1. Khái niệm quyền sở hữu trí tuệ
Sở hữu trí tuệ được chia thành hai lĩnh vực chủ yếu bao gồm: (1) Sở hữu công nghiệp dùng để chỉ quyền của chủ thể đối với sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hoá, tên gọi xuất xứ hàng hoá, tên thương mại, bí quyết công nghệ và (2) Bản quyền (quyền tác giả) dùng để chỉ quyền của chủ thể đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học.
Để hiểu được về thẩm định giá quyền sở hữu trí tuệ, cần nắm rõ rằng tài sản trí tuệ cũng như quyền sử dụng đất đai, tài sản nếu xét về khía cạnh tương đối thì mỗi tài sản trí tuệ đều không định lượng, không có vật để so sánh. Việc xác định giá tài sản sở hữu trí tuệ dựa trên các phương pháp chủ yếu là chi phí, thu nhập và thặng dư. Tuy nhiên, việc định giá tài sản trí tuệ khó khăn và có nhiều khác biệt hơn so với tài sản hữu hình.
Xác định giá trị của một quyền sở hữu trí tuệ phụ thuộc vào thời gian, địa điểm và tính sinh lời của loại tài sản đặc biệt này. Ngay khi đăng ký quyền sở hữu trí tuệ thì người sở hữu cũng không tính hết được tính hữu dụng và khả năng sinh lời trong tương lai của tài sản mà mình được sở hữu, nó chỉ được thể hiện giá trị qua thời gian và mức độ chấp nhận của xã hội.
2. Có cần thẩm định giá quyền sở hữu trí tuệ không?
Sở hữu trí tuệ ngày càng được thừa nhận là một tài sản và công cụ của
doanh nghiệp với những đóng góp đáng kể vào sự thành công của doanh nghiệp, và do tiềm năng của sở hữu trí tuệ đối với các doanh nghiệp trong việc tạo ra giá trị từ tài sản trí tuệ của mình đã dẫn tới nhu cầu ngày càng gia tăng về phương pháp định giá quyền sở hữu trí tuệ.
Cần phân biệt cẩn thận giữa giá và giá trị của tài sản trí tuệ. Giá thường được định nghĩa là những gì người mua sẵn sàng chi trả trong một giao dịch bình thường căn cứ trên giá trị của hàng hóa.
Giá trị là một thuật ngữ trừu tượng, nhưng có chất lượng xác định mà việc tính toán được dựa trên một hệ thống các phương pháp và nguyên tắc được kiểm tra theo trình tự. Nói cách khác, việc định giá tài sản trí tuệ có thể ảnh hưởng đến giá của một tài sản trí tuệ, nhưng điều này không nhất thiết giống như việc xác định giá cho sản phẩm. Việc xác định giá cho sản phẳm thường bị ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố như thời gian, nhu cầu, lý do bán và kỹ năng đàm phán của các bên có liên quan.
Các công cụ được sử dụng để định giá tài sản trí tuệ giúp cho
doanh nghiệp quản lý được tài sản sở hữu trí tuệ của mình một cách có hiệu quả và năng suất hơn, việc định giá tài sản trí tuệ tạo ra một tiêu chuẩn hữu ích và là cơ sở đẻ đàm phán trong trường hợp chuyển giao hoặc mua bán tài sản trí tuệ.
Trước khi tiến hành định giá tài sản trí tuệ, doanh nghiệp cần trả lời các câu hỏi sau:
Tại sao doanh nghiệp quyết định định giá quyền sở hữu trí tuệ của mình?
Khi nào sẽ cần đến và sử dụng thông tin (các kết quả định giá)?
Quyền sở hữu trí tuệ nào sẽ được định giá?
Phương pháp định giá nào sẽ được sử dụng?
3. Mục đích thẩm định giá quyền sở hữu trí tuệ
– Mua bán, sáp nhập (M&A), chuyển nhượng, xác định giá trị đầu tư, góp vốn, cấp phép sử dụng tài sản sở hữu trí tuệ
– Vay vốn ngân hàng, xác định giá trị tài sản trí tuệ khi giải quyết tranh chấp, kiện tụng tại Tòa án
– Báo cáo thuế, báo cáo tài chính, hạch toán sổ sách kế toán
– Cung cấp thông tin phục vụ cho việc quản lý doanh nghiệp
– Quản lý nội bộ tài sản trí tuệ
– Thiết lập các liên minh chiến lược
– Đầu tư phát triển tài sản trí tuệ
– Các mục đích khác được pháp luật công nhận
4. Yếu tố và phương pháp định giá
* Yếu tố để định giá:
Khi đánh giá giá trị, định giá tài sản SHTT, thông thường doanh nghiệp cần dựa vào các yếu tố sau đây của tài sản:
– Phạm vi và điểm mạnh của yêu cầu bảo hộ của đối tượng SHTT
– Độ khó để xâm phạm quyền SHTT của đối tượng SHTT
* Phương pháp định giá:
Ngoài ra, khi định giá tài sản SHTT, một số phương pháp định giá được sử dụng như:
– Phương pháp dựa vào thu nhập: theo phương pháp này tài sản SHTT sẽ được định giá dựa vào nguồn thu nhập ước tính mà chủ thể quyền SHTT có thể nhận được trong thời gian có hiệu lực của quyền SHTT.
– Phương pháp dựa vào chi phí: theo phương pháp này tài sản Sở hữu trí tuệ sẽ được định giá dựa vào hai loại chi phí tái sản xuất và chi phí thay thế.
– Phương pháp dựa vào thị trường: tài sản SHTT được định giá theo phương pháp này dựa vào việc bên thứ ba sẵn sàng bỏ tiền ra để mua hoặc thuê tài sản SHTT.
– Các phương pháp tùy chọn dựa vào giá cả: Các phương pháp này thường được sử dụng trong việc xác định giá trị thị trường của quyền lựa chọn mua cổ phiếu của doanh nghiệp.
5. Quyền sở hữu trí tuệ nào sẽ được định giá?
Quyền sở hữu trí tuệ (tài sản trí tuệ) được định giá trong các trường hợp cụ thể sau:
• Kiểm kê và quản lý nội bộ tài sản trí tuệ.
• Cần thu hút các nhà đầu tư và chứng minh giá trị của doanh nghiệp.
• Góp vốn kinh doanh bằng quyền sở hữu trí tuệ hoặc tham gia vào việc sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, thoải vốn, mua bán Cổ phần hoặc phần vốn góp tại doanh nghiệp.
• Sử dụng quyền sở hữu trí tuệ làm tài sản bảo đảm để vay vốn ngân hàng. Chuyễn nhượng hoặc li – xăng quyền sở hữu trí tuệ.
• Tham gia vào một tranh chấp liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ và cần phải đánh giá mức độ thiệt hại.
• Tính giá trị của các tài sản sở hữu trí tuệ để thanh lý trong trường hợp doanh nghiệp bị giải thể hoặc phá sản.
• Làm báo cáo tài chính và thuế.
6. Bộ hồ sơ cho thẩm định giá quyền SHTT
Hồ sơ cần chuẩn bị cho việc thẩm định giá quyền sở hữu trí tuệ bao gồm:
– Giấy yêu cầu thẩm định giá.
– Giấy chứng nhận Quyền sở hữu trí tuệ yêu cầu thẩm định giá.
– Tên cá nhân, doanh nghiệp sáng chế / Tên cá nhân, doanh nghiệp sở hữu Quyền sở hữu trí tuệ / Tài liệu kỹ thuật, catalogue: tính năng kỹ thuật, công suất thiết kế, năng lượng tiêu hao,…
– Hồ sơ về quá trình nghiên cứu, phát minh sáng chế
– Hồ sơ về nghiệm thu, chi phí nghiên cứu, phát minh sáng chế
– Các tài liệu khác có liên quan khác để phục vụ quá trình thẩm định giá quyền sở hữu trí tuệ.
7. Những điều cần lưu ý khi định giá tài sản
Phạm vi và điểm mạnh của yêu cầu bảo hộ trong bằng độc quyền sáng chế hoặc điểm mạnh của tài sản trí tuệ có vai trò quan trọng trong toàn bộ quá trình định giá. Việc bảo hộ rộng (bảo hộ ở nhiều quốc gia) có thể làm tăng giá trị của sản phẩm. Tuy nhiên, điều này cũng phụ thuộc vào cách người định giá hiểu được điểm mạnh của cơ chế thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở các nước có liên quan.
Mức độ hệ thống hóa và việc một người có thể sử dụng có hiệu quả các thông tin được hệ thống hóa có trong sản phẩm cũng ảnh hưởng đến việc định giá. Giá trị của sản phằm có thể tăng lên khi độ khó để xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của sản phảm cao hơn. Mặt khác, sự tồn tại của các sản phẩm thay thế được bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tốt có thể ảnh hưởng tiêu cực tới giá trị của sản phẩm.
Vi thế, doanh nghiệp cần tiến hành nghiên cứu để xác định các vấn đề liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ nêu trên nhằm thấy được các tác động (tích cực hoặc tiêu cực) đến giá trị sản phẩm và tài sản của doanh nghiệp.
8. Tài sản sở hữu trí tuệ được định giá như thế nào?
*Phương pháp dựa vào chi phí. Phương pháp này được sử dụng để ước tính các lợi ích trong tương lai của tài sản trí tuệ bằng cách tính số tiền cần để thay thế tài sản trí tuệ được đề cập.
Phương pháp này cũng có thể được áp dụng với các biến thể:
– Chi phí tái sản xuất. Nếu hồ sơ được giữ tốt, các chi phí tái sản xuất có thể được tính bằng cách tổng gộp, theo giá hiện hành, số tiền được sử dụng để phát triển tài sản trí tuệ được đề cập (phương pháp này còn được biết đến là xu hướng giá gốc). Nếu hồ sơ không được lưu giữ tốt, chi phí tái sản xuất có thể được ước tính bằng cách cộng gộp tiền công và chi phí cần thiết để tạo ra tài sản tương tự.
– Chi phí thay thế. Số tiền cần để có được tài sản trí tuệ có cùng tính năng. Việc khấu trừ chi phí của tài sản trí tuệ có liên quan phải được thực hiện trong khi tính chi phí thay thế/tái sản xuất trước khi đưa ra giá trị cuối cùng.
*Phương pháp dựa vào thu nhập. Đây là phương pháp định giá tài sản trí tuệ được sử dụng một cách phổ biến nhất. Có nhiều dạng khác nhau của phương pháp dựa vào thu nhập và đôi khi, các biến thể được gọi là các phương pháp riêng biệt. Về cơ bản, phương pháp này tập trung vào nguồn thu nhập ước tính mà chủ thể quyền sở hữu trí tuệ mong muốn nhận được trong thời gian hiệu lực của quyền sở hữu trí tuệ, vì vậy, phương pháp này sử dụng khấu hao nguồn tiền mặt để tạo ra giá trị hiện tại cho nguồn thu nhập tương lai. Có thể ước tính được nguồn thu nhập khi nhìn vào số tiền mà doanh nghiệp thu được từ phí li-xăng nếu doanh nghiệp li-xăng một quyền sở hữu trí tuệ cụ thể.
* Phương pháp dựa vào thị trường. Phương pháp này dựa vào việc bên thứ ba sẵn sàng chi để mua hoặc thuê tài sản trí tuệ. Phương pháp này cũng có thể được sử dụng bổ sung cho phương pháp dựa vào thu nhập. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng một số doanh nghiệp coi đây là phương pháp tốt nhất vì tính đơn giản và khả năng sử dụng thông tin thị trường. Điểm yếu của phương pháp này là không cung cấp được thông tin về cách xử lý các đặc điểm riêng biệt của các giao dịch cụ thể. Giống như các phương pháp định giá khác, phương pháp dựa vào thị trường cũng có các biến thể, bao gồm:
– Phương pháp so sánh doanh thu. Những người sử dụng biến thể này dựa vào việc định giá một tài sản trí tuệ tương tự trên thị trường. Nhược điểm chính của phương pháp này là do mỗi giao dịch tài sản trí tuệ là duy nhất nên hầu như không thể gặp một thỏa thuận tương tự để có thể làm căn cứ cho việc định giá mới.
– Sử dụng mức phí chuẩn. Phương pháp này sử dụng mức phí chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp chuẩn được thiết lập. Một số ngành công nghiệp thiết lập và sử dụng mức phí chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp một cách tự nguyện trong vài năm.
*Các phương pháp tùy chọn dựa vào giá cả. Các phương pháp này thường được sử dụng trong việc xác định giá trị thị trường của quyền lựa chọn mua cổ phiếu của doanh nghiệp. Những người định giá tài sản trí tuệ (đặc biệt là sáng chế) trong lĩnh vực công nghệ và công nghiệp dược phẩm sử dụng các phương pháp này ngày càng nhiều. Trong khi tồn tại các phương pháp định giá có tính “rủi ro trung bình” khác, phương pháp định giá tùy chọn được coi là có ưu điểm hơn cả.