Liên tiếp thời gian qua, Cơ quan Cảnh sát Điều tra (Bộ Công an) đã khởi tố hình sự nhiều vụ việc “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” ở nhiều tỉnh, thành phố. Điểm chung của những vụ án này là chủ đầu tư thông đồng với đơn vị thẩm định giá, nhà thầu để “thổi giá” thiết bị y tế, giáo dục, sau đó hợp thức hóa qua quá trình đấu thầu, gây thiệt hại, thất thoát ngân sách Nhà nước, thiệt hại kinh tế cho người sử dụng.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), thời gian tới, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ tiếp tục tăng cường quản lý, ngăn chặn các sai phạm trong lĩnh vực thẩm định giá. Bộ Tài chính chú trọng xây dựng nội dung cập nhật kiến thức cho thẩm định viên về giá, nâng cao đạo đức hành nghề.
Dịch vụ thẩm định giá nhằm góp phần tiết kiệm chi tiêu trong đầu tư mua sắm tài sản, chống lãng phí, thất thoát, tiêu cực trong hoạt động sản xuất kinh doanh; đồng thời, bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của chủ tài sản, các nhà đầu tư, các bên liên quan tham gia giao dịch, thúc đẩy phát triển kinh tế, minh bạch quan hệ kinh tế giữa các chủ thể tham gia thị trường.
“Tuy nhiên thời gian qua, một số doanh nghiệp thẩm định giá, thẩm định viên về giá hành nghề (có tính chất cá nhân) đã vi phạm tiêu chuẩn đạo đức hành nghề, tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam. Họ đã thông đồng với khách hàng để làm sai lệch kết quả thẩm định giá, đặc biệt, trong đấu thầu mua sắm thiết bị vật tư y tế, giáo dục. Một số thẩm định viên đã bị khởi tố liên quan đến hoạt động nghề nghiệp”, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết.
Một số chuyên gia tài chính cho rằng, nguyên nhân khách quan dẫn đến các sai phạm trên là do hệ thống pháp luật còn chồng chéo, chưa đồng bộ; thông tin thị trường tài sản, hàng hóa, dịch vụ hạn chế, ít công khai và minh bạch. Việc đấu thầu/đấu giá có nhiều quy định còn thiếu tính minh bạch, nảy sinh nhiều hiện tượng tiêu cực.
Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư còn sử dụng chứng thư thẩm định giá để xây dựng dự toán giá gói thầu, nhưng chất lượng thẩm định giá phụ thuộc vào đạo đức nghề nghiệp, sự trung thực, độc lập, khách quan. Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hiệp hội Thẩm định giá Việt Nam cho rằng: Để bảo đảm tính minh bạch, hiệu quả trong đấu thầu, Việt Nam cần cơ chế, quy định để có đơn vị độc lập hậu kiểm kết quả thẩm định giá phục vụ việc mua sắm tài sản bằng ngân sách Nhà nước.
Theo Bộ Tài chính, để ngăn chặn các sai phạm có thể xảy ra, cơ quan quản lý Nhà nước đã hoàn thiện các quy định của pháp luật nhằm nâng cao điều kiện đối với hoạt động cung cấp dịch vụ thẩm định giá. Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ ban hành Nghị định số 12/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/2013/NĐ-CP của Chính phủ, nhằm siết chặt hoạt động nghề, nâng tiêu chuẩn người đại diện pháp luật, giám đốc, tổng giám đốc doanh nghiệp và thẩm định viên về giá hành nghề. Thông qua hoạt động giám sát việc chấp hành pháp luật thẩm định giá được thực hiện hàng năm, cơ quan quản lý Nhà nước luôn kịp thời có văn bản chấn chỉnh đối với các doanh nghiệp thẩm định giá và xử lý nghiêm với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thẩm định giá, công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính.
Nếu quý khách hàng có nhu cầu thẩm định giá Động sản, Bất động sản, giá trị doanh nghiệp, dự án đầu tư, tài sản vô hình, hoặc cần tư vấn thêm về lĩnh vực thẩm định giá thì hãy liên hệ với chúng tôi:
Điện thoại:0909.399.961. Zalo:0909.399.961
Email:[email protected].