Quy định mới về kinh doanh dịch vụ thẩm định giá (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư) 

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 60/2021/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 38/2014/TT-BTC ngày 28/3/2014 hướng dẫn một số điều của Nghị định số 89/2013/NĐ-CP ngày 06/8/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật giá về thẩm định giá.

Thông tư số 60/2021/TT-BTC có hiệu lực thi hành từ ngày 03/9/2021, không chỉ kịp thời hướng dẫn các quy định tại Nghị định số 12/2021/NĐ-CP ngày 24/02/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/2013/NĐ-CP, mà còn giúp khắc phục những hạn chế, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện Thông tư số 38/2014/TT-BTC trong thời gian qua.

Thông tư số 60/2021/TT-BTC gồm 02 Điều và 08 Phụ lục, trong đó Điều 1 gồm 11 khoản sửa đổi, bổ sung các khoản/điều tại Điều 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10 và thay thế các Phụ lục từ số 01/TĐG đến số 08/TĐG kèm theo Thông tư số 38/2014/TT-BTC; Điều 2 quy định về điều khoản thi hành. Một số những nội dung cơ bản sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 60/2021/TT-BTC ngày 21/7/2021 của Bộ Tài chính như sau:

Căn cứ theo quy định tại điểm c và d Khoản 1 Điều 14 Nghị định số 89/2013/NĐ-CP và tại khoản 7 Điều 1 Nghị định số 12/2021/NĐ-CP, Thông tư số 60/2021/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 3 Thông tư số 38/2014/TT-BTC theo hướng quy định hồ sơ đăng ký hành nghề thẩm định giá bao gồm các văn bản sau:

(1) Giấy đăng ký hành nghề thẩm định giá tại doanh nghiệp theo Mẫu quy định tại Phụ lục số 01 kèm theo Thông tư có xác nhận của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;

(2) Bản sao Thẻ thẩm định viên về giá hoặc Giấy xác nhận đã cấp thẻ thẩm định viên về giá do Bộ Tài chính cấp;

(3) Bản sao chứng thực hoặc sao y bản chính văn bản về việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc thông báo về việc doanh nghiệp giải thể/chấm dứt tồn tại của doanh nghiệp thẩm định giá liền kề trước thời điểm đăng ký hành nghề;

(4) Bản sao Giấy chứng nhận bồi dưỡng kiến thức chuyên môn về thẩm định giá cho thẩm định viên về giá hành nghề theo quy định của Bộ Tài chính;

(5) Bản sao chứng thực Giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp có thời gian phù hợp với thời hạn lao động tại hợp đồng lao động đối với trường hợp thẩm định viên về giá là người nước ngoài;

(6) Bản sao chứng thực hoặc sao y bản chính Hợp đồng lao động và Phụ lục hợp đồng lao động (nếu có) tại doanh nghiệp thẩm định giá của thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề, ghi rõ thời gian làm việc và công việc phải làm phù hợp với nội dung đăng ký hành nghề thẩm định giá;

(7) Danh sách ít nhất 10 bộ Chứng thư thẩm định giá và Báo cáo kết quả thẩm định giá trong năm liền trước của thẩm định viên về giá hành nghề đã ký. Nội dung kê khai 10 bộ Chứng thư thẩm định giá và Báo cáo kết quả thẩm định giá bao gồm: Số, ngày tháng năm phát hành Chứng thư thẩm định giá và Báo cáo kết quả thẩm định giá; khách hàng thẩm định giá; doanh nghiệp thẩm định giá và có xác nhận của (các) doanh nghiệp thẩm định giá phát hành

Các trường hợp không phải kê khai trên gồm Thẩm định viên về giá hành nghề dưới 06 (sáu) tháng trong năm liền trước; thẩm định viên về giá đã được Bộ Tài chính công bố đủ điều kiện hành nghề thẩm định giá năm hiện tại; thẩm định viên về giá là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thẩm định giá và có tên trên Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá của doanh nghiệp trong năm liền trước.

Đồng thời, để đảm bảo quyền lợi cho các thẩm định viên cũng như doanh nghiệp thẩm định giá, số lượng chứng thư này cần được xét trong tất cả các giai đoạn thẩm định viên về giá đủ điều kiện hành nghề trong một năm, có thể bao gồm việc hành nghề tại nhiều doanh nghiệp thẩm định giá khác nhau. Danh sách này chỉ cần nộp 01 lần duy nhất tại thời điểm đăng ký hành nghề đầu tiên trong năm, đảm bảo tinh thần đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Thông tư số 60/2021/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Khoản 4 và Khoản 5 Điều 3 Thông tư số 38/2014/TT-BTC quy định về quản lý hành nghề thẩm định giá như sau:

Đối với doanh nghiệp thẩm định giá: Trường hợp doanh nghiệp thẩm định giá đăng ký bổ sung thẩm định viên về giá thì thực hiện theo quy định và gửi kèm văn bản đến Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá) đề nghị đăng ký bổ sung danh sách thẩm định viên về giá hành nghề tại doanh nghiệp.

Trường hợp đăng ký giảm thẩm định viên về giá, doanh nghiệp thẩm định giá gửi văn bản đến Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá) đề nghị đăng ký giảm thẩm định viên về giá hành nghề tại doanh nghiệp kèm bản sao chứng thực hoặc sao y bản chính văn bản về việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc chấm dứt đăng ký hành nghề (đối với trường hợp thẩm định viên về giá vẫn tiếp tục làm việc tại doanh nghiệp) của doanh nghiệp đối với thẩm định viên về giá đăng ký giảm.

Trường hợp đăng ký điều chuyển thẩm định viên về giá, doanh nghiệp thẩm định giá gửi văn bản đến Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá) đề nghị đăng ký điều chuyển thẩm định viên về giá hành nghề tại doanh nghiệp kèm theo hồ sơ điều chuyển.

Đối với cơ quan quản lý nhà nước về thẩm định giá: Bộ Tài chính ban hành Thông báo công bố Danh sách Thẩm định viên về giá đủ điều kiện hành nghề Thẩm định giá tại doanh nghiệp thẩm định giá định kỳ chậm nhất vào ngày làm việc cuối cùng hàng tháng đối với các doanh nghiệp thẩm định giá đã nộp đủ hồ sơ đăng ký hành nghề Thẩm định giá cho Thẩm định viên về giá tại doanh nghiệp trước ngày 20 hàng tháng (theo dấu công văn đến), riêng tháng 12 là trước ngày 10 của tháng (theo dấu công văn đến). Thẩm định viên về giá chỉ được phép hành nghề Thẩm định giá sau khi có Thông báo của Bộ Tài chính. 

Thông tư số 60/2021/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Khoản 2 và 3 Điều 6 Thông tư số 38/2014/TT-BTC quy định về Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, trích lập và sử dụng Quỹ dự phòng rủi ro nghề nghiệp như sau:

Về Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp: Doanh nghiệp Thẩm định giá được mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp Thẩm định giá theo quy định của pháp luật kinh doanh bảo hiểm. Chi phí mua bảo hiểm được tính vào chi phí kinh doanh của doanh nghiệp Thẩm định giá theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.

Về trích lập quỹ dự phòng rủi ro nghề nghiệp: Trường hợp doanh nghiệp thẩm định giá không mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp thẩm định giá thì phải trích lập quỹ dự phòng rủi ro nghề nghiệp với mức trích hàng năm là 1% trên doanh thu dịch vụ thẩm định giá (doanh thu không có thuế giá trị gia tăng), được hạch toán như trường hợp trích lập dự phòng phải trả. Doanh nghiệp phải xây dựng và ban hành quy chế nội bộ quản lý và sử dụng quỹ dự phòng rủi ro nghề nghiệp. Khi quỹ dự phòng rủi ro nghề nghiệp có số dư cuối năm tài chính tương đương 10% doanh thu dịch vụ thẩm định giá trong năm tài chính thì không tiếp tục trích quỹ dự phòng rủi ro nghề nghiệp nữa. Trường hợp doanh nghiệp chấm dứt hoạt động thẩm định giá thì số dư quỹ dự phòng rủi ro nghề nghiệp đã trích lập nhưng chưa sử dụng hết được hạch toán vào thu nhập khác.

Theo quy định tại Khoản 6 và 7 Điều 1 Thông tư số 60/2021/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Khoản 2 và 5 Điều 7 Thông tư số 38/2014/TT-BTC thì thời hạn lưu trữ hồ sơ thẩm định giá tối thiểu là 10 (mười) năm đối với hồ sơ thẩm định giá kể từ ngày phát hành chứng thư thẩm định giá. Như vậy, thời hạn lưu trữ trên được áp dụng cho cả lưu trữ bằng giấy và lưu trữ điện tử quy định tại Thông tư số 38/2014/TT-BTC.

Doanh nghiệp thẩm định giá phải có biện pháp để duy trì tính bảo mật, an toàn, toàn vẹn, có khả năng tiếp cận và phục hồi được của hồ sơ thẩm định giá trong thời hạn lưu trữ. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thẩm định giá phải chịu trách nhiệm tổ chức bảo quản, lưu trữ, tiêu hủy hồ sơ thẩm định giá theo quy định của pháp luật về lưu trữ.

Thông tư số 60/2021/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Điều 8 Thông tư số 38/2014/TT-BTC quy định về Chế độ báo cáo theo hướng cho phép các báo cáo định kỳ và báo cáo đột xuất của doanh nghiệp thẩm định giá và tổ chức nghề nghiệp về thẩm định giá được gửi về Bộ Tài chính (Cục Quản lý Giá) bằng một trong các phương thức sau: Gửi trực tiếp tại Văn phòng cơ quan tiếp nhận; Gửi qua dịch vụ bưu chính; Gửi qua fax hoặc thư điện tử theo địa chỉ [email protected] (bản scan). Doanh nghiệp thẩm định giá, chi nhánh doanh nghiệp thẩm định giá, tổ chức nghề nghiệp về thẩm định giá chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của các báo cáo.

Theo đó, Điều 9 Thông tư số 38/2014/TT-BTC quy định về kiểm soát chất lượng hoạt động thẩm định giá được sửa đổi, bổ sung như sau: Doanh nghiệp thẩm định giá xây dựng quy trình và thực hiện kiểm soát chất lượng hoạt động thẩm định giá của doanh nghiệp theo quy định tại Hệ thống Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam, hướng dẫn của Bộ Tài chính (nếu có).

Doanh nghiệp thẩm định giá được chủ động đề nghị cơ quan có thẩm quyền thực hiện đánh giá chất lượng hoạt động thẩm định giá tại doanh nghiệp sau thời gian ít nhất 06 (sáu) tháng kể từ thời điểm công bố kết quả đánh giá chất lượng hoạt động thẩm định giá của doanh nghiệp liền trước đó.

Theo đó, Khoản 2 Điều 10 Thông tư số 38/2014/TT-BTC quy định cơ sở dữ liệu về thẩm định giá được sửa đổi, bổ sung như sau: Doanh nghiệp thẩm định giá có trách nhiệm xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về thẩm định giá phục vụ hoạt động nghiệp vụ của doanh nghiệp và thực hiện việc kết nối cơ sở dữ liệu này với cơ sở dữ liệu quốc gia về giá theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Thay thế các Phụ lục từ số 01/TĐG đến số 08/TĐG kèm theo Thông tư số 38/2014/TT-BTC, bao gồm: Mẫu Giấy đăng ký hành nghề thẩm định giá tại doanh nghiệp; Mẫu Đơn đề nghị cấp, cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá; Mẫu văn bản rà soát, đăng ký danh sách thẩm định viên về giá hành nghề tại doanh nghiệp; Mẫu Giấy Chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá; Mẫu Quyết định đình chỉ kinh doanh dịch vụ thẩm định giá; Mẫu Quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá; Mẫu Báo cáo tình hình doanh nghiệp và một số chỉ tiêu hoạt động thẩm định giá cả năm; Mẫu Báo cáo tình hình hoạt động và phương hướng hoạt động của Tổ chức nghề nghiệp về thẩm định giá.

 
PV