1. Bình ổn giá
Nhà nước thực hiện các chính sách, biện pháp cần thiết tác động vào quan hệ cung cầu để bình ổn giá thị trường đối với những hàng hoá, dịch vụ quan trọng, thiết yếu, kiểm soát lạm phát, ổn định tình hình kinh tế – xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, của người tiêu dùng và lợi ích của Nhà nước, góp phần khuyến khích đầu tư, phát triển.
Bên cạnh các quy định trong Pháp lệnh Giá thì trong một số các văn bản pháp luật chuyên ngành, Nhà nước cũng quy định về vấn đề bình ổn giá. Chẳng hạn, Khoản 8 Điều 12 Luật Kinh doanh bất động sản quy định: «Nhà nước có cơ chế, chính sách bình ổn thị trường bất động sản khi có biến động, bảo đảm lợi ích cho nhà đầu tư và khách hàng » ; Khoản 2 Điều 5 Luật Dược quy định: «Nhà nước quản lý về giá thuốc theo nguyên tắc các cơ sở sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, buôn bán thuốc tự định giá, cạnh tranh về giá và chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật; sử dụng các biện pháp bình ổn giá thuốc trên thị trường để đáp ứng nhu cầu phục vụ công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân;…
2. Biện pháp bình ổn giá
Trường hợp giá thị trường của hàng hoá, dịch vụ quan trọng, thiết yếu có biến động bất thường thì Nhà nước sử dụng những biện pháp sau để bình ổn giá:
- Điều chỉnh cung cầu hàng hoá sản xuất trong nước và hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu; hàng hoá giữa các vùng, các địa phương trong nước;
- Mua vào hoặc bán ra hàng hoá dự trữ;
- Kiểm soát hàng hoá tồn kho;
- Quy định giá tối đa, giá tối thiểu, khung giá;
- Kiểm soát các yếu tố hình thành giá;
- Trợ giá nông sản khi giá thị trường xuống quá thấp gây thiệt hại cho người sản xuất; trợ giá hàng hoá, dịch vụ quan trọng, thiết yếu khác.
3. Thẩm quyền quyết định và công bố áp dụng các biện pháp bình ổn giá
Thủ tướng Chính phủ quyết định và công bố áp dụng các biện pháp bình ổn giá đối với hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục thực hiện bình ổn giá trong trường hợp giá cả thị trường có biến động bất thường xảy ra trong cả nước hoặc trong từng vùng, khu vực mà giá những hàng hoá, dịch vụ này biến động sẽ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế – xã hội của cả nước. Những biện pháp đó là:
- Điều chỉnh cung cầu hàng hoá sản xuất trong nước và hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu; hàng hoá giữa các vùng, các địa phương trong nước;
- Mua vào, bán ra hàng hóa dự trữ quốc gia;
- Kiểm soát hàng hoá tồn kho khi có dấu hiệu đầu cơ;
- Sử dụng các công cụ tài chính, tiền tệ khi cần thiết.
Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định và công bố áp dụng các biện pháp bình ổn giá trong trường hợp giá cả thị trường có biến động bất thường xảy ra trong cả nước hoặc trong từng vùng, khu vực đối với hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục thực hiện bình ổn giá mà giá những hàng hoá, dịch vụ này biến động sẽ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế – xã hội của cả nước hoặc trong từng vùng, khu vực. Những biện pháp đó là:
- Quy định giá tối đa, giá tối thiểu, khung giá;
- Kiểm soát các yếu tố hình thành giá khi có dấu hiệu liên kết độc quyền về giá hoặc đầu cơ nâng giá.
Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định và công bố áp dụng các biện pháp bình ổn giá trong trường hợp giá cả thị trường biến động bất thường xảy ra tại địa phương đối với giá hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục thực hiện bình ổn giá mà giá những hàng hoá, dịch vụ này biến động sẽ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương. Những biện pháp đó là:
- Điều chỉnh cung cầu hàng hoá bảo đảm sản xuất, tiêu dùng tại địa phương;
- Áp dụng các biện pháp tài chính, tiền tệ khi cần thiết để bình ổn giá hàng hoá, dịch vụ theo thẩm quyền quản lý và sử dụng ngân sách địa phương.
- Trường hợp hàng hoá, dịch vụ cụ thể mà Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã quyết định và công bố áp dụng các biện pháp bình ổn giá thì ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện các biện pháp đó.
4. Thời hạn áp dụng các biện pháp bình ổn giá
Thời hạn áp dụng các biện pháp bình ổn giá do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định và công bố chỉ có hiệu lực thi hành trong thời gian giá cả thị trường có biến động bất thường.
Khi tình hình giá cả thị trường trở lại bình thường, cơ quan có thẩm quyền quyết định và công bố áp dụng biện pháp bình ổn giá công bố chấm dứt thời hạn áp dụng các biện pháp bình ổn giá đó.
5. Trách nhiệm tổ chức thực hiện các quyết định về các biện pháp bình ổn giá của cơ quan có thẩm quyền
Bộ Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn tổ chức thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc áp dụng các biện pháp bình ổn giá.
Các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức thực hiện các biện pháp bình ổn giá đã được quy định trong quyết định của Thủ tướng Chính phủ và quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Sở Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn tổ chức thực hiện quyết định của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh về việc áp dụng các biện pháp bình ổn giá; các Sở quản lý ngành, lĩnh vực và Uỷ ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có trách nhiệm tổ chức thực hiện các biện pháp bình ổn giá được ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao.
Tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh những hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục thực hiện bình ổn giá có trách nhiệm thực hiện các biện pháp bình ổn giá có liên quan đã được quy định trong quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.
Nếu quý khách hàng có nhu cầu thẩm định giá Động sản, Bất động sản, giá trị doanh nghiệp, dự án đầu tư, tài sản vô hình, hoặc cần tư vấn thêm về lĩnh vực thẩm định giá thì hãy liên hệ với chúng tôi:
Điện thoại:0909.399.961. Zalo:0909.399.961
Email:[email protected].