liên minh độc quyền bán, độc quyền mua; móc ngoặc đầu cơ, gian lận thương mại… do đó khi thực hiện các hoạt động giao dịch, mua bán, đầu tư… phía người mua, người bán đều muốn nắm được giá trị đích thực của hàng hóa, dịch vụ trên thị trường. Vì vậy, với những lý do trên việc thẩm định giá trở thành nhu cầu thực sự, không thể thiếu của nền kinh tế thị trường; công tác thẩm định giá đã và đang trở thành một hoạt động dịch vụ đòi hỏi tính chuyên nghiệp, chuyên sâu cần thiết cho hoạt động quản lý nhà nước về lĩnh vực giá cả, ngân sách nhà nước, tài sản… góp phần xây dựng mặt bằng giá cả hợp lý, chống giá cả độc quyền hoặc phá giá; làm lành mạnh hóa thị trường và công tác quản lý ngân sách nhà nước được sát thực, hiệu quả, tiết kiệm hơn. Đồng thời, thẩm định giá cũng đáp ứng nhu cầu giao dịch tài sản của tổ chức, doanh nghiệp và công dân.
Xuất phát từ tình hình thực tế, yêu cầu trong công tác quản lý nhà nước và để góp phần thúc đẩy dịch vụ thẩm định giá phát triển, đáp ứng yêu cầu nền kinh tế thị trường; ngày 06/8/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 89/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật giá về thẩm định giá có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/09/2013 với nhiều điểm được quy định mới, cụ thể:
+ Tỷ lệ vốn góp:Các thành viên, cổ đông sáng lập là tổ chức trong công ty trách nhiệm hữu hạn thẩm định giá hai thành viên trở lên và công ty cổ phần thẩm định giá bị giới hạn ở mức tối đa 35% vốn điều lệ của công ty. Trường hợp có nhiều tổ chức góp vốn thì tổng số vốn góp của các tổ chức tối đa bằng 35% vốn điều lệ của công ty. Hơn nữa, người đại diện của các tổ chức thành viên phải là thẩm định viên về giá, đồng thời không được tham gia góp vốn vào doanh nghiệp thẩm định đó với tư cách cá nhân hoặc đại diện cho tổ chức góp vốn thành lập doanh nghiệp thẩm định giá khác.
+ Đối với các doanh nghiệp thẩm định giá, Chính phủ cũng quy định cụ thể 07 trường hợp không được thực hiện thẩm định giá: Mua, bán tài sản thuộc danh mục bí mật Nhà nước; doanh nghiệp thẩm định giá đang trong thời gian bị đình chỉ hoặc tạm ngừng hoạt động; doanh nghiệp thẩm định giá và khách hàng thẩm định giá có các mối quan hệ điều hành, kiểm soát, góp vốn dưới mọi hình thức hoặc có thỏa thuận hợp tác kinh doanh trên cơ sở hợp đồng…
+ Thẩm định viên về giá phải đáp ứng đủ 06 tiêu chuẩn sau:Có phẩm chất đạo đức, trung thực, khách quan; có bằng tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành vật giá, thẩm định giá và các ngành liên quan; có thời gian công tác thực tế theo chuyên ngành đào tạo từ 36 tháng trở lên tính từ ngày có bằng tốt nghiệp đại học; có Chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ thẩm định giá do cơ quan có thẩm quyền cấp trừ trường hợp đã có bằng tốt nghiệp đại học trở lên về chuyên ngành vật giá, thẩm định giá hoặc đã tốt nghiệp đại học các ngành liên quan và đã có bằng tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành thẩm định giá; có Thẻ thẩm định viên về giá do Bộ Tài chính cấp.
+ Thẩm quyền quản lý nhà nước về thẩm định giá:
– Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động thẩm định giá;
– Bộ Tài chính chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thẩm định giá có nhiệm vụ, quyền hạn như xây dựng, trình Chính phủ quyết định chiến lược và kế hoạch phát triển nghề thẩm định giá ở Việt Nam; Xây dựng, trình Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật về thẩm định giá, Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam; Tổ chức triển khai thực hiện chiến lược, kế hoạch phát triển nghề thẩm định giá, các văn bản quy phạm pháp luật về thẩm định giá, Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam; Quy định điều kiện dự thi, việc tổ chức thi và điều kiện để cấp Thẻ thẩm định viên về giá; quản lý, cấp và thu hồi Thẻ thẩm định viên về giá; Quy định về đào tạo, cấp chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ thẩm định giá; bồi dưỡng kiến thức chuyên môn về thẩm định giá cho thẩm định viên về giá hành nghề; Quy định về tổ chức và quản lý công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức về thẩm định giá; Quy định mẫu, cấp và thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá; quy định về đăng ký và quản lý hành nghề thẩm định giá; công khai danh sách thẩm định viên về giá hành nghề và danh sách các doanh nghiệp thẩm định giá trong cả nước; Quy định về mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho hoạt động thẩm định giá hoặc trích lập quỹ dự phòng rủi ro nghề nghiệp đối với doanh nghiệp thẩm định giá; Quản lý nhà nước trong lĩnh vực thẩm định giá đối với doanh nghiệp thẩm định giá, tổ chức nghề nghiệp thẩm định giá theo quy định của pháp luật; Thực hiện hợp tác quốc tế về thẩm định giá; Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về thẩm định giá; Tổng kết, đánh giá về hoạt động thẩm định giá; quy định về kiểm soát chất lượng hoạt động thẩm định giá và việc chấp hành các quy định của Nhà nước về thẩm định giá; Thực hiện việc thẩm định giá hoặc chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện thẩm định giá tài sản nhà nước theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Quy định chế độ báo cáo, thu thập, tổng hợp thông tin để xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ cung cấp thông tin và quản lý nhà nước về thẩm định giá.
– Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nhiệm vụ, quyền hạn sau: Thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động thẩm định giá thuộc phạm vi quản lý của địa phương; Phân công và tổ chức thực hiện thẩm định giá tài sản nhà nước quy định tại Khoản 2 Điều 31 và Điều 44 của Luật giá thuộc địa phương quản lý theo quy định về phân cấp quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, phân cấp quản lý ngân sách nhà nước và quy định của pháp luật có liên quan; Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về thẩm định giá thuộc phạm vi quản lý của địa phương.
+Trình tự thẩm định giá tài sản: Cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện thẩm định giá tài sản theo trình tự: Xác định tổng quát về tài sản cần thẩm định giá; lập kế hoạch thẩm định giá; khảo sát thực tế, thu thập thông tin liên quan đến tài sản cần thẩm định giá; phân tích thông tin; xác định giá trị tài sản cần thẩm định giá căn cứ vào quy chế tính giá tài sản hàng hóa, dịch vụ, tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam do Bộ Tài chính ban hành; các nguyên tắc, căn cứ, phương pháp xác định giá theo quy định của pháp luật liên quan đến tài sản cần thẩm định giá; lập báo cáo kết quả thẩm định giá, văn bản trả lời về kết quả thẩm định giá trình thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền thẩm định giá phê duyệt; sau đó gửi văn bản trả lời về kết quả thẩm định giá cho cơ quan yêu cầu thẩm định giá.
Khi Nghị định có hiệu lực thi hành cùng với Luật Giá sẽ góp phần quan trọng trong việc xây dựng mặt bằng chung giá cả hợp lý, lành mạnh hóa thị trường, tạo điều kiện để hội nhập kinh tế quốc tế về giá cả, trong công tác quản lý ngân sách nhà nước được sử dụng hiệu quả và tiết kiệm hơn./
Võ Thị Kim Oanh
Nếu quý khách hàng có nhu cầu thẩm định giá Động sản, Bất động sản, giá trị doanh nghiệp, dự án đầu tư, tài sản vô hình, hoặc cần tư vấn thêm về lĩnh vực thẩm định giá thì hãy liên hệ với chúng tôi:
Điện thoại:0909.399.961. Zalo:0909.399.961
Email:[email protected].