Trong tháng 4/2022, Bộ Tài chính đình chỉ kinh doanh dịch vụ thẩm định giá gần 30 doanh nghiệp và thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá của 5 doanh nghiệp. Trước đó, 11 vụ án có liên quan đến hoạt động thẩm định giá bị khởi tố. Tội phạm trong lĩnh vực thẩm định giá đã đến mức báo động?…
Sau khi áp dụng nhiều quy định mới trong năm 2021, đặc biệt là Nghị định số 12/2021/NĐ-CP ban hành ngày 24/2/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/2013/NĐ-CP ngày 6/8/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giá về thẩm định giá và có hiệu lực từ ngày 1/5/2021 đã cho thấy, trong khi số lượng doanh nghiệp được cấp mới giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá giảm đáng kể thì số lượng doanh nghiệp bị Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính đình chỉ kinh doanh dịch vụ thẩm định giá và thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh có dấu hiệu tăng “nóng”.
HÀNG LOẠT DOANH NGHIỆP BỊ ĐÌNH CHỈ HOẠT ĐỘNG, TƯỚC GIẤY CHỨNG NHẬN
Tính riêng tháng 4/2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính ký quyết định đình chỉ kinh doanh dịch vụ thẩm định giá gần 30 doanh nghiệp và thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá của 5 doanh nghiệp.
Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết: qua rà soát điều kiện hoạt động của các doanh nghiệp thẩm định giá trong năm 2022 theo quy định tại Nghị định số 12/2021/NĐ-CP, kết quả chỉ có 279 doanh nghiệp thẩm định giá đủ điều kiện hoạt động từ ngày 1/1/2022 (tạiThông báo số 1045/TB-BTCngày 30/12/2021) so với tổng số 364 doanh nghiệp hoạt động trong năm 2021 (chiếm tỷ lệ 77%, giảm 23% doanh nghiệp); đồng thời cũng chỉ bằng 84% so với số doanh nghiệp thẩm định giá đủ điều kiện hoạt động được công bố vào đầu năm 2021 (tại Thông báo số 1079/TB-BTC ngày 31/12/2020 có 333 doanh nghiệp thẩm định giá đủ điều kiện hoạt động từ ngày 01/01/2021).
Đối với thẩm định viên về giá thì sao? Bộ Tài chính cho biết: sau khi rà soát điều kiện hành nghề của các thẩm định viên về giá tại các doanh nghiệp thẩm định giá đối với năm 2022 theo quy định tại Nghị định số 12 cũng cho kết quả sụt giảm tương ứng.
Theo kết quả trên, kể từ ngày 1/1/2022, cả nước chỉ có 1.460 thẩm định viên về giá được phép hành nghề trên tổng số 1.828 thẩm định viên hành nghề trong năm 2021, giảm 21% thẩm định viên về giá hành nghề và chỉ bằng 85% so với số thẩm định viên về giá đủ điều kiện hành nghề được công bố vào đầu năm 2021.
Trong Thông báo số 1045, Bộ Tài chính cũng công khai danh sách 65 doanh nghiệp thẩm định giá đã được cấp, cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá nhưng chưa đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá tài sản năm 2022.
Điều đáng nói, từ cuối tháng 11 Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đã có công văn đốc thúc, giục giã các doanh nghiệp thực hiện đăng ký danh sách thẩm định viên về giá hành nghề tại doanh nghiệp cho năm 2022 và đề nghị nộp bộ hồ sơ gửi về Cục Quản lý giá trước ngày 20/12/2021.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy, đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết trong 65 doanh nghiệp (theo Thông báo số 1045 nói trên), có đơn vị nộp hồ sơ nhưng đối chiếu quy định vẫn chưa đủ điều kiện; cá biệt có những doanh nghiệp dù biết hạn nhưng không nộp hồ sơ, nghĩa là không đăng ký hành nghề trong năm 2022, trong đó có Công ty TNHH Tư vấn thuế Kế toán & Kiểm toán AVINA-IAFC có trụ sở chính đặt tại Hà Nội.
“Trường hợp các doanh nghiệp không đảm bảo đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 39 Luật Giá, Điều 1 Nghị định số 12/2021 và khoản 3 Điều 26 Thông tư số 204/2014/TT-BTC ngày 23/12/2014 của Bộ Tài chính trong 3 tháng liên tục kể từ ngày 1/1/2022, sẽ bị đình chỉ kinh doanh dịch vụ thẩm định giá theo quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật Giá hoặc đến khi có thông báo khác”, đại diện Cục Quản lý giá nhấn mạnh.
Theo đó, những trường hợp tương tự Công ty AVINA-IAFC không nộp hồ sơ đăng ký nên không đủ điều kiện hành nghề trong năm liền kề tiếp theo, cũng như không chứng minh được những thông tin, điều kiện hoạt động của doanh nghiệp, thì sau 3 tháng sẽ bị đình chỉ và không được kinh doanh dịch vụ thẩm định giá.
Thực chất từ đầu năm nay, doanh nghiệp này không được kinh doanh và không đủ điều kiện ký hợp đồng dịch vụ thẩm định giá. “Đến cuối tháng 5, nếu doanh nghiệp vẫn không nộp hồ sơ và không đủ điều kiện thì sẽ bị thu hồi giấy chứng nhận kinh doanh dịch vụ thẩm định giá vĩnh viễn vào đầu tháng 6”, đại diện Cục Quản lý giá khẳng định.
Cũng theo đại diện Cục Quản lý giá, nếu muốn đăng ký lại kinh doanh dịch vụ thẩm định giá thì doanh nghiệp phải làm thủ tục từ đầu và sẽ được cấp một mã giấy mới. Về mặt nguyên tắc là phải xóa sổ tên doanh nghiệp gắn với mã doanh nghiệp thẩm định giá cũ.
Trong khi đó, những tháng đầu năm, hàng chục doanh nghiệp gấp rút nộp hoặc hoàn thiện những nội dung để được công bố vào danh sách đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá năm 2022. Khi đó, quyết định đình chỉ sẽ được tự chấm dứt và doanh nghiệp được công bố là đủ điều kiện kinh doanh, bắt đầu có quyền ký các hợp đồng thẩm định giá.
CHẤN CHỈNH CÁC HÀNH VI “THỔI GIÁ”, HẠ GIÁ ĐỂ TRỤC LỢI
Thời gian qua, theo giới chuyên môn, các quy định hiện hành về điều kiện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá đang quá “mở”, khiến cho việc thành lập và cấp phép hoạt động của các doanh nghiệp thẩm định giá trở nên dễ dàng.
Số lượng doanh nghiệp thẩm định giá phát triển “nóng”, phá vỡ định hướng phát triển nghề trong giai đoạn 2013 – 2020.
Thẩm định giá bất động sản
Thẩm định giá động Sản
Thẩm định dự án đầu tư
Thẩm định giá tri doanh nghiệp
Thẩm Định Giá tài sản vô hình
Thẩm Định Giá mua sắm công
Số lượng doanh nghiệp phát triển nhanh cũng dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh bằng cách hạ thấp giá, cắt bớt quy trình thẩm định giá, dẫn đến giảm chất lượng dịch vụ, đồng thời là nguyên nhân của nhiều vụ việc thẩm định giá gây bức xúc trong dư luận và xã hội.
Đáng quan ngại, hàng loạt vi phạm ẩn khuất bóng dáng của những công ty thẩm định giá trong các vụ việc mua bán tài sản của Nhà nước như dìm giá đất hoặc thổi giá kit xét nghiệm vừa qua đã bị bóc trần.
Trong cuộc cạnh tranh “xuống đáy”, bên cạnh sụt giảm chất lượng doanh nghiệp thẩm định giá, nhức nhối hơn, theo đại diện Cục Quản lý giá, thời gian gần đây, cơ quan tố tụng khởi tố 11 vụ án có liên quan đến hoạt động thẩm định giá. Trong đó, 8/11 vụ án thẩm định viên, doanh nghiệp thẩm định bị kết tội đồng phạm, với tội danh vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Ngoài ra, các vụ án đều được truy tố tội danh khác như vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí; lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, từng nhìn nhận thẩm định giá với mục đích bán tài sản nhà nước với giá thấp, mua sắm tài sản nhà nước với giá cao hơn giá thị trường, tạo điều kiện cho nhiều đối tượng tha hóa tham nhũng, tiêu cực, gây thất thoát tài sản nhà nước.
Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi về chất lượng hoạt động thẩm định giá và nghi hoặc về đạo đức thẩm định viên khi số lượng doanh nghiệp vi phạm có dấu hiệu tăng dần với mức độ vi phạm trầm trọng hơn.
Lý giải về điều này, ông Phạm Văn Bình, Trưởng phòng Quản lý thẩm định giá, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), cho rằng dù quy trình về pháp luật khá rõ ràng nhưng xảy ra nhiều vụ việc thẩm định viên, doanh nghiệp thẩm định giá thông đồng cấu kết với chủ tài sản, khách hàng thẩm định giá, làm sai lệch, thao túng kết quả thẩm định giá.
Cơ quan quản lý nhà nước dùng nhiều quy định, thanh tra giám sát, tuyên truyền tuy nhiên, tình trạng thông đồng, móc ngoặc vẫn chưa được ngăn chặn triệt để.
SIẾT CHẶT QUẢN LÝ ĐỂ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG
Để nâng cao chất lượng quản lý nhà nước đối với chất lượng hoạt động thẩm định giá, ông Phạm Thanh Bình cho rằng, việc áp dụng quy định mới tại Nghị định số 12 có hiệu lực từ tháng 5/2021 đã và sẽ góp phần siết chặt quản lý nhà nước đối với hoạt động thẩm định giá, hướng tới nâng cao chất lượng trong bối cảnh điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá hiện được đánh giá là còn quá mở, dẫn đến số lượng các doanh nghiệp thẩm định giá phát triển nóng vượt quá định hướng phát triển nghề giai đoạn 2013 – 2020.
Mặt khác, nhờ đó để khắc phục được tình trạng một số cá nhân là người đại diện theo pháp luật, giám đốc hoặc tổng giám đốc doanh nghiệp thẩm định giá do làm ăn yếu kém, chất lượng dịch vụ thẩm định giá thấp hoặc bị khiếu nại, tố cáo, đã cố tình giải thể doanh nghiệp cũ để trốn tránh trách nhiệm và ngay sau đó thành lập doanh nghiệp mới.
“Phương pháp thẩm định giá tài sản chủ yếu dựa trên đầu vào là sử dụng số liệu, thông tin nhưng các đối tượng này cố tình thông đồng, móc ngoặc sẽ dẫn đến sai lệch kết quả.
Về mặt chủ quan, những vụ khởi tố thời gian qua chủ yếu thiên về đạo đức của thẩm định viên”, ông Bình phân tích.
Việc quy định thời gian tối thiểu 1 năm để được tiếp tục là người đại diện theo pháp luật, giám đốc hoặc tổng giám đốc của doanh nghiệp thẩm định giá khác, phần nào khắc phục được tình trạng trên.
Đồng thời, yêu cầu cao hơn đối với người đại diện theo pháp luật, giám đốc hoặc tổng giám đốc của doanh nghiệp thẩm định giá phải có ít nhất 3 năm (36 tháng) là thẩm định viên về giá hành nghề trước khi trở thành người đại diện theo pháp luật, giám đốc hoặc tổng giám đốc của doanh nghiệp thẩm định giá.
Bên cạnh đó, Nghị định 12/2021 cũng quy định về nghĩa vụ ký Báo cáo kết quả thẩm định giá, Chứng thư thẩm định giá của thẩm định viên về giá hành nghề. Theo đó, thẩm định viên về giá hành nghề phải ký ít nhất 10 bộ Chứng thư và Báo cáo kết quả thẩm định giá trong năm được thông báo hành nghề.
Ngoài ra, công tác kiểm tra, thanh tra giá và xử lý vi phạm pháp luật về giá cũng là một nội dung được chú trọng trong thời gian triển khai Luật Giá và các văn bản hướng dẫn thi hành. Bộ Tài chính cũng chủ động tiến hành kiểm tra đột xuất hoặc đưa vào danh sách kiểm tra trong năm kế tiếp đối với các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm.
Cuối mỗi năm, trên cơ sở kết quả kiểm tra, Bộ Tài chính đều có Công văn nhắc nhở các doanh nghiệp thẩm định giá về việc thực hiện đúng các quy định của pháp luật về thẩm định giá, trong đó có những nội dung đánh giá chung về tình hình hoạt động thẩm định giá của doanh nghiệp, chỉ ra những tồn tại của các doanh nghiệp trong kỳ kiểm tra, đặc biệt đưa ra những yêu cầu chấn chỉnh đối với các doanh nghiệp thẩm định giá nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của Luật Giá, các văn bản hướng dẫn Luật và tuân thủ Hệ thống Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam.
Ngoài ra, theo nhìn nhận của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chất lượng của hoạt động thẩm định giá phụ thuộc rất lớn vào chất lượng của thẩm định viên về giá. Do đó, cần phải điều chỉnh chính sách về thẩm định viên về giá để đảm bảo năng lực của đội ngũ này; từ đó, sẽ nâng cao chất lượng của báo cáo kết quả thẩm định giá cũng như chất lượng dịch vụ của doanh nghiệp thẩm định giá.
Đồng thời, cũng theo cơ quan này, hoàn thiện về cơ chế thẩm định giá nhằm đáp ứng yêu cầu đặt ra trong thực tiễn hiện nay, thúc đẩy kiện toàn cơ chế kiểm soát, chế tài đối với các doanh nghiệp thẩm định giá. Thông qua đó, loại trừ các đơn vị yếu về chuyên môn, có tư tưởng chộp giật, ảnh hưởng chung đến cả ngành dịch vụ…
Nếu quý khách hàng có nhu cầu thẩm định giá Động sản, Bất động sản, giá trị doanh nghiệp, dự án đầu tư, tài sản vô hình, hoặc cần tư vấn thêm về lĩnh vực thẩm định giá thì hãy liên hệ với chúng tôi:
Điện thoại:0909.399.961. Zalo:0909.399.961
Email:[email protected].