Dự thảo Luật Giá quy định: “Nghiêm cấm các hành vi lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, chính sách của Nhà nước và điều kiện bất thường khác để tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý”. Nhưng tăng bao nhiêu so với thị trường thì được coi là bất hợp lý dự thảo lại không đề cập.
Thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về Dự án Luật Giá (sửa đổi).
Tại phiên thảo luận, đa số các đại biểu Quốc hội nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, đồng thời đề nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh để đảm bảo bao quát đầy đủ nội dung kiểm tra việc chấp hành pháp luật về thẩm định giá.
Theo ghi nhận phần thảo luận tại Tổ 10 (gồm các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH các tỉnh Hậu Giang, Vĩnh Phúc, Đắk Lắk, Lào Cai) các đại biểu nhất trí cao với sự cần thiết sửa đổi Luật Giá hiện hành.
Các đại biểu khẳng định đây là đạo luật gốc về quản lý giá, có chức năng quy định những nguyên tắc căn bản trong quản lý nhà nước về giá.
Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị cần tiếp tục rà soát tính đồng bộ, thống nhất của Luật này trong hệ thống pháp luật vì các luật khác có thể quy định những vấn đề đặc thù, cụ thể thuộc lĩnh vực chuyên ngành liên quan đến quản lý giá, song cần tuân thủ các nguyên tắc chung được quy định tại Luật này. Đồng thời, đề nghị Chính phủ rà soát các luật liên quan để bảo đảm không mâu thuẫn, chồng chéo; rà soát, bảo đảm sự thống nhất giữa các quy định trong chính Luật Giá.
Một số đại biểu cũng chỉ ra rằng, bình ổn giá là vấn đề quan trọng trong quản lý giá, việc Nhà nước có biện pháp bình ổn giá khi thị trường có biến động bất thường đối với một số mặt hàng thiết yếu là cần thiết và phù hợp, nhằm tránh các tác động tiêu cực đến đời sống người dân và ổn định kinh tế vĩ mô.
Tuy nhiên, đề nghị việc áp dụng bình ổn giá phải bảo đảm trên cơ sở điều tiết thông qua các biện pháp kinh tế như điều hòa cung-cầu; điều hòa sản xuất trong nước, xuất khẩu, nhập khẩu; tổ chức lưu thông hàng hóa; kiềm chế lạm phát; hạn chế tối đa can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính, trái quy luật thị trường.
Đại biểu Nguyễn Thị Xuân – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắkcho rằng, về phạm vi điều chỉnh, cần bổ sung cụm từ “thẩm định giá” vào sau cụm từ “kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá” để đảm bảo bao quát đầy đủ nội dung kiểm tra pháp luật về thẩm định giá.
Đại biểu Nguyễn Thị Xuân còn tỏ ra băn khoăn về khoản 2 Điều 7 quy định về các hành vi nghiêm cấm.
Cụ thể, với quy định“nghiêm cấm các hành vi lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, chính sách của Nhà nước và điều kiện bất thường khác để tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý”.Theo đại biểu Nguyễn Thị Xuân quy định này còn chung chung, chưa cụ thể, định tính chứ chưa định lượng, chưa nêu rõ được thế nào là “bất hợp lý”. Đồng thời đề nghị quy định rõ giá bán tăng bao nhiêu và so với thị trường thì được coi là bất hợp lý, để tăng tính khả thi trong quá trình áp dụng.
Đại biểu Lê Minh Nam – Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giangcho rằng, Điều 3 trong dự thảo Luật quy định về việc áp dụng Luật Giá và các Luật có liên quan, có một số lĩnh vực hoạt động rất rộng, cần rà soát cho phù hợp với quy định trong các luật chuyên ngành khác, nhằm đảm bảo tính thống nhất cao, góp phần giúp dễ dàng hơn cho việc triển khai tổ chức tực hiện khi Luật có hiệu lực.
Đối với quy định về nguyên tắc quản lý, điều tiết giá của Nhà nước tại Điều 5, đại biểu Lê Minh Nam cùng một số đại biểu cho rằng, quy định còn chung chung, cần thể hiện rõ ràng, cụ thể hơn. Các đại biểu cũng cho rằng, với phần giải thích từ ngữ, một số vấn đề còn chưa rõ, chưa phù hợp với thực tế, cần rà soát lại cho phù hợp.
Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng đề nghị cần tiếp tục rà soát các quy định về tiêu chí xác định hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá. Quy định như Dự thảo Luật là chưa cụ thể, thiên về định tính, khó áp dụng trên thực tế. Vì vậy, các đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo lượng hóa tối đa nội dung này, nhằm bảo đảm tính khả thi, chặt chẽ, tạo cơ sở pháp lý cho tổ chức thực hiện.
Liên quan đến với vấn đề giá sách giáo khoa, theo các đại biểu đây là mặt hàng thiết yếu và mặt hàng này có phạm vi ảnh hưởng rất rộng, tác động trực tiếp đến người dân, nhất là người có người thu nhập thấp. Vì vậy, cần phải tiến hành kiểm soát, khống chế mặt bằng giá để bảo đảm không tác động tiêu cực đến người tiêu dùng, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân, nhất là người nghèo.
Đại biểu Lê Minh Nam đề nghị Nhà nước quy định giá bán tối đa; không ấn định giá chi tiết, các đơn vị phát hành sách tự quyết định giá bán cụ thể nhằm đảm bảo tính cạnh tranh, góp phần hạ giá bán, bảo đảm lợi ích của người dân; đồng thời cần tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc tổ chức thực hiện vấn đề này.
Nếu quý khách hàng có nhu cầu thẩm định giá Động sản, Bất động sản, giá trị doanh nghiệp, dự án đầu tư, tài sản vô hình, hoặc cần tư vấn thêm về lĩnh vực thẩm định giá thì hãy liên hệ với chúng tôi:
Điện thoại:0909.399.961. Zalo:0909.399.961
Email:[email protected].