Ở vụ việc cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn, kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu rõ, hai đơn vị tư vấn thẩm định giá có nhiều sai phạm trong thẩm định giá. Ảnh: Chấn Sơn |
Nhiều trường hợp không tuân thủ quy định
Nhiều vụ sai phạm trong quá trình thoái vốn nhà nước và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đã được Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước và cơ quan công an chỉ rõ trong năm qua với nguyên nhân mấu chốt là quá trình thẩm định giá.
Ở vụ việc cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn, kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu rõ, hai đơn vị tư vấn thẩm định giá là Công ty ATC và Công ty Hợp danh Kiểm toán Việt Nam (CPA) có nhiều khuyết điểm và sai phạm trong thẩm định giá. Với 20.960 m2 nhà kho, 48.000 m2 bãi chứa container, nằm trong hệ thống cảng biển để thực hiện “Chiến lược biển Việt Nam” đến năm 2020, gần 180 tỷ đồng tiền mặt gửi ngân hàng trước thời điểm cổ phần hóa, song Cảng Quy Nhơn chỉ được định giá hơn 400 tỷ đồng.
Tại Tổng công ty CP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), kết luận của Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ, Công ty TNHH Cushman & Wakefield thẩm định làm giảm giá trị doanh nghiệp khi thoái vốn tại dự án “đất vàng” tại số 2 – 4 – 6 Hai Bà Trưng, Quận 1, TP.HCM. Qua kiểm toán cho thấy, cả hai phương pháp thẩm định giá là so sánh và thặng dư đều được áp dụng không đúng quy định, làm giảm đáng kể giá trị thực tế của doanh nghiệp làm cơ sở để xác định giá khởi điểm.
Ngược lại với việc đánh tụt giá trị tài sản nhà nước trong các trường hợp nêu trên, tại vụ việc Tổng công ty Viễn thông Mobifone mua lại Công ty CP Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG), Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ tất cả đơn vị tư vấn thẩm định giá đều vi phạm nghiêm trọng các tiêu chuẩn thẩm định giá hiện hành, sử dụng tài liệu không khách quan, thiếu cơ sở để đưa ra các mức giá vượt xa giá trị thực của doanh nghiệp.
Đánh giá về những sai phạm này, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam khẳng định, những sự vụ như vậy chủ yếu xuất phát từ những doanh nghiệp không tuân thủ quy định về quy trình thẩm định giá. “Có thể sai sót vô ý từ việc chủ quan bớt xén quy trình thẩm định giá hoặc cũng có thể chủ ý để làm lợi cho bên bán hoặc bên mua tài sản nhà nước, đồng nghĩa với việc không bảo đảm nguyên tắc độc lập và khách quan khi thực hiện thẩm định giá. Đặc biệt, những sai phạm này thường theo xu hướng đưa giá tài sản xuống mức thấp khi bán và đẩy giá tài sản lên mức cao khi mua. Trong khi đó, các quy định về xử phạt vi phạm với các hành vi trên vẫn chưa đủ sức răn đe”, ông Thỏa nói.
Cần khắt khe hơn về điều kiện thành lập và giám sát DN thẩm định giá
Từ những vụ việc sai phạm nêu trên, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính thực hiện đánh giá toàn diện hoạt động thẩm định giá, hoàn thiện quy định pháp luật về thẩm định giá; kiên quyết thu hồi giấy phép hành nghề, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với hành vi thông đồng, trục lợi, làm thất thoát tài sản nhà nước.
Đánh giá từ góc độ tổ chức nghề nghiệp, Hội Thẩm định giá Việt Nam cho rằng, những sai phạm về thẩm định giá nêu trên phần nào xuất phát từ sự chưa trưởng thành của nhiều doanh nghiệp thẩm định giá. Trong những năm qua, doanh nghiệp thẩm định giá phát triển rất nhanh, song đại đa số là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí có doanh nghiệp rất nhỏ. Là một ngành kinh doanh có điều kiện nhưng việc quy định thành lập doanh nghiệp quá dễ dàng, chỉ cần có 3 thẩm định viên mà chưa có các quy định ràng buộc khác. Do đó, việc đầu tư nguồn lực cho hoạt động thẩm định giá khá hạn chế, dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp chỉ chú trọng đến các biện pháp cạnh tranh không phù hợp với các quy chuẩn để giành giật thị trường và khách hàng, kéo theo chất lượng dịch vụ còn có sự chênh lệch khá lớn.
Nhìn nhận những điểm hạn chế này, Hội Thẩm định giá đã gửi kiến nghị với Bộ Tài chính đề nghị xem xét lại điều kiện thành lập doanh nghiệp thẩm định giá. Vị Chủ tịch Hội đề xuất: “Cần bổ sung một số quy định để bảo đảm doanh nghiệp thẩm định giá là các doanh nghiệp hoạt động có điều kiện, nên chăng bổ sung doanh nghiệp thẩm định giá chỉ kinh doanh những dịch vụ liên quan đến giá để thanh lọc tình trạng thành lập các doanh nghiệp quá dàn trải trong nghiệp vụ kinh doanh mà chỉ coi nghề thẩm định giá như một hoạt động kinh doanh phụ”.
Bên cạnh đó, việc kiểm soát chất lượng của dịch vụ này cũng cần được chú trọng hơn nữa. Theo ông Thỏa, Bộ Tài chính cần tổ chức ngay hoạt động kiểm soát chất lượng hoạt động thẩm định giá tại doanh nghiệp, cùng doanh nghiệp thực hiện lộ trình xây dựng các tiêu chí kiểm soát riêng về các lĩnh vực như: thẩm định giá doanh nghiệp, thẩm định giá bất động sản, thẩm định giá máy móc thiết bị… để phù hợp với những đặc thù từng loại tài sản trong thẩm định giá.
Nếu quý khách hàng có nhu cầu thẩm định giá Động sản, Bất động sản, giá trị doanh nghiệp, dự án đầu tư, tài sản vô hình, hoặc cần tư vấn thêm về lĩnh vực thẩm định giá thì hãy liên hệ với chúng tôi:
Điện thoại:0909.399.961. Zalo:0909.399.961
Email:[email protected].