(TĐGTS Định giá tài sản trong tố tụng)– Trong kinh tế thị trường, hoạt động định giá và thẩm định giá tài sản là những hoạt động khách quan, quan trọng. Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bên tham gia quan hệ tài sản, của tổ chức, cá nhân kinh doanh, của người tiêu dùng, bảo đảm trật tự xã hội và lợi ích công cộng, các quan hệ xã hội phát sinh trong hoạt động định giá, thẩm định giá luôn được pháp luật điều chỉnh. Định giá tài sản là việc ấn định, quyết định cuối cùng về giá cả của một sản phẩm, một tài sản. Vậy, trong tố tụng hình sự khi định giá tài sản căn cứ vào quy định pháp luật nào?
Trong Bộ luật Hình sự có rất nhiều tội danh quy định yếu tố giá trị tài sản bị xâm phạm (hư hỏng, huỷ hoại, chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng trái phép…) là một trong những dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, thực tế áp dụng vẫn gặp nhiều vướng mắc, bất cập. Bài viết dưới đây tác giả nêu một số khó khăn, vướng mắc và kiến nghị về vấn đề này.
Việc xác định giá trị tài sản bị xâm phạm có ý nghĩa quan trọng và mang tính bắt buộc để xác định hành vi xâm phạm về tài sản có phải là tội phạm hay không. Bên cạnh đó, việc định giá tài sản còn là căn cứ để xác định khung hình phạt; đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội khi lượng hình và xác định mức bồi thường cho người bị thiệt hại về tài sản.
1. Khái niệm tài sản
Định giá, thẩm định giá bất kỳ một tài sản nào thì người định giá, thẩm định giá cũng cần biết rõ tài sản đó là gì, đặc điểm về mặt kinh tế – kỹ thuật cũng như về mặt pháp lý của tài sản.
“Tài sản là của cải vật chất hoặc tinh thần có giá trị đối với chủ sở hữu”
Nhìn tổng quát, tài sản được hiểu là tất cả các nguồn lực hữu hình hoặc vô hình, bao gồm: vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản của một chủ thể nhất định, có khả năng mang lại lợi ích cho các chủ thể đó.
Theo quy định tại Bộ luật dân sự năm 2005, tài sản bao gồm: vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản.
Tài sản kể trên được hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm:
- Vật: gồm cả vật đang có và vật sẽ được hình thành trong tương lai (ví dụ công trình đang được xây dựng, tàu thuyền đang đóng hoặc sẽ đóng, hoa quả sẽ có,…);
- Tiền, giấy tờ có giá (cổ phiếu, trái phiếu, công trái, séc, giấy ủy nhiệm chi, tín phiếu, sổ tiết kiệm,…);
- Các quyền tài sản (quyền sử dụng đất, quyền đòi nợ, quyền sở hữu trí tuệ,…)
2. Quy định chung về định giá tài sản
Việc định giá tài sản được tiến hành trong những trường hợp khác nhau, như trước khi phát mại tài sản, thanh lí tài sản, bán đấu giá tài sản… Người có quyền định giá tài sản thường là người có quyền sở hữu đối với tài sản. Khi một người được chủ sở hữu ủy quyền một cách hợp pháp, người được ủy quyền cũng có quyền định giá tài sản. Trong một số trường hợp, theo quy định của pháp luật việc định giá tài sản phải do một hội đồng thực hiện. Trong một số trường hợp khác, theo quy định của pháp luật, việc định giá một tài sản phải được thực hiện trong một khung giá với mức giá trần do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.
Trong trường hợp tài sản được bán đấu giá, người bán tài sản (chủ sở hữu tài sản hoặc người được chủ sở hữu uỷ quyền bán hoặc người có quyền bán tài sản của người khác theo quy định của pháp luật) xác định giá khởi điểm với sự tham gia của người bán đấu giá. Người bán đấu giá xác định giá khởi điểm trong trường hợp được người bán tài sản uỷ quyền và phải báo cho người bán tài sản trước khi thông báo công khai về việc bán đấu giá. Trong trường hợp tài sản bán đấu giá là tài sản cầm cố, thế chấp thì người nhận cầm cố, thế chấp cùng người cầm cố, người thế chấp xác định giá khởi điểm với sự tham gia của người bán đấu giá. Nếu người cầm cố, người thế chấp vắng mặt không có lí do chính đáng hoặc từ chối kí kết hợp đồng bán đấu giá thì giá khởi điểm do người bán đấu giá xác định với sự tham gia của người nhận cầm cố, người nhận thế chấp.
3. Định giá tài sản theo quy định luật tố tụng hình sự hiện nay
Trong quá trình tố tụng định giá tài sản trong tố tụng hiện nay, nếu xét thấy cần xác định giá trị của tài sản có liên quan đến việc giải quyết vụ án hình sự như liên quan đến việc xác định tội phạm, định tội, định khung hình phạt, quyết định hình phạt… thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng ra văn bản yêu cầu định giá tài sản (từ Điều 215 đến Điều 222 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015).
Văn bản yêu cầu định giá tài sản ghi rõ tên cơ quan và người có thẩm quyền yêu cầu; tên hội đồng định giá được yêu cầu; thông tin và đặc điểm của tài sản, các tài liệu kèm theo (nếu có); nội dung yêu cầu định giá; ngày, tháng, năm yêu cầu và thời hạn trả kết quả định giá tài sản. Trong hạn 24 giờ, kể từ khi ra văn bản yêu cầu định giá tài sản, văn bản này phải gửi cho hội đồng định giá tài sản được yêu cầu kèm theo hồ sơ, đối tượng yêu cầu định giá; gửi văn bản yêu cầu định giá tài sản cho viện kiểm sát có thẩm quyền. Việc định giá tài sản được tiến hành bằng một phiên họp của hội đồng định giá tài sản, điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán có thể tham dự cuộc họp nhưng phải báo trước cho hội đồng định giá tài sản biết. Nếu không đồng ý với kết luận lần đầu, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng tự mình hoặc theo yêu cầu của người bị buộc tội, người tham gia tố tụng khác có quyền ra văn bản yêu cầu định giá lại bằng hội đồng định giá tài sản cấp trên trực tiếp. Trường hợp có mâu thuẫn giữa hai kết luận này, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có quyền ra văn bản yêu cầu định giá lại lần thứ hai bằng hội đồng định giá có thẩm quyền. Trường hợp tài sản cần định giá bị thất lạc hoặc không còn thì việc định giá dựa trên các thông tin, tài liệu thu thập được về tài sản. Trường hợp đặc biệt, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quyết định việc định giá lại tài sản khi đã có kết luận định giá lại lần thứ hai. Việc định giá lại trong trường hợp này phải do hội đồng định giá tài sản khác thực hiện và kết luận của hội đồng định giá lần này là kết luận cuối cùng để giải quyết vụ án.
4. Hành vi từ chối định giá tài sản trong Bộ Luật Hình sự
Điều 383. Tội từ chối khai báo, từ chối kết luận giám định, định giá tài sản hoặc từ chối cung cấp tài liệu
1. Người làm chứng nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 19 của Bộ luật này, người giám định, người định giá tài sản, người dịch thuật từ chối khai báo, trốn tránh việc kết luận giám định, định giá tài sản hoặc từ chối cung cấp tài liệu mà không có lý do chính đáng, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
2. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Có thể bạn quan tâm:
Thẩm định giá bất động sản
Thẩm định giá động Sản
Thẩm định dự án đầu tư
Thẩm định giá tri doanh nghiệp
Thẩm Định Giá tài sản vô hình
Như vậy, đối với hành vi từ chối hoặc trốn tránh việc định giá tài sản có thể bị xử lý theo quy định trên.
5. Một số bất cập về quyền yêu cầu định giá tài sản
Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, bị can đề nghị Tòa án định giá lại tài sản vì cho rằng giá trị định giá quá cao so với giá trị thực tế của tài sản. Tòa án giải quyết như thế nào?
Ví dụ:Nguyễn Văn H bị VKSND huyện A truy tố về tội trộm cắp tài sản. Tài sản bị chiếm đoạt là một chiếc xe ô tô nhãn hiệu TOYOTA INNOVA đã qua sử dụng. Chiếc xe ô tô đã được Hội đồng định giá tài sản trong TTHS huyện A thực hiện định giá lần đầu theo yêu cầu của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện A và có kết luận giá trị chiếc ô tô tại thời điểm bị chiếm đoạt (năm 2020) là 300.000.000đ. Tại giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, bị can H có đơn đề nghị định giá lại tài sản vì cho rằng kết quả định giá này là quá cao so với giá trị thực tế của chiếc xe (xe ô tô mua năm 2006, xe vận tải hành khách thường xuyên nên xuống cấp nghiêm trọng). TAND huyện A đã ra văn bản yêu cầu định giá tài sản gửi Hội đồng định giá tài sản trong TTHS cấp tỉnh định giá lại tài sản. Hội đồng định giá tài sản cấp tỉnh tiến hành việc định giá lại và có kết luận chiếc xe ô tô nói trên có giá trị là 180.000.000đ.
Vấn đề đặt ra là việc ra văn bản yêu cầu định giá lại tài sản nêu trên của Tòa án nhân dân huyện A có phù hợp hay không?
Quan điểm thứ nhất:Theo quy định tại khoản 5 Điều 252 BLTTHS, Tòa án có quyền yêu cầu định giá lại tài sản. Nên nếu xét thấy nghi ngờ về kết luận định giá tài sản lần đầu thì Tòa án có quyền ra văn bản yêu cầu định giá lại tài sản.
Quan điểm thứ hai:Tòa án không ra văn bản yêu cầu định giá lại tài sản mà trả hồ sơ điều tra bổ sung, yêu cầu Viện kiểm sát tiến hành định giá lại tài sản. Nếu Viện kiểm sát tiến hành định giá lại tài sản thì Tòa án căn cứ vào kết luận định giá lại tài sản để giải quyết vụ án. Nếu Viện kiểm sát không tiến hành định giá lại tài sản mà chuyển hồ sơ lại cho Tòa án, nếu xét thấy nghi ngờ về kết luận định giá tài sản lần đầu thì căn cứ khoản 5 Điều 252 BLTTHS, Tòa án ra văn bản yêu cầu định giá lại tài sản để làm căn cứ giải quyết vụ án.
Theo quan điểm của chúng tôi, để giải quyết chính xác, đảm bảo chặt chẽ và khách quan vụ án, Tòa án không ra văn bản yêu cầu định giá lại tài sản mà tiến hành trả hồ sơ điều tra bổ sung, yêu cầu Viện kiểm sát tiến hành định giá lại tài sản, như hướng giải quyết theo quan điểm thứ hai là phù hợp. Trường hợp Viện kiểm sát không tiến hành định giá lại tài sản mà chuyển hồ sơ lại cho Tòa án, nếu xét thấy nghi ngờ về kết luận định giá tài sản lần đầu thì căn cứ khoản 5 Điều 252 BLTTHS, khoản 1 Điều 21 Nghị định 30/2018/NĐ-CP, Tòa án ra văn bản yêu cầu định giá lại tài sản.
Vấn đề thứ hai là Tòa án có được sử dụng kết quả định giá lại tài sản để giải quyết vụ án không?
Từ ví dụ nêu trên, có quan điểm cho rằng việc định giá lại tài sản mặc dù có sự khác nhau với kết quả định giá lần đầu nhưng đảm bảo đúng thủ tục quy định do Hội đồng định giá tài sản trong TTHS cấp tỉnh thực hiện. Nên kết quả định giá lại tài sản được sử dụng để giải quyết vụ án.
Theo chúng tôi, khi có kết luận định giá lại tài sản, nếu có mâu thuẫn với kết luận định giá lần đầu thì Tòa án kiểm tra tính xác thực của kết quả định giá lại. Nếu kết luận định giá lại tài sản đảm bảo thủ tục theo quy định, không có nghi ngờ về kết quả định giá lại thì sử dụng để giải quyết vụ án. Nếu có căn cứ nghi ngờ về kết quả định giá lại thì căn cứ khoản 2 Điều 218 BLTTHS, khoản 2 Điều 21 Nghị định 30/2018/NĐ-CP, Tòa án ra văn bản yêu cầu định giá lại lần hai, kết luận định giá lại tài sản lần hai được sử dụng để giải quyết vụ án.
6. Một số bất cập vè định giá tài sản trong Tố tụng Hình sự
Trong vụ án có 2 người bị thiệt hại về tài sản nhưng 1 người từ chối định giá tài sản, không cung cấp thông tin về tài sản cần định giá, không yêu cầu bồi thường thiệt hại, thì giải quyết như thế nào?
Trước hết, đây là hậu quả do hành vi phạm tội gây ra nhưng chưa được cơ quan tiến hành tố tụng xác minh, điều tra cụ thể; trong khi tình tiết này dùng để xác định có hành vi phạm tội không; có thể ảnh hưởng tới việc xác định khung hình phạt; để đánh giá tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội làm cơ sở giải quyết vụ án. Tuy nhiên, khi cơ quan tiến hành tố tụng ra quyết định yêu cầu định giá tài sản đối với tài sản của 2 người bị thiệt hại về tài sản, 1 người từ chối việc định giá tài sản vì cho rằng tài sản của họ không đáng kể, nên không cung cấp tài liệu, thông tin liên quan đến tài sản cần định giá. Tòa án giải quyết vụ án như thế nào?
Quan điểm thứ nhất,Tòa án đề nghị Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát yêu cầu định giá tài sản thông qua loại tài sản tương tự để có căn cứ đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội. Khi có kết luận định giá tài sản thông qua loại tài sản tương tự thì Tòa án đưa vụ án ra xét xử.
Quan điểm thứ hai,Tòa án trả hồ sơ choViện kiểm sát yêu cầu định giá tài sản, nhưng người bị thiệt hại về tài sản vẫn giữ nguyên quan điểm từ chối việc định giá tài sản thì Tòa án đưa vụ án ra xét xử và Hội đồng xét xử tiếp tục trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Theo chúng tôi, quan điểm thứ hai là phù hợp. Sau khi trả hồ sơ để điều tra bổ sung tại phiên tòa, Viện kiểm sát và Cơ quan điều tra đã thuyết phục nhưng người bị thiệt hại về tài sản vẫn giữ nguyên quan điểm từ chối việc định giá tài sản, không cung cấp thông tin về tài sản cần định giá. Do đó, khi nhận lại hồ sơ vụ án không có kết luận định giá tài sản, theo nguyên tắc có lợi cho bị cáo thì Tòa án vẫn đưa vụ án ra xét xử, xác định tư cách tham gia tố tụng của người này là người làm chứng. Khi không có thông tin về tài sản cần định giá thì việc định giá tài sản thông qua loại tài sản tương tự là không đúng quy định của pháp luật.
Liên hệ để được tư vấn về dịch vụ Thẩm Định Giá :
Điện thoại:0909.399.961. Zalo:0909.399.961
Email:[email protected].