Thẩm định giá là một khâu quan trọng trong quản lý tài sản công, là căn cứ để xác định giá khởi điểm trong đấu giá, giá dự toán để thực hiện đấu thầu. Hoạt động thẩm định giá thời gian qua đang chứng kiến sự tăng trưởng “nóng” về số lượng các doanh nghiệp thẩm định giá. Tính đến ngày 1/1/2021, cả nước có 409 doanh nghiệp được Bộ Tài chính cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá. Trong đó có 333 doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh dịch vụ thẩm định giá, với 1.723 thẩm định viên đăng ký hành nghề tại các doanh nghiệp này. Hoạt động thẩm định giá đã mang lại nhiều kết quả tích cực nhưng cũng bộc lộ không ít những yếu kém, để xảy ra hàng loạt các sai phạm trong thời gian gần đây.
Thời gian qua Cơ quan Cảnh sát điều tra liên tục khởi tố các vụ việc liên quan tới vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên, Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa, Sở Y tế Cần Thơ, vụ án nâng khống giá cây xanh tại Hà Nội, vụ CDC Hà Nội, Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai…
Tại Bệnh viện Bạch Mai, cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố bị can, bắt tạm giam nhiều đối tượng để phục vụ công tác điều tra về các nghi vấn, trong đó có một số cá nhân tại Công ty BMS có hệ thống robot được nhập khẩu có giá trị 7,4 tỷ đồng (gồm VAT). Các bị can bước đầu được xác định là câu kết nâng khống lên 39 tỷ đồng, hợp thức bằng chứng thư thẩm định giá không có giá trị pháp lý.
Một vụ việc khác gây bức xúc dư luận là vụ nâng khống giá cây xanh tại Hà Nội. Tại vụ việc này, các bị can được cho là có sự thông đồng, câu kết giữa cán bộ Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị Sở Xây dựng Hà Nội với thẩm định viên đơn vị thẩm định giá ban hành chứng thư hợp thức; thông đồng với các đơn vị cung cấp cây xanh lập khống hợp đồng mua bán, hóa đơn giá trị gia tăng đưa vào hồ sơ quyết toán để rút tiền trái quy định, gây thiệt hại tài sản nhà nước hàng chục tỷ đồng.
Gần đây nhất là vụ việc cơ quan điều tra đã khởi tố, tạm giam 8 bị can trong đó có Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Y dược Vimedimex về tội “Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản” cùng 7 người khác. Qua xác định ban đầu, Công ty Thẩm định giá và đầu tư Hà Nội đã thông đồng với cán bộ của Ban Quản lý dự án huyện Đông Anh (đại diện người có tài sản) để can thiệp điều chỉnh giá trên chứng thư thẩm định. Sau đó, các công ty đấu giá đã có hành vi thông đồng, dìm giá trong quá trình đấu giá.
Có ý kiến cho rằng, theo quy định của Luật Giá thì kết quả thẩm định giá được sử dụng làm một trong những căn cứ để cơ quan, tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc có quyền sử dụng tài sản theo quy định của pháp luật và các bên liên quan xem xét, quyết định hoặc phê duyệt giá đối với tài sản. Tuy nhiên, hiện nay kết quả thẩm định này được pháp luật chuyên ngành gần như sử dụng ngay để làm căn cứ duy nhất để định giá, kéo theo đó là hàng loạt những sai phạm xảy ra bắt nguồn từ sai phạm trong khâu thẩm định giá này.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa – Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến những sai phạm trong khâu thẩm định giá bắt nguồn từ cả nguyên nhân chủ quan và khách quan.
Về chủ quan, ông Thỏa cho rằng, năng lực của thẩm định viên yếu, không tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam, cạnh tranh không lành mạnh, vi phạm đạo đức nghề nghiệp.
Về khách quan là hệ thống pháp luật về thẩm định giá còn chưa đồng bộ, hoàn chỉnh, thông tin thị trường thiếu minh bạch, khách hàng thẩm định giá cung cấp thông tin về tài sản thiếu trung thực, có ý đồ tư lợi… Ngoài ra, theo ông Thỏa, hội đồng thẩm định giá cũng có trách nhiệm trong việc xảy ra những sai phạm này.
Trên thực tế, các doanh nghiệp thẩm định giá chỉ đưa ra mức giá tư vấn, chủ sở hữu hoặc có quyền sử dụng tài sản quyết định mức giá nào thì cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu sai phạm. Quy trình thẩm định giá đưa ra là chặt chẽ, nhưng thực tế hội đồng thẩm định giá khi thẩm định lại chủ yếu dựa trên thông tin của doanh nghiệp thẩm định giá mà thiếu khảo sát độc lập để đối chiếu nên để xảy ra sai phạm là điều dễ hiểu, ông Thỏa đánh giá.
Bàn về giải pháp trước thực trạng trên, ông Nguyễn Tiến Thỏa bày tỏ quan điểm, phải hoàn thiện quản lý nhà nước về thẩm định giá. Theo đó, hoàn thiện các cơ chế chính sách và văn bản pháp luật về thẩm định giá, tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam, quy định các điều kiện chặt chẽ về đạo đức nghề nghiệp, năng lực chuyên môn của các thẩm định viên về giá.
Điều quan trọng là phải định lượng được các tiêu chuẩn thẩm định giá để các doanh nghiệp thẩm định giá, hội đồng thẩm định giá tiếp cận góc độ nào cũng có thể tính được giá đúng.
Đơn cử, một số phương pháp thẩm định giá quy giá trị tương lai về giá trị hiện tại (như phương pháp thặng dư và phương pháp dòng tiền chiết khấu) đều phải xác định tỷ suất vốn hóa. Tuy nhiên, việc xác định tỷ suất này được pháp luật về thẩm định giá hướng dẫn “căn cứ theo thị trường” một cách chung chung, trong khi tỷ suất này chỉ cần tăng, giảm một chút đã khiến kết quả thẩm định giá sai khác.
“Nếu tỷ suất này được tổng hợp cụ thể, được định lượng rõ là với tài sản là bất động sản thì tỷ suất vốn hóa thường là bao nhiêu; đối với tài sản khác thì tỷ suất này là bao nhiêu thì doanh nghiệp thẩm định giá sẽ có cơ sở tính toán chính xác. Cơ quan thanh, kiểm tra cũng có có sở để đánh giá tính chuẩn mực của doanh nghiệp thẩm định giá”, ông Thỏa nhận xét.
Để quản lý hoạt động thẩm định giá có hiệu quả hơn, Bộ Tài Chính cần đánh giá cụ thể kết quả hoạt động thẩm định giá để có những sửa đổi bổ sung cho phù hợp, trong đó sẽ sửa đổi bổ sung theo hướng “định lượng” nhiều hơn “định tính” về các tiêu chuẩn thẩm định giá, “mở rộng” và “nâng cấp” thêm các quy định về các chế tài hiện hành, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho biết thêm.