(TĐGTS Đối tượng thẩm định giá) –Thẩm định giá là một dịch vụ tư vấn tài chính không thể thiếu trong nền kinh tế thị trường, xuất phát từ nhu cầu khách quan về việc xác định giá trị của tài sản; trên cơ sở đó các bên tham gia giao dịch có thể thỏa thuận với nhau về tài sản, giúp các giao dịch về tài sản thành công, đảm bảo lợi ích chính đáng các bên.
Thẩm định giá tài sản có nguồn gốc từ khoa học kinh tế cổ điển và hiện đại. Các nguyên tắc kỹ thuật thẩm định giá đã được thiết lập và tương tự nhau giữa các nước trước những năm 40 của thế kỷ 20, nhưng trên thế giới thẩm định giá chỉ thật sự phát triển là một hoạt động dịch vụ chuyên nghiệp từ sa những năm 40 của thế kỷ 20.
Sự xuất hiện của hoạt động thẩm định giá là một phần tất yếu của quá trình vận hành và phát triển của nền kinh tế thị trường khi hội tụ các yếu tố khách quan của nó, nghĩa là khi nền kinh tế hàng hóa đạt đến một trình độ xã hội hóa nhất định.
Ở các nước, người ta thường sử dụng hai từ tiếng Anh là Appraisal và Valuation để nói đến thẩm định giá, lần lượt xuất hiện vào các năm 1529 và năm 1817, đều bắt nguồn từ tiếng Pháp. Hai thuật ngữ đều có chung ý nghĩa là ý kiến (bằng văn bản) thể hiện sự ước tính của một thẩm định viên về giá trị của một tài sản, biểu hiện bằng tiền, tại một ngày tháng nhất định và tại một địa điểm nhất định.
1. Khái niệm thẩm định giá
Thẩm định giá do các thẩm định viên có chuyên môn được đào tạo, có kiến thức, có kinh nghiệm, có tính trung thực nghề nghiệp thực hiện theo các tiêu chuẩn thẩm định giá do Nhà nước quy định. Kết quả thẩm định giá do các tổ chức có chức năng thẩm định giá đưa ra là cơ sở để các tổ chức, cá nhân tham khảo trong việc ra quyết định cho những mục đích nhất định.
Trên thế giới khi nghiên cứu về thẩm định giá, giới nghiên cứu học thuật đã đưa ra nhiều khái niệm thẩm định giá khác nhau.
- Ở Việt Nam căn cứ theo Điều 4. Luật Giá khái niệm: “Thẩm định giá là việc cơ quan, tổ chức có chức năng thẩm định giá xác định giá trị bằng tiền của các loại tài sản theo quy định của Bộ luật dân sự phù hợp với giá thị trường tại một địa điểm, thời điểm nhất định, phục vụ cho mục đích nhất định theo tiêu chuẩn thẩm định giá.”
- Theo Đại học Kinh tế Quốc dân (Việt Nam): Có thể định nghĩa thẩm định giá (Valuation hay Appraisal) là việc ước tính hay xác định giá trị của một tài sản. Hoặc đó là cách thức mà giá trị một tài sản được ước tính tại một thời điểm và một địa điểm nhất định. Hay thẩm định giá là một nghệ thuật hay khoa học về ước tính giá trị cho một mục đích cụ thể của một tài sản cụ thể tại một thời điểm, có cân nhắc đến tất cả những đặc điểm của tài sản, cũng như xem xét tất cả các yếu tố kinh tế căn bản của thị trường bao gồm các loại đầu tư lựa chọn.
- Theo Ông Fred Peter Marrone – Giám đốc Marketing của AVO, Úc “Thẩm định giá là việc xác định giá trị của bất động sản tại một thời điểm có tính đến bản chất của bất động sản và mục đích của thẩm định giá. Do vậy, thẩm định giá là áp dụng các dữ liệu của thị trường so sánh mà các thẩm định viên thu thập được và phân tích chúng, sau đó so sánh với tài sản được yêu cầu thẩm định giá để hình thành giá trị của chúng”. Quan niệm về thẩm định giá ở nước ta và trên thế giới vẫn còn những khác biệt đáng kể.
- Theo từ điển Oxford: “Thẩm định giá là sự ước tính giá trị bằng tiền của một vật, của một tài sản”; “là sự ước tính giá trị hiện hành của tài sản trong kinh doanh”.
- Giáo sư W.Seabrooke – Viện Đại học Portsmouth Vương quốc Anh: “Thẩm định giá là sự ước tính về giá trị các quyền sở hữu tài sản cụ thể bằng hình thái tiền tệ cho một mục đích đã được xác định rõ”.
- Theo Gs. Lim Lan Yuan – Singapore: Thẩm định giá là một nghệ thuật hay khoa học về ước tính giá trị cho một mục đích cụ thể của một tài sản cụ thể tại một thời điểm, có cân nhắc đến tất cả những đặc điểm của tài sản cũng như xem xét tất cả các yếu tố kinh tế căn bản của thị trường bao gồm các loại đầu tư lựa chọn.
Trong quá trình thẩm định giá phụ thuộc vào những quan điểm của thẩm định viên về giá. Thẩm định viên về giá phải thu thập đầy đủ các thông tin, hồ sơ pháp lý, có cái nhìn bao quát về thực tế và phải có dự đoán tương lai, phải cân nhắc tất cả các thông tin trong một hoàn cảnh cụ thể và thông qua đó hình thành cho mình quan điểm để thẩm định giá.
Hầu hết các quan điểm, các định nghĩa về thẩm định giá của các nhà nghiên cứu thẩm định giá và các thẩm định viên về giá đều thống nhất và đều đề cập đến nội dung cơ bản nhất của thẩm định giá, đó là xác định hoặc ước tính giá trị của tài sản hoặc quyền sở hữu tài sản bằng hình thái tiền tệ.
2. Đặc điểm hoạt động thẩm định giá
Thẩm định giá gồm những hoạt động sau:
- Thẩm định giá là hoạt động kinh tế vi mô; thẩm định viên về giá điều tra, thu thập thông tin về sự tương tác giữa người mua và người bán trong một thị trường cụ thể và duy nhất để ước tính gí trị một loại tài sản cụ thể trên thị trường.
- Thẩm định giá là sự ước tính giá trị tài sản tại thời điểm thẩm định giá. Giá trị của tài sản đựơc xác định có thể là giá trị thị trường hoặc giá trị phi thị trường.
- Giá trị tài sản được biểu hiện chủ yếu bằng hình thái tiền tệ.
- Việc ước tính giá trị đó phải được đặt trong một địa điểm, một thị trường nhất định với những điều kiện nhất định và tại một thời điểm cụ thể.
- Thẩm định giá được thực hiện theo những yêu cầu và mục đích nhất định.
- Việc thẩm định giá phải tuân thủ theo những tiêu chuẩn thẩm định giá và phương pháp thẩm định giá nhất định.
- Tài sản được thẩm định giá có thể là bất kỳ tài sản nào và hầu hết các dữ liệu sử dụng cho quá trình thẩm định giá đều hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến thị trường.
3. Đối tượng thẩm định giá
Thẩm định giá tài sản gồm các đối tượng sau: Bất động sản; Động sản; Tài sản hữu hình; Tài sản vô hình; Doanh nghiệp và lợi ích của doanh nghiệp; Công cụ tài chính; Tài sản tài chính
3.1. Bất động sản
Bất động sản là các tài sản không di dời được. Theo quy định tại Điều 107 của Bộ Luật Dân sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2015, bất động sản bao gồm:
- Đất đai;
- Nhà ở, công trình xây dựng gắn liền với đất đai;
- Tài sản khác gắn liền với đất đai, nhà, công trình xây dựng;
- Các tài sản khác do pháp luật qui định.Động sản
3.2. Động sản
Động sản là các tài sản không phải là bất động sản bao gồm: Máy móc thiết bị, dây chuyền sản xuất, phương tiện vận tải (ô tô, tàu thuyền, tàu hỏa, máy bay…), hàng hóa dịch vụ
3.3. Tài sản hữu hình
“Tài sản hữu hình là các tài sản có hình thái vật chất do chủ tài sản nắm giữ để sử dụng phục vụ các mục đích của mình”.
Tài sản có hình thái vật chất cụ thể, ví dụ: đất đai, nhà cửa, công trình khác, máy móc thiết bị, phương tiện vận tải, thiết bị sản xuất, thiết bị truyền dẫn. Tài sản hữu hình có những đặc điểm nhận biết sau:
- Có đặc tính vật lý;
- Thuộc sở hữu của chủ tài sản;
- Có thể trao đổi được;
- Có thể mang giá trị vật chất hoặc tinh thần.
3.4. Tài sản vô hình
Tài sản vô hình là các tài sản không có hình thái vật chất và có khả năng tạo ra các quyền, lợi ích kinh tế gồm: Tài sản trí tuệ và quyền sở hữu trí tuệ (nhãn hiệu, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, sáng chế, tên gọi xuất xứ, tên thương mại, bí mật kinh doanh, phát minh khoa học, sáng kiến, quyền tác giả, bản quyền) theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ; Quyền mang lại lợi ích kinh tế đối với các bên được quy định cụ thể tại hợp đồng dân sự theo quy định của pháp luật ví dụ như quyền thương mại, quyền khai thác khoáng sản,…; Các tài sản vô hình khác thỏa mãn điều kiện quy định sau: là tài sản không có hình thái vật chất và có khả năng tạo ra các quyền, lợi ích kinh tế.
Thẩm định giá bất động sản
Thẩm định giá động Sản
Thẩm định dự án đầu tư
Thẩm định giá tri doanh nghiệp
Thẩm Định Giá tài sản vô hình
Thẩm Định Giá mua sắm công
3.5. Doanh nghiệp và lợi ích của doanh nghiệp
Thẩm định giá trị doanh nghiệp giúp đưa ra những thông tin quan trọng để các nhà quản trị phân tích, đánh giá trước khi ra các quyết định về kinh doanh và tài chính có liên quan đến doanh nghiệp của mình. Giúp doanh nghiệp có những giải pháp cải tiến quản lý cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, kiểm soát lợi nhuận của doanh nghiệp.
Là cơ sở để giải quyết, xử lý tranh chấp nảy sinh giữa các cổ đông của doanh nghiệp khi phân chia cổ tức, góp vốn, vi phạm hợp đồng,…
Là cơ sở cho doanh nghiệp đưa ra quyết định mua bán, chuyển nhượng các loại chứng khoán do doanh nghiệp phát hành trên thị trường tài chính; cũng như là cơ sở để sáp nhập, chia tách, giải thể, thanh lý, liên doanh,… doanh nghiệp.
Thẩm định giá trị doanh nghiệp là một cơ sở để doanh nghiệp đưa ra các quyết định về tài chính và chiến lược kinh doanh một cách đúng đắn. Từ đó giúp nhà quản trị doanh nghiệp có thể nhìn nhận được khả năng cạnh tranh không những của doanh nghiệp mình mà còn cả các đối thủ cạnh tranh trên thị trường.
3.6. Công cụ tài chính
Công cụ tài chính là các tài sản tài chính, được giao dịch trên thị trường tài chính bao gồm:
- Tiền mặt
- Công cụ vốn chủ sở hữu đơn vị khác. Trong đó công cụ vốn chủ sở hữu là hợp đồng chứng tỏ được những lợi tích còn lại về tài sản của đơn vị sau khi trừ đi toàn bộ nghĩa vụ của đơn vị đó.
3.7. Tài sản tài chính
Tài sản tài chính được hiểu là tiền và các tài sản tương đương tiền. Tài sản tài chính có thể là trái phiếu Chính phủ, trái phiếu Kho bạc, trái phiếu công ty, các loại trái phiếu khác, hối phiếu, kì phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, các khoản cho vay và phải thu, cổ phiếu phổ thông, cổ phiếu ưu đãi, hợp đồng quyền chọn, các giấy tờ có giá khác.
Đối tượng sử dụng dịch vụ thẩm định giá là cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đang sở hữu hoặc được giao quản lý tài sản thẩm định giá. Ngoài ra, đối tượng sử dụng dịch vụ thẩm định giá còn có thể là bên thứ ba có liên quan đến tài sản thẩm định giá. Các đối tượng này sử dụng dịch vụ thẩm định giá vào rất nhiều mục đích khác nhau. Tuy nhiên, tất cả các bên chỉ được sử dụng kết quả thẩm định giá theo mục đích đã được ghi trong hợp đồng thẩm định giá.
Nếu quý khách hàng có nhu cầu thẩm định giá Động sản, Bất động sản, giá trị doanh nghiệp, dự án đầu tư, tài sản vô hình, hoặc cần tư vấn thêm về lĩnh vực thẩm định giá thì hãy liên hệ với chúng tôi:
Điện thoại:0909.399.961. Zalo:0909.399.961
Email:[email protected].