Định giá tài sản theo Điều 92 Bộ luật Tố tụng dân sự
– Nghiên cứu Điều 92 BLTTDS đã được sửa đổi, bổ sung bởi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS năm 2011, chúng tôi nhận thấy một số điểm mới được nhà làm luật sửa đổi, bổ sung, cũng như một số vấn đề còn vướng mắc cần trao đổi, giải quyết.
1.Một số điểm mới đã được sửa đổi, bổ sung
Thứ nhất: Bổ sung vào khoản 1 Điều 92 nội dung “các bên có quyền tự thỏa thuận về việc xác định giá tài sản, lựa chọn tổ chức thẩm định giá tài sản”. Một trong những nguyên tắc tôn trọng quyền tự định đoạt của các đương sự mà BLTTDS đã ghi nhận tại Điều 51, đã được nhà làm luật bổ sung vào khoản 1 của Điều 92 BLTTDS. Theo đó, khi có tranh chấp về giá trị tài sản, nếu các bên tự quyết định về giá trị khối tài sản đang tranh chấp hoặc thuê tổ chức dịch vụ có chức năng thẩm định giá tài sản, để thẩm định giá tài sản, thì Toà án tôn trọng sự quyết định của các đương sự trong việc định giá tài sản.
Thứ hai: Trước đây, luật không quy định chủ tịch hội đồng định giá tài sản là người đại diện của cơ quan tài chính, nên việc sửa đổi, bổ sung lần này, nhà làm luật đã quy định cụ thể chủ tịch hội đồng định giá tài sản là người đại diện của cơ quan tài chính, điều này là hoàn toàn phù hợp với lý luận và thực tiễn trong việc định giá tài sản. Trước đây, mặc dù pháp luật không ghi cụ thể chủ tịch hội đồng định giá tài sản là thuộc cơ quan nào, song trong thực tế các toà án khi ban hành quyết định định giá tài sản đều ghi chủ tịch hội đồng định giá tài sản là đại diện của cơ quan tài chính2.
Thứ ba: Để bảo đảm sự vô tư, khách quan của các thành viên trong quá trình định giá tài sản, nhà làm luật đã bổ sung các trường hợp thành viên hội đồng định giá tài sản phải từ chối tham gia thành viên hội đồng định giá nếu họ đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó và trường hợp quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 463 BLTTDS, mà trước đây chưa quy định.
Thứ tư: Bổ sung vấn đề chế tài đối với “cơ quan tài chính và các cơ quan chuyên môn có liên quan có trách nhiệm cử người tham gia hội đồng định giá và tạo điều kiện để họ làm nhiệm vụ. Người được cử làm thành viên Hội đồng định giá có trách nhiệm tham gia đầy đủ vào việc định giá. Trường hợp cơ quan tài chính, các cơ quan chuyên môn không cử người tham gia hội đồng định giá; người được cử tham gia Hội đồng định giá không tham gia mà không có lý do chính đáng, thì tùy theo mức độ vi phạm bị xử lý theo quy định của pháp luật”. Quy định này là hết sức cần thiết, nhằm đảm bảo sự phối hợp và tôn trọng Toà án trong việc giải quyết nhanh vụ án, tránh trường hợp các cơ quan này từ chối cử người tham gia hội đồng định giá tài sản, cũng như cá nhân người được cử làm thành viên hội đồng định giá tài sản nhưng không tham gia, gây khó khăn, tốn kém tiền bạc cũng như thời gian của các đương sự và Toà án mà trước đây không có bất cứ một chế tài nào đối với cơ quan, cá nhân đó4.
Thứ năm: Bổ sung thêm trường hợp các bên đương sự được quyền yêu cầu tổ chức thẩm định giá tài sản đang tranh chấp mà trước đây chưa quy định. Việc bổ sung này là phù hợp với xu hướng phát triển của nền kinh tế, xã hội hoá hoạt động định giá tài sản và phù hợp với pháp luật về thẩm định giá tài sản5.
2. Những vấn đề còn vướng mắc
2.1. Tòa án ra quyết định định giá tài sản đang tranh chấp trong trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 92 BLTTDS
Điểm b khoản 1 Điều 92 BLTTDS quy định như sau: “Các bên thỏa thuận với nhau hoặc với tổ chức thẩm định giá theo mức giá thấp nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước”.
Với quy định này thì có hai trường hợp mà Toà án phải ra quyết định định giá (không phụ thuộc vào ý chí của các đương sự) như sau:
Một là, các bên trong tranh chấp “ngồi lại” và thống nhất được với nhau về giá trị tài sản tranh chấp. Ví dụ: Hai bên tranh chấp với nhau một ngôi nhà và đều thống nhất với nhau là giá của ngôi nhà này là 500 triệu đồng và đề nghị Toà án ghi nhận sự thoả thuận của các bên.
Hai là, hai bên không tự thống nhất với nhau về giá trị tài sản tranh chấp, nhưng thống nhất với nhau là thuê dịch vụ thẩm định giá tài sản để xác định giá tài sản. Trong cả hai trường hợp được quy định tại điểm nói trên nếu giá mà các bên thoả thuận với nhau hoặc thoả thuận với tổ chức thẩm định giá tài sản mà mức giá này thấp (có thể hiểu là thấp hơn giá sàn do Nhà nước quy định) nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước, thì Toà án không chấp nhận sự thoả thuận này và Toà án ra quyết định định giá tài sản.
Một vấn đề pháp lý đặt ra là dựa vào căn cứ nào Toà án (cụ thể là thẩm phán được phân công giải quyết hoặc hội đồng xét xử trong trường hợp đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử) cho rằng việc thoả thuận giá của các đương sự là thấp? Đa số ý kiến cho rằng, Toà án căn cứ vào biểu giá nhà đất, giá các loại tài sản do Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành hàng năm và lấy đó làm căn cứ để cho rằng, giá các bên thoả thuận là thấp, nếu giá các bên thoả thuận thấp hơn biểu giá mà Uỷ ban nhân dân ban hành. Tuy nhiên, điều này lại không dễ dàng chút nào, bởi lẽ có những trường hợp việc định giá tài sản không chỉ là một căn nhà, hay một lô đất, mà nhiều khi khối tài sản tranh chấp rất nhiều loại, ví dụ: Nhà, đất, tài sản trong nhà như ti vi, tủ lạnh, xe máy, xe ô tô, máy nổ, các loại máy phục vụ sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, các loại cây trồng trên đất… Toà án không phải là cơ quan chuyên môn về lĩnh vực này, nên cho dù có biểu giá nhà đất hoặc biểu giá các loại tài sản khác do Uỷ ban nhân dân ban hành hàng năm, thì Toà án (mà cụ thể là thẩm phán, hội đồng xét xử) cũng không đủ “can đảm” làm việc này. Chưa nói trường hợp nếu các đương sự thuê dịch vụ thẩm định giá tài sản6, thì Toà án lại càng khó để kết luận là giá tài sản mà các đương sự thoả thuận với tổ chức thẩm định giá là giá thấp, trừ khi một trong các bên đương sự vì có mâu thuẫn nên báo lại cho Toà án biết.
Thực tế, nếu xảy ra trường hợp các đương sự thoả thuận mức giá tài sản tranh chấp hoặc đưa ra chứng thư thẩm định giá tài sản của tổ chức thẩm định tài sản, nếu Toà án nghi ngờ mức giá các đương sự xuất trình là thấp, thì Toà án làm công văn tham khảo ý kiến của các cơ quan tài chính và các cơ quan có liên quan khác về mức giá. Sau khi có ý kiến tham khảo cho rằng, mức giá mà các đương sự thoả thuận là thấp, thì Toà án mới có thể ra quyết định định giá tài sản. Theo hướng dẫn của Pháp lệnh số 02/2012/UBTVQH13 ngày 28/3/2012 về chi phí giám định, định giá; chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng (có hiệu lực từ ngày 01/01/2013), thì trong trường hợp này Toà án yêu cầu các đương sự phải nộp tạm ứng chi phí định giá tài sản.
Tuy nhiên, nếu các đương sự không nộp tạm ứng chi phí định giá vì cho rằng giá mà các bên thoả thuận là phù hợp với giá thị trường, thì Toà án xử lý như thế nào, Toà án có quyền đình chỉ giải quyết vụ án không? Nếu không thì xử lý như thế nào7? Vấn đề này hiện vẫn chưa có hướng dẫn. Do vậy, từ những vướng mắc, bất cập nêu trên mà trong thực tế giải quyết vụ án dân sự, kinh doanh thương mại, lao động… đa số Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án đều yêu cầu đương sự làm đơn yêu cầu Toà án ra quyết định định giá tài sản. Điều này sẽ gây phiền hà cho Toà án sau này. Căn cứ vào biên bản định giá tài sản do hội đồng định giá quyết định, hội đồng xét xử sẽ tính mức án phí trên cơ sở chấp nhận hoặc không chấp nhận các yêu cầu của đương sự để tính án phí.
2.2. Về quy định tại khoản 5 Điều 92 BLTTDS
Khoản 5 Điều 92 BLTTDS quy định như sau: “Theo yêu cầu của một hoặc các bên đương sự, Tòa án yêu cầu tổ chức thẩm định giá tài sản tiến hành thẩm định giá. Việc thẩm định giá tài sản được thực hiện theo quy định của pháp luật về thẩm định giá tài sản. Kết quả thẩm định giá tài sản được coi là chứng cứ nếu việc thẩm định giá được tiến hành đúng theo quy định của pháp luật”.
Đây được xem là trường hợp một trong các bên đương sự có yêu cầu Toà án yêu cầu tổ chức thẩm định định giá tài sản mà các bên đang tranh chấp. Quy định tại khoản này khác với quy định tại khoản 1 Điều 92 nói trên, bởi vì quy định tại khoản 1 là các bên tự thoả thuận với nhau về việc yêu cầu tổ chức thẩm định giá tài sản đang tranh chấp, mà không yêu cầu Toà án giải quyết việc thẩm định giá.
Với quy định trên đây, trong thực tế sẽ xảy ra các trường hợp sau đây:
Trường hợp thứ nhất: Hai bên cùng thống nhất yêu cầu Toà án ký hợp đồng dịch vụ với một tổ chức thẩm định giá tài sản để định giá tài sản, nhưng sau khi có kết quả thẩm định tài sản, các bên lại yêu cầu Toà án ra quyết định định giá tài sản.
Đây là trường hợp hai bên thoả thuận yêu cầu Toà án thuê tổ chức dịch vụ thẩm định định giá tài sản (lúc này Toà án chưa ra quyết định định giá). Nếu sau khi có chứng thư thẩm định giá tài sản của tổ chức thẩm định giá tài sản mà các bên không đồng ý với mức giá tổ chức thẩm định giá đưa ra và lại yêu cầu Toà án ra quyết định định giá tài sản thì Toà án có chấp nhận không? Điều 92 không quy định trường hợp này8. Nếu Toà án chấp nhận ra quyết định định giá tài sản, mà sau đó giá do hội đồng định giá tài sản lại thấp hơn hoặc cao hơn giá của tổ chức thẩm định giá tài sản, thì Toà án lấy giá nào làm căn cứ giải quyết vụ án?
Luật chưa quy định trường hợp này, theo chúng tôi, trong trường hợp này, luật nên quy định, nếu sau khi có quyết định thẩm định giá của tổ chức thẩm định giá mà các bên vẫn yêu cầu Toà án ra quyết định định giá, thì dù kết quả thẩm định giá của hội đồng định giá có như thế nào, các bên phải chấp nhận và Toà án lấy kết quả đó làm căn cứ giải quyết vụ án, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác. Tương tự, trong trường hợp đã có kết quả định giá của hội đồng định giá tài sản (do các bên yêu cầu), nhưng sau đó các bên vẫn yêu cầu Toà án thuê tổ chức thẩm định giá định giá tài sản tranh chấp, thì luật nên quy định buộc các bên chấp nhận kết quả định giá của tổ chức thẩm định giá, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác9. Bởi lẽ, trong các trường hợp nêu trên đều thể hiện ý chí tự nguyện của các bên. Nếu luật không có quy định cụ thể sẽ không có điểm dừng của vụ án.
Trường hợp thứ hai: Khi Toà án thụ lý vụ án, một bên yêu cầu Toà án ký hợp đồng dịch vụ với một tổ chức thẩm định giá tài sản để định giá tài sản, nhưng một bên không đồng ý và đề nghị Toà án ra quyết định định giá tài sản.
Đây được hiểu là ý chí của một bên yêu cầu Toà án ký hợp đồng (sau đây gọi là thuê) dịch vụ với tổ chức thẩm định tài sản để thẩm định tài sản đang tranh chấp, một bên này có thể là nguyên đơn, hoặc bị đơn. Tuy nhiên, trường hợp này có thể phát sinh bên không yêu cầu Toà án thuê tổ chức thẩm định giá tài sản (gọi là bên B) không chấp nhận kết quả thẩm định giá của tổ chức thẩm định giá tài sản cho bên có yêu cầu (gọi là bên A) vì cho rằng mức giá đó là không phù hợp và yêu cầu Toà án ra quyết định định giá tài sản. Để đảm tính công bằng, bình đẳng giữa các đương sự, Toà án sẽ ra quyết định định giá tài sản theo yêu cầu của bên B. Nhưng kết quả của hội đồng định giá và của tổ chức thẩm định giá lại có sự chênh lệch mức giá.
Tương tự, một bên yêu cầu Toà án ra quyết định định giá tài sản, nhưng bên kia lại yêu cầu Toà án thuê tổ chức dịch vụ thẩm định, thẩm định tài sản. Lúc này, quyền lợi của các bên là xung đột, có lợi cho một bên và bất lợi cho một bên. Một bên yêu cầu Toà án công nhận kết quả định giá của hội đồng định giá, còn bên khác lại yêu cầu Toà án lấy kết quả của tổ chức thẩm định giá. Vấn đề đặt ra là kết luận của hai tổ chức định giá này đều có giá trị pháp lý (trừ khi chứng minh được có sự vi phạm). Lúc này, Toà án sẽ lấy giá theo yêu cầu của bên nào? Nhà làm luật chưa lường trước quy định này.
Trường hợp này khác với trường hợp thứ nhất là các bên đã không cùng nhau yêu cầu Toà án ra quyết định định giá tài sản hoặc yêu cầu Toà án thuê tổ chức dịch vụ thẩm định định giá tài sản, mà là mỗi bên yêu cầu một tổ chức và kết quả định giá là có xung đột. Vấn đề pháp lý đặt ra là trong trường hợp này Toà án phải giải quyết như thế nào? Thật là khó cho Toà án để cho rằng giá của bên nào là phù hợp với giá thị trường. Nên chăng luật nên quy định, trong trường hợp đó, nếu các bên không thoả thuận được với nhau, thì Toà án ra thông báo yêu cầu các bên thoả thuận lựa chọn một tổ chức thẩm định định giá tài sản khác (không phải là tổ chức đã thẩm định) hoặc yêu cầu Toà án ra quyết định định giá lại tài sản (với hội đồng định giá tài sản khác) và kết quả định giá hoặc thẩm định (lần sau) là kết quả cuối cùng để Toà án giải quyết vụ án, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.
Trên đây là một số điểm mới, cũng như vướng mắc quy định tại Điều 92 BLTTDS. Trong khi chờ đợi sự hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền10, chúng tôi nêu ra mong nhận được sự góp ý, trao đổi, chia sẻ của đồng nghiệp và các bạn đọc.
Theo tcdcpl.moj.gov.vn
(1). (1) Đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Toà án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự. Toà án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó; (2) Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, các đương sự có quyền chấm dứt, thay đổi các yêu cầu của mình hoặc thoả thuận với nhau một cách tự nguyện, không trái pháp luật và đạo đức xã hội.
(2) Xem các quyết định định giá tài sản của Toà án nhân dân tỉnh Khánh Hoà.
(3) Các trường hợp sau đây các thành viên định giá phải từ tham gia làm thành viên định giá: (1) Họ đồng thời là đương sự, người đại diện, người thân thích của đương sự; (2) Họ đã tham gia với tư cách người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người làm chứng, người giám định, người phiên dịch trong cùng vụ án đó; (3) Có căn cứ rõ ràng cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ.
(4) Thực tiễn không hiếm trường hợp đến ngày định giá tài sản các cán bộ toà án, các đương sự có mặt đầy đủ, nhưng lại vắng mặt các thành viên hội đồng định giá, thành thử phải hoãn lại ngày định giá tài sản, gây bức xúc cho các đương sự.
(5) Xem: Pháp lệnh Giá ban hành ngày 26/4/2002; Nghị định số 101/2005/NĐ-CP ngày 03/8/2005 về thẩm định giá và các văn bản của Bộ Tài chính hướng dẫn về hoạt động thẩm định giá.
(6) Tổ chức dịch vụ thẩm định giá hoạt động Pháp lệnh Giá ban hành ngày 26/4/2002; Nghị định số 101/2005/NĐ-CP ngày 03/8/2005 về thẩm định giá và các văn bản của Bộ Tài chính hướng dẫn về hoạt động thẩm định giá và Pháp lệnh số 02/2012/UBTVQH13 quy định về chi phí giám định, định giá; chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng.
(7) Theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 39 của Pháp lệnh số 02/2012/UBTVQH13 thì hội đồng định giá không tiến hành định giá tài sản. Mặc dù pháp luật có quy định nếu Toà án ra quyết định định giá tài sản trong trường hợp nói trên nếu không có căn cứ thì Toà án phải chịu chi phí định giá tài sản, tuy nhiên pháp luật lại yêu cầu đương sự phải tạm nộp tạm ứng chi phí định giá, chứ không quy định trường hợp này nếu đương sự không nộp tạm ứng chi phí định giá thì Toà án tạm ứng chi phí định giá, nếu khi có kết quả định giá kết luận quyết định định giá của Toà án là đúng thì buộc các đương sự phải chịu chi phí này?
(8) Mặc dù Điều 92 Bộ luật Tố tụng dân sự không quy định, nhưng tại Điều 36 Pháp lệnh số 02/2012/UBTVQH13 có quy định đương sự được quyền định giá bổ sung, định giá lại. Do đó, theo yêu cầu của các bên Toà án vẫn tiến hành ra quyết định định giá tài sản.
(9) Thoả thuận khác không được trái pháp luật.
(10). Tại khoản 6 Điều 92 quy định: “Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Điều này”.
Chi tiết về dịch vụ xin liên hệ:
CÔNG TY TNHH THẨM ĐỊNH GIÁ.
Đ/c: 781/C2 Lê Hồng Phong, phường 12, quận 10, thành phố Hồ Chí Minh.
Mã số thuế: 0314521370.
Điện thoại: – 0929.17.27.86.
Email: [email protected].
Website: https://thamdinhgia.net
Thẩm định giá bất động sản
Thẩm định giá động Sản
Thẩm định giá máy móc thiết bị
Thẩm định dự án đầu tư
Thẩm định giá tri doanh nghiệp
Thẩm Định Giá tài sản vô hình
Thẩm định giá dự toán gói thầu
Thẩm Định Giá Dự toán, dự án xây dựng
Thẩm định giá trang thiết bị y tế
Thẩm định giá Xử lý nợ
Thẩm định giá nhà xưởng
Thẩm định giá đầu tư
Thẩm định giá tài chính định cư
Thẩm định giá tài chính du lịch
Thẩm định giá tài chính du học