(TDGTS – Nguyên tắc cung –cầu) – Giá trị của tài sản được hình thành bởi nhiều yếu tố tác động như giá trị sử dụng, sự khan hiếm, nhu cầu có khả năng thanh toán… Bản chất của thẩm định giá tài sản là sự phân tích các yếu tố tác động đến quá trình hình thành giá trị của tài sản cụ thể, do đó khi tiến hành thẩm định giá cần tuân theo các nguyên tắc nhất định.
Giá trị của một bất động sản được xác định bởi mối quan hệ cung và cầu của tài sản đó trên thị trường. Ngược lại, giá trị của tài sản đó cũng tác động đến cung và cầu của tài sản. Khi nhu cầu về loại tài sản tăng lên trong điều kiện cung không đổi thì giá cả tài sản tăng lên và ngược lại. Nguyên tắc cung – cầu là một trong những nguyên tắc vô cùng quan trọng trong thẩm định giá. Vậy nguyên tắc cung – cầu là gì? cùng tham khảo bài viết dưới đây nhé
1. Nguyên tắc cung – cầu là gì?
Cung về tài sản: là số lượng tài sản sẵn sàng đưa ra trao đổi trên thị trường tại một thời điểm xác định với một mức giá thị trường chấp nhận.
Cầu về tài sản: là số lượng tài sản tại một thời điểm xác định mà người tiêu dùng sẵn sàng chấp nhận và có khả năng thanh toán.
Trên thị trường tự do, thông qua tương tác giữa cung và cầu về tài sản mà hình thành nên giá cả hoặc giá trị thị trường của tài sản.
2. Nội dung nguyên tắc cung – cầu
Giá trị của một tài sản được xác định bởi mối quan hệ cung và cầu về tài sản đó trên thị trường. Đồng thời, giá trị của tài sản đó cũng tác động đến cung và cầu về tài sản. Giá trị của tài sản thay đổi tỷ lệ thuận với cầu và tỷ lệ nghịch với cung về tài sản. Khi cung tăng (hoặc giảm) mà cầu không tăng thì giá giảm(hoặc tăng); khi cầu tăng(hoặc giảm) mà cung không tăng thì giá tăng (hoặc giảm). Khi cả cung và cầu cùng tăng (hoặc cùng giảm) thì giá tăng hoặc giảm tùy thuộc độ co giãn của cung hoặc cầu của loại hình tài sản trước sự thay đổi về giá.
Các yếu tố về đặc điểm vật lý và đặc điểm kinh tế – xã hội khác biệt với những thuộc tính của các tài sản khác cũng được phản ánh trong cung – cầu và giá trị tài sản.
Trên thị trường cạnh tranh, công khai, cung và cầu có xu hướng giao động, ra khỏi vị trí cân bằng trong ngắn hạn; lập lại vị trí cân bằng cung cầu trong dài hạn.
Ví dụ: Sự tăng dân số cơ học và nhập cư tại các đô thị lớn gây ra sự mất cân đối lớn giữa nhu cầu và nguồn cung đất ở, nhà ở đô thị. Kết quả là giá đất ở, nhà ở đô thị tăng cao so với các tỉnh, thành phố xung quanh. Các giải pháp chính quyền lập lại cân bằng cung cầu bằng cách tăng cung nhà ở là giải pháp dài hạn vì cung nhà ở chịu tác động của độ trễ theo thời gian.
3. Yêu cầu của nguyên tắc
Giá trị thị trường của tài sản được xác định bởi sự tác động qua lại của các lực lượng cung và cầu trên thị trường bất động sản. Do đó trong thẩm định giá bất động sản cần phân tích các yếu tố cung, cầu trên thị trường, đặc biệt là sức mua, tình hình đầu tư kinh doanh, chủ trương, chính sách của Nhà nước đối với thị trường…
Liên hệ để được tư vấn về dịch vụ Thẩm Định Giá :
Điện thoại:0909.399.961. Zalo:0909.399.961
Email:[email protected].