Trong truyện kiếm hiệp Kim Dung, “tẩu hỏa nhập ma” là trạng thái mà người luyện võ không đúng phương pháp dẫn đến hiện tượng tâm thần hoang tưởng dần dần sẽ trở nên điên dại. Người luyện công bị lâm vàotrạng thái khủng hoảng tinh thần và đảo lộn hết các trạng thái sinh lý, không chỉ điên loạn mà còn có thể mất mạng, nó là điều đại kỵ của võ lâm.
Là một người thích tự học, ngày trước tôi phải trả giá bằng rất nhiều năm tự mày mò, download, đi mua đủ thứ tài liệu trên đời (miễn thấy tên hay hay), và khóa học nào cũng nhảy vô xem. Vì không có kiến thức nền, tôi không phân biệt được cuốn sách nào nên đọc, cuốn nào chỉ trùng lặp mất thời gian, video nào đáng xem hay chỉ tào lao câu view giật tít còn nội dung sơ sài, câu giờ, sáo rỗng. Thế rồi tôi bịtẩu hỏa nhập makhi tự đưa chân vào ma trận hàng triệu cuốn sách, tài liệu, nghiên cứu, bài giảng, hàng trăm nghìn video của đủ mọi tác giả. Tôi còn nghĩ mình không thể học nổi bộ môn này, sao ai cũng pro quá vậy mà mình đọc sách hoài vẫn chưa hiểu, hoặc tưởng mình hiểu cái thực ra không hiểu. Thời gian có hạn mà sách tải về tới vài chục GB, đọc chắc hết đời quá. Mỗi cuốn sách ngày đó, tôi chỉ đọc được vài trang đầu là bỏ. Tôi cũng biết nhiều bạn có thú vui sưu tầm sách, sách gì cũng có, tài liệu gì cũng đi xin, nhưng rồi chẳng bao giờ đọc quá được 2 chương (vì chương 3 trở đi thường khó đọc hơn 😅). Nhiều người cố ép bản thân phải đọc thì bắt đầu có dấu hiệu “tẩu hỏa nhập ma” – tinh thần bấn loạn hoang mang, sốt ruột vì càng đọc càng rối, khó hiểu, tự thất vọng, chán nản thậm chí tức giận với chính bản thân mình và người khác, cuộc sống mất cân bằng do dành quá nhiều thời gian đọc không có kết quả (có một bộ phận khác thì đổ lỗi cho sách chỉ lý thuyết suông, không áp dụng được, không đáng đọc/không thèm đọc để né tránh thực tế là đọc không hiểu). Tất nhiên sách mà tôi nói ở đây không phải sách self-help, những quyển dạng tự sự, hồi ký hay sách truyền cảm hứng – những thể loại sách rất dễ đọc vì có cốt truyện và nút thắt nút mở gay cấn ly kỳ. Những loại sách này không phải sách chuyên ngành và kiến thức trong những cuốn đó bị sai rất nhiều, do vậy nó mới được phân loại là sách self-help, vì mục đích là truyền cảm hứng, thôi thúc người đọc mà thôi. Nhưng đáng sợ nhất là một bộ phận không nhỏ coi kiến thức kinh tế, tài chính trong đó là chuẩn mực và áp dụng.
Sau này tôi mới biết, cũng như tập võ không thể chỉ chăm chăm tìm kiếm tài liệu có tiêu đề chứa từ khóa “Võ/luyện võ” để tập mỗi đấm, đá, đỡ mà phải tập cả các bài bổ trợ từ độ bền (nhảy dây, chạy), chịu đòn, phản xạ, tốc độ (đấm bóng, mộc nhân, buộc cao su vào tay, đeo tạ vào chân), luyện cổ tay (dùng chày đập vào lốp xe cont). Học TĐG cũng không thể cứ chăm chăm đi tìm các tài liệu có từ khóa “thẩm định giá” hay “valuation“. Đây là một lỗi sai rất phổ biến khi các bạn đi tìm tài liệu hay tìm khóa học, và cả đi học. Thẩm định giá là ngành tổng hợp, bạn không thể học và hiểu TĐG mà không học các môn bổ trợ. Nhiều bạn chỉ tìm những từ khóa có chữ thẩm định giá, nên chẳng bao giờ tìm đúng những cái các bạn cần, thành ra toàn nhờ tôi tìm tài liệu hộ, rồi bảo “thầy đúng là thư viện di động chạy cơm” 😒. Có những bạn khi học excel thì cũng đòi hỏi tên khóa học phải có chữ “excel cho thẩm định giá” hoặc liên quan tới thẩm định giá mới học cơ 😆 (chắc nhảy dây cũng phải có nhánh nhảy dây cho dân boxing thì dân boxing mới tập). Những bạn thẩm định viên từng học lớp Excel cơ bản của tôi chắc sẽ hiểu lợi ích của những gì tôi chọn lọc và đưa vào khóa học, chứ nó không nằm ở cái tên.
Nhiều bạn hay tự tin rằng chỉ cần học thẳng các video của chuyên gia hàng đầu, đọc các giáo trình hàng đầu, đọc các tài liệu bằng cách google dịch là có thể từ zero to hero. Điều này đúng, nếu bạn là thiên tài hoặc thần đồng, hoặc lĩnh vực bạn tìm hiểu quá đơn giản. Còn nếu bạn không phải thiên tài, và nếu đây là một lĩnh vực phức tạp thì bạn sẽ phải có một nền tảng cơ bản nhất định mới có thể đọc hiểu. Bạn cứ thử tìm 1 video dạy sơn bàn ghế gỗ trên youtube và thử mua giấy nhám, aceton, chổi, lăn, sơn về sơn thử, bạn sẽ thấy ngay việc học từ những nguồn như vậy khác học bài bản từ giáo viên kèm cặp thế nào. Không ai thành nghề mộc từ việc xem youtube và làm theo (nếu là nữ, bạn thử tìm 1 video dạy nấu ăn và làm theo xem sản phẩm thế nào, lại bảo là sao làm y trên mạng mà ăn dở quá 😅. Thường chỉ những bạn đã có nền tảng cơ bản về nấu nướng và có chút tay nghề, lên mạng học món mới nâng cao thì phù hợp).
Tôi chưa nói tới các tài liệu textbook nổi tiếng, nghiên cứu đạt giải Nobel, hay các bài giảng từ giáo sư nổi tiếng có phụ đề tiếng Anh và được google translate sang tiếng Việt có đúng hay không.
Hãy tưởng tượng bạn là một người chưa có nền tảng tài chính vững chắc (hoặc chưa từng học tài chính), hoặc từng học nhưng chỉ quen đọc, học tài liệu tiếng Việt có sẵn được người khác dịch/viết lại. Giả sử bạn tìm thấy một tài liệu rất hay là “Hướng dẫn đầu tư điện gió: Tài chính và định giá điện gió” của GIZ, do các chuyên gia Bộ Công thương dịch (đừng vội chê, các công chức đều được du học ở các trường ĐH hàng đầu tại các quốc gia nói tiếng Anh). GIZ thì nổi tiếng quá rồi, tài liệu rất chi tiết. Bạn quyết định dành thời gian tự đọc và nghiên cứu tài liệu này. Bạn sẽ hiểu thế nào khi đọc tới đoạn sau:
(Trang 135, Phần 4 – Định giá điện gió,Hướng dẫn đầu tư điện gió, GIZ)
Hãy chú ý tài liệu ký hiệu Rd = tỷ lệ nợ, Re = tỷ lệ vốn (tất nhiên mỗi tài liệu có cách ký hiệu khác nhau, chẳng hạn ở đây Rt là thuế suất, không phải Tc, nên bạn không suy đoán ý nghĩa dựa vào ký hiệu Re, Rd mà phải dựa vào giải thích ký hiệu). Là một người không chuyên sâu về tài chính, bạn sẽ nghĩ, ồ có gì mà khó hiểu, họ đã viết rất cụ thể là tỷ lệ nợ mà. Chẳng phải học Đại học, trong tiêu chuẩn, người ta vẫn hay nói tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu (D/E), tỷ lệ nợ trong tổng nguồn vốn (D/V) đó sao. Ở đây nguồn vốn có vốn chủ sở hữu và vốn vay, như vậy Rd là tỷ lệ nợ, còn Re là tỷ lệ vốn cổ phần. Có gì mà phải chú ý. Tư duy dẫn dắt hành động. Cái sai của bạn nảy sinh khi ứng dụng dựa trên cách hiểu sơ sài như vậy.
Hãy xem bản gốc tiếng Anh
Nguyên bản Rd = Debt rate và Re = Equity Rate. Từ Rate bị dịch kiểu word by word dịch thành “tỷ lệ”, nhưng trong văn cảnh này, ta phải dịch Rd là lãi suất nợ vay còn Re là tỷ suất sinh lời của vốn chủ sở hữu, chứ không thể hiểu là “tỷ lệ” theo nghĩa tỷ trọng của nợ (hoặc vốn chủ sở hữu) trong số tổng nào đó. Vì “rate” được dịch là “tỷ lệ” nên Rc trong bản tiếng Việt được giải thích là tỷ lệ doanh nghiệp – nghe rất vô nghĩa, và cũng không ai biết cách xác định “tỷ lệ doanh nghiệp” kiểu gì. Những ai đọc tài liệu tài chính bằng tiếng Anh đều hiểu risk-free rate là lãi suất phi rủi ro hoặc tỷ suất sinh lời phi rủi ro, chẳng ai lại dịch là tỷ lệ phi rủi ro cả. Tương tự, tax rate bạn nên dịch là “thuế suất” thay vì “tỷ lệ thuế”; DSCR (Debt-Service Coverage Ratio) không phải là tỷ suất khả năng trả nợ (nghe rất tối nghĩa), mà phải là tỷ số (hoặc chỉ số) khả năng trả nợ.
Thật tai hại nếu đọc hiểu theo kiểu nghĩa đen từ google dịch và tự học khi không có nền tảng cơ bản vững chắc. Nó giống như bạn đang cố mặc bộ quần áo không vừa với mình. Đó là lý do tại sao người ta cần kiểm tra đầu vào, test trình độ của bạn để xếp lớp cho phù hợp. Đừng vội nghĩ rằng mình không đủ khả năng thi vào Harvard, nhưng chỉ cần nghe giảng viên Harvard dạy cho sinh viên Harvard thì bạn cũng hiểu ngay và hiểu đúng không khác gì một sinh viên Harvard thực sự. Nếu dễ vậy thì Harvard cần gì thi đầu vào. Và nếu khóa học free của chuyên gia trên youtube cũng hiệu quả y như họ dạy cho sinh viên trả phí thì ai sẽ là người chịu học khóa trả phí (khóa học trả phí ngắn hạn của Damodaran khoảng2.200 USD cho 16 buổi học, có điều kiện tiên quyết về đầu vào [1])
Là bậc thầy về tài chính và định giá, họ thừa biết định giá khóa học của mình sao cho phù hợp với giá trị.
Một thực trạng phổ biến của những người học/làm TĐG từ ngọn (thiếu nền tảng cơ bản) đó là hay vin vào nghĩa đen câu chữ chứ ko đi từ thuật ngữ chuyên ngành, nên hiểu sai kể cả là văn bản pháp luật, cho tới đọc các tài liệu chuyên ngành. Điều này xảy ra kể cả với những người làm luật hoặc dịch sách không thuộc chuyên môn vốn có của họ. Nếu bạn hiểu Nợ – Có theo nghĩa đen tiếng Việt thay vì nghĩa thuật ngữ Debit (Nợ) và Credit (Có) của tiếng Anh, thì không bao giờ bạn hiểu được tại sao tiền mặt tăng tức là bạn có nhiều tiền hơn, mà lại ghi nhận Nợ chứ không phải ghi Có.
Quá trình giảng dạy, tôi thấy một trong những thuật ngữ hay bị dân TĐG hiểu sai nhất là “tài sản hoạt động” và “tài sản phi hoạt động”. Ngay cả khi bám vào quy định, thì vẫn hiểu sai “tài sản phi hoạt động” do vin vào nghĩa đen của câu chữ “phi hoạt động – không hoạt động” này. Không ít bạn đi làm cả chục năm vẫn đang hiểu tài sản phi hoạt động là không hoạt động, không tạo ra lợi nhuận, không đóng góp vào dòng tiền doanh nghiệp.
Thẩm định giá bất động sản
Thẩm định giá động Sản
Thẩm định dự án đầu tư
Thẩm định giá tri doanh nghiệp
Thẩm Định Giá tài sản vô hình
Thẩm Định Giá mua sắm công
Thuật ngữ hay bị hiểu sai (và cả dịch sai) thứ hai là phần bù rủi ro (risk premium), có tài liệu, văn bản thì dịch là “phụ phí rủi ro”, “phí bảo hiểm rủi ro”,…Nhiều bạn không hiểu bản chất nên cứ cái gì có chữ phần bù, phí bảo hiểm là lấy hết.
Thuật ngữ tiếp theo trong bảng xếp hạng là hệ số beta thường đươc giải thích là hệ số rủi ro, nhiều bạn không hiểu bản chất nên cứ thấy cái gì có chữ hệ số rủi ro là ốp vào làm hệ số beta (xem dòng 13 báo cáo thẩm định giá dưới đây):
Một từ hay bị hiểu sai do lỗi dịch sai phổ biến nữa là IRR (internal rate of return), thường được dịch làtỷ suất hoàn vốn nội bộ. Từreturnhay bị dịch là hoàn vốn, nhưng thực ra chẳng có vốn nào hoàn ở đây cả.Rate of returnđúng nghĩa là tỷ suất sinh lời. Chẳng hạn Return on equity (ROE) là tỷ suất sinh lời trên VCSH, Return on Assets (ROA) là tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản. Tương tự, IRR phải dịch là tỷ suất sinh lời nội tại. Vì không hiểu thuật ngữ rate, return, đã có trường hợp, một thẩm định viên tranh luận với tôi rằng, tỷ suất lợi nhuận phi rủi ro phải được tính bằng (lãi suất TPCP kỳ này – lãi suất TPCP kỳ trước)/lãi suất TPCP kỳ trước (?!).
Một từ khác không bị dịch sai nhưng hay bị TĐV hiểu sai, đó là earnings (lợi nhuận). Nhiều người cứ thấy earning thì nghĩ ngay tới lợi nhuận sau thuế trên Báo cáo kết quả kinh doanh. Vẫn có những bạn không phân biệt được và không biết khi nào dùng loại earnings nào. Ngay cả dòng tiền (cash flows) cũng vậy, bạn có chắc là bạn đã biết phân biệt dòng tiền – dòng tiền thuần – dòng tiền tự do. Tôi thấy một thời gian dài, từ sách giáo trình, tài liệu giảng dạy, cho tới Tiêu chuẩn TĐG từng gọi FCFE (Free cash flows to equity) là dòng tiền THUẦN vốn chủ sở hữu. Có chữ “thuần (net)” nào trong từ FCFE sao ?
Và một từ nữa hay dịch sai và hiểu sai đó là residual method (được dịch thành phương pháp thặng dư). Gọi tên là thặng dư nhưng không phải làthặng dư(surplus). Trong bài viết của tôi hôm trước, tác giả vốn là thạc sĩ luật, nhưng hiểu theo nghĩa đen từ thặng dư, dẫn tới việc hiểu kết quả của phương pháp thặng dư (residual method) là giá trị thặng dư (surplus value). Ngày trước và cả đến giờ cũng có nhiều TĐV và nhiều đơn vị hiểu nhầm phương pháp thặng dư là tính giá trị thặng dư của dự án tạo ra. Thậm chí, họ cho rằng kết quả tính NPV giống phương pháp thặng dư [2].
Liên quan tới thuật ngữ kinh tế chính trị khiến tôi nhớ lại câu chuyện hồi đi học Đại học. Hầu như thế hệ sinh viên nào cũng có cảm giác Triết học Marx-Lenin là môn học rối rắm, khó hiểu, thi lại, học lại đông như hội. Trong ảnh là một câu (được xem là của Marx) nổi tiếng thường được đem ra dọa sinh viên.
Thực ra đây là câu dịch sai cứ bị lôi ra suốt thời gian dài để đánh đố sinh viên, ra vẻ môn Triết khó học lắm. Dịch mà câu trước câu sau đá nhau chan chát, phi logic, phi triết học. Tôi thấy đọc bộ Tư bản của Marx bản tiếng anh còn dễ hiểu hơn, nó y như đọc cuốn sách về kinh tế vậy, logic dễ hiểu (Marx vốn là nhà khoa học có tầm ảnh hưởng chứ không chỉ là một nhà tư tưởng).
Phiên bản dịch bằng tiếng Anh (Bộ Tư Bản (Capital) Tập 1 [3])
It is therefore impossible for capital to be produced by circulation, and it is equally impossible for it to originate apart from circulation. It must have its originbothin circulation and yet not in circulation.
Nếu bạn nào có chút nền tảng tiếng Anh đọc hiểu cơ bản, đều có thể thấy câu bằng tiếng Anh dễ hiểu và logic hơn nhiều so với câu dịch ra bằng tiếng Việt. Triết học là phải logic. Vậy mà một thời gian dài, người ta cứ mải mê mổ xẻ câu dịch sai rồi diễn giải đủ thứ trên đời. Đọc mấy bản dịch hoặc 1 số bài giảng được diễn giải theo hướng…khó lường, sai hẳn bản chất. Có những nội dung nghe giải thích mà lú hết cả người. Do vậy, các bạn nên lựa chọn kỹ trước khi tham gia khóa học nào đó dù mất phí hay miễn phí; để tiết kiệm thời gian.
Trên là một số ví dụ phổ biến cho việc học/làm việc mà không có gốc, không đi từ bản chất. Bản chất thì không bao giờ đến từ việc cày văn bản pháp luật. Văn bản pháp luật hay tiêu chuẩn không phải sách giáo trình để phải đi giải thích cặn kẽ bản chất cho người đi làm. Do vậy, đừng quá ỷ vào việc đọc tiêu chuẩn và xem mấy ví dụ trong tiêu chuẩn mà đã nghĩ rằng đủ để hành nghề.
Nếu bạn chưa có nền tảng, nhưng muốn tự học thẩm định giá thì làm thế nào ?
Thứ nhất, mục tiêu cần rõ ràng. Một số bạn nói với tôi rằng, mục tiêu của bạn muốn trở thành chuyên gia trong lĩnh vực. Nhưng qua đào tạo, tôi nhận thấy bạn không thực sự muốn trở thành chuyên gia, bạn chỉ thích vẻ hào nhoáng, phong cách, thần thái của một chuyên gia, nhưng bạn không hề thích làm công việc của một chuyên gia. Cũng giống như những bạn nói rằng thích làm bác sĩ, nhân viên ngân hàng, giám đốc doanh nghiệp; nhưng thực ra bạn chỉ thích nhiều tiền và quyền lực như giám đốc, sang chảnh như nhân viên ngân hàng, được kính trọng như bác sĩ chứ không hề thích làm công việc của giám đốc hay nhân viên ngân hàng, hay của bác sĩ. Mấy đứa trẻ con nhà tôi cũng nói chúng thích sau này trở thành đầu bếp, nhưng thực ra nó chỉ thích ăn ngon, chứ không thích công việc rửa rau, cọ nồi, giết mổ, thái gọt, xào nấu,…. Nếu bạn không có sự trăn trở thường trực trước những câu hỏi, vấn đề chuyên môn chưa được giải đáp thỏa đáng, nếu bạn không thực sự nghĩ về nó mọi lúc mọi nơi, tìm kiếm người giỏi khắp nơi để thảo luận và tìm câu trả lời, nếu bạn thấy tài liệu chuyên môn nhiều chữ là ngại đọc, thấy nhiều số là ngại nghĩ… thì có lẽ bạn không thực sự muốn làm một chuyên gia đâu. Tôi cho rằng việc trước tiên là phải xác định mục tiêu rõ ràng đã. Nhưng cũng đừng đặt mục tiêu là bằng cấp hay chứng chỉ. Hãy học kiến thức vì bạn cần nó để đạt được mục tiêu, chứ đừng coi kiến thức hay bằng cấp, chứng chỉ là mục tiêu. Tôi nói thật.
Thứ hai, bạn nên có mentor hoặc hỏi kinh nghiệm người đi trước để tiết kiệm thời gian. Lưu ý hãy hỏi những người thực sự am hiểu chứ đừng lựa chọn theo chức vụ hay thâm niên vì càng chức vụ cao, học vị cao, thâm niên nhiều họ càng bảo thủ và bám chấp chặt lấy cái sai của mình. Câu thần chú chung là “theo kinh nghiệm” hoặc “ai cũng làm vậy”, hoặc “từ xưa tới giờ, tôi làm cả nghìn bộ chưa 1 ai nói tôi sai đâu” hay “hội đồng đã phê duyệt cách tính này”.
Cá nhân tôi may mắn tìm được đúng thầy. Trong khoảng thời gian ngắn, tôi đã được “fixed” tất cả các lỗi sai trước đây, đồng thời trang bị cho mình kiến thức nền tảng và kỹ năng tự tìm hiểu – những yếu tố này giúp tôi tiết kiệm được phải 10 năm so với tự mày mò (có khi 10 năm cũng chưa tự mò được). Giờ đây tôi đang tiếp tục công viêc nghiên cứu, phổ biến, truyền đạt, hướng dẫn lại các thẩm định viên và những người làm công tác thẩm định giá – những người thực sự mong muốn hiểu bản chất và hướng tới chuẩn mực cao hơn. Tôi thường thích dạy cho người đi làm hơn là sinh viên chưa ra trường. Nhiều bạn học viên của tôi, có những bạn đã học xong thạc sỹ, có thẻ Thẩm định viên, cũng có chức vụ cao trong công ty TĐG độc lập và ngân hàng, từng làm nhiều dự án lớn. Các bạn tâm sự với tôi rằng, khi đã đi làm một thời gian dài sẽ nảy sinh rất nhiều câu hỏi do chưa hiểu bản chất, trước kia cũng đã từng tham gia đủ các hội thảo, khóa học, lân la hỏi khắp nơi nhưng không tìm được lời giải đáp thỏa đáng. Qua đào tạo các khóa học, tôi nhận thấy mọi người đi làm dù nhiều năm, nhưng vẫn vấp phải nhiều lỗi sai cơ bản. Vì lý do này, tôi nghĩ những người đã đi làm và có kinh nghiệm, đã từng trăn trở, day dứt với những câu hỏi chưa được giải đáp và đang nhiều lỗi sai cơ bản sẽ phù hợp nhất và nhận được nhiều giá trị nhất từ khóa học của tôi.
Thẩm định giá sử dụng kiến thức và kỹ thuật tổng hợp của nhiều chuyên ngành khác nhau, do vậy, đừng nên quá kỳ vọng một sư phụ hay mentor nào đó như một bách khoa toàn thư cung cấp cho bạn mọi thông tin, giải đáp tất tần tật mọi thắc mắc của bạn. Hãy tưởng tượng giống như việc bạn tìm học một môn võ thực chiến (và thực dụng) hiện đại thì võ tổng hợp (MMA – Mixed Martial Arts) là gợi ý tốt nhất cho bạn. Ở đó, bạn không học võ từ một thầy hay một môn phái. Bạn phải học kỹ thuật đấm như dân boxing và karatedo, học đá từ võ sư Taekwondo, học kỹ thuật di chuyển, cùi trỏ, phá trụ của Muay Thai, học vật, khóa, siết của chuyên gia về nhu thuật Brazil (Brazilian Jiu-Jitsu),… Mỗi mentor, mỗi giảng viên sẽ đóng vai trò nào đó và đem lại cho bạn những giá trị nào đó. Hãy tận dụng kinh nghiệm và kiến thức của họ, việc đứng trên vai người khổng lồ sẽ giúp bạn tiết kiệm nhiều năm, tránh lặp lại sai lầm của người đi trước, tiết kiệm được vô số chi phí tiền bạc, công sức so với việc bạn tự tìm tòi.
Thứ ba, hãy trang bị thật tốt, thật vững những kiến thức nền tảng của môn học khác và các môn bổ trợ. Nếu không, bạn sẽ dễ dàng đóng quyển sách khi đọc đến chương 2 thôi, cho dù cuốn sách viết bằng Tiếng Việt thì bạn đọc cũng chẳng hiểu gì (hoặc bạn tưởng hiểu nhưng thực ra không hiểu). Chẳng hạn bạn đọc đến đoạn này trong tài liệu Định giá điện gió (GIZ – Bộ Công thương dịch):
Nội dung tài liệu này đề cập là lý thuyết danh mục đầu tư của Harry Markowitz – đạt giải Nobel kinh tế 1990. Không dễ để hiểu đúng bản chất nếu bạn chưa trang bị đủ tốt. Ngay cả khi hiểu đúng, bạn cũng cần thực hành để liên hệ được và hiểu được lý thuyết này hoạt động thế nào trong thực tiễn.
Học kiến thức nền tảng là học từ gốc, nếu không biết cách học sẽ gây nhàm chán và chóng nản hơn học từ ngọn. Các bạn nên tham khảo những nguồn uy tín để tự học hoặc tìm nơi dạy chuẩn mực ngay từ đầu. Vì gốc học sai sẽ ảnh hưởng đến cả quá trình học và tư duy về sau. Một số bạn có tâm lý tự học gốc, tự học cơ bản đã rồi đi học trường lớp sẽ hiệu quả hơn (?!). Tôi thì nghĩ ngược lại, cũng như người mới học võ hay học lái xe, bạn chỉ cần học gốc cho đúng từ đầu rồi mới tự phát triển lên không cần thầy; với thẩm định giá, học gốc rồi đi làm thực tế vận dụng thôi. Nhiều bạn tự học cơ bản rồi mãi mãi không bao giờ học xong (vì không có hệ thống) và phần lớn bỏ cuộc (vì tự nghĩ mình không có khả năng) trước khi cho bản thân có cơ hội học tập bài bản.
Thứ tư, hãy kỷ luật. Thông thường những người tự học thường tự thua chính bản thân mình. Bản tính của con người là thích trì hoãn, ai cũng vậy thôi. Ngay cả những học viên của tôi luôn được tôi giám sát hàng ngày, thúc ép, gây áp lực để học, vẫn có những người tự đưa ra nhiều lý do để trì hoãn. Khi bạn đã qua 35 tuổi, có gia đình và công việc, có nhiều mối quan hệ bạn bè, nhiều thú vui và các mối quan tâm khác gây phân tán, xao nhãng; việc tập trung học thôi đã là thành công lớn rồi. Chính vì ai cũng có tâm lý như vậy nên cơ hội dành cho những người chăm chỉ vượt lên trước luôn còn nguyên. Những người tự học thì càng khó khăn hơn nhiều, vì họ phải đủ kiên trì, bền bỉ tự tìm tài liệu, tự đọc và ngẫm từng từ, tự lục lại kiến thức cũ để củng cố (vì tự học là tự khám phá, nên thường không theo một hệ thống bài bản xây dựng trước). Những người tự học khó duy trì được nhiệt huyết ban đầu và nhanh chóng bỏ cuộc với hàng trăm lý do. Do đó, tính kỷ luật rất quan trọng. Nếu lý do là thiếu thời gian, có thể bài viết này sẽ hữu ích cho bạn. Hãy tự chia thành nhiều mục tiêu nhỏ nhưng khả thi, step-by-step để bản thân đạt được, sau đó hẵng chinh phục những mục tiêu lớn hơn.
Vài dòng chia sẻ, chúc các bạn tự học một cách hiệu quả.
Nguồn sưu tần từ : vneconomy.vn
Tác giả : Dương Thành Đạt
Nếu quý khách hàng có nhu cầu thẩm định giá Động sản, Bất động sản, giá trị doanh nghiệp, dự án đầu tư, tài sản vô hình, hoặc cần tư vấn thêm về lĩnh vực thẩm định giá thì hãy liên hệ với chúng tôi:
Điện thoại:0909.399.961. Zalo:0909.399.961
Email:[email protected].