TCCS – Định giá công nghệ, tài sản trí tuệ là một trong những yếu tố quan trọng của quá trình thương mại hóa và chuyển giao công nghệ, tài sản trí tuệ. Mặc dù vậy, hiện nay, những chính sách, pháp luật liên quan đến hoạt động này vẫn còn thiếu, nhất là những biện pháp hỗ trợ của Nhà nước nhằm thúc đẩy hoạt động định giá công nghệ, tài sản trí tuệ. Vì vậy, cần có những giải pháp hoàn thiện pháp luật nhằm phát triển hoạt động định giá công nghệ và tài sản trí tuệ tại Việt Nam.
Thực trạng chính sách, pháp luật về định giá công nghệ, tài sản trí tuệ tại Việt Nam
Kể từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới, hoạt động chuyển giao công nghệ, đặc biệt là chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ. Trong giai đoạn đầu của công cuộc đổi mới, những công nghệ quan trọng thường nằm trong các gói thầu lớn sử dụng nguồn ngân sách nhà nước; giá của công nghệ thường không được tách riêng mà nằm chung trong gói thầu cùng với hệ thống trang thiết bị; hoạt động chuyển giao công nghệ diễn ra tự phát, chưa có sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước.
Sau khi Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được ban hành năm 1996, hoạt động chuyển giao công nghệ có bước chuyển biến mạnh mẽ, nhu cầu định giá công nghệ ngày càng tăng lên. Chính phủ ban hành Nghị định số 45/1998/NĐ-CP, ngày 1-7-1998, “Quy định chi tiết về chuyển giao công nghệ”. Theo nghị định này, giá của công nghệ được xác định theo cách khống chế giá tối đa hay còn gọi là giá trần. Giá tối đa của công nghệ là 5% giá bán tịnh, trường hợp đặc biệt có thể lên tới 8% giá bán tịnh (nhưng phải được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, tuy nhiên, trên thực tế chưa có trường hợp nào xảy ra). Giá bán tịnh là tổng giá bán sản phẩm hoặc dịch vụ mà trong quá trình tạo ra, có áp dụng công nghệ được chuyển giao, tính theo hóa đơn bán hàng, trừ đi các khoản, như: Thuế doanh thu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng; chiết khấu thương mại; chi phí đầy đủ cho việc mua các bản thành phẩm, bộ phận chi tiết, linh kiện từ bất kể nguồn cung cấp nào; chi phí bao bì, chi phí đóng gói, chi phí vận tải, chi phí quảng cáo.
Việc khống chế giá tối đa có lợi cho bên nhận công nghệ khi bên nhận công nghệ chưa có nhiều kinh nghiệm thương thảo hợp đồng chuyển giao công nghệ, chưa biết định giá công nghệ. Tuy nhiên, việc khống chế giá tối đa có những hạn chế, như khó có thể nhận được những công nghệ cao, công nghệ hiện đại, bởi công nghệ cao, công nghệ hiện đại đương nhiên giá phải cao hơn giá công nghệ thông thường và có thể vượt giá trần. Trong trường hợp này bị coi là vi phạm pháp luật về chuyển giao công nghệ và công nghệ đó sẽ không được chuyển giao.
Để khắc phục những hạn chế của Nghị định số 45/1998/NĐ-CP, trong đó có việc khống chế giá trần, Chính phủ ban hành Nghị định số 11/2005/NĐ-CP, ngày 2-2-2005, “Quy định chi tiết về chuyển giao công nghệ”, thay thế Nghị định số 45/1998/NĐ-CP. Theo đó, bỏ giá trần, giá của công nghệ do bên mua và bên bán công nghệ tự thỏa thuận. Luật Chuyển giao công nghệ năm 2006 cũng không quy định giá công nghệ chuyển giao. Định giá công nghệ là một việc khó, cần phải có các chuyên gia am hiểu chuyên môn để thực hiện các công việc này, do vậy, hoạt động định giá công nghệ, tài sản trí tuệ còn rất hạn chế.
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách phát triển khoa học và công nghệ, trong đó có các quy định liên quan đến hoạt động định giá công nghệ, tài sản trí tuệ, quản lý và phát triển thị trường khoa học và công nghệ. Theo đó, tổ chức đánh giá, định giá công nghệ là tổ chức cung cấp dịch vụ chuyển giao công nghệ, thực hiện dịch vụ đánh giá, định giá công nghệ, với vai trò như một tổ chức trung gian trong thị trường khoa học và công nghệ, góp phần thúc đẩy và đưa công nghệ từ bên bán đến bên mua được thuận lợi hơn.
Theo Điều 32 Nghị định số 76/2018/NĐ-CP, ngày 15-5-2018, của Chính phủ “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ”, tổ chức thẩm định giá công nghệ cần đáp ứng các điều kiện: 1- Có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá theo quy định của pháp luật về giá đối với doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ đối với tổ chức khoa học và công nghệ; 2- Có ít nhất 2 thẩm định viên về giá hành nghề đã hoàn thành chương trình cập nhật kiến thức về định giá công nghệ, định giá tài sản trí tuệ do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức hoặc công nhận.
Hiện nay, bên cạnh các văn bản pháp luật quy định về phương pháp định giá(1), còn có một số văn bản pháp luật khác liên quan đến dịch vụ định giá công nghệ, tài sản trí tuệ trong nội dung của hoạt động chuyển giao công nghệ, khẳng định Nhà nước khuyến khích phát triển hoạt động định giá công nghệ, tài sản trí tuệ; quy định về điều kiện hoạt động (Điều 48 Luật Chuyển giao công nghệ); quyền của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ chuyển giao công nghệ (Điều 46 Luật Chuyển giao công nghệ); nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ chuyển giao công nghệ (Điều 47 Luật Chuyển giao công nghệ và Điều 81 Luật Thương mại); nghĩa vụ người sử dụng môi giới, tư vấn (Điều 85 Luật Thương mại); giá cả tư vấn, môi giới chuyển giao công nghệ (Điều 86 – 87 Luật Thương mại); hợp đồng chuyển giao công nghệ (Điều 22 đến Điều 34 Luật Chuyển giao công nghệ); khuyến khích hỗ trợ công nghệ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (Nghị định số 80/2021/NĐ-CP, ngày 26-8-2021, của Chính phủ “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa”).
Đánh giá chung về chính sách, pháp luật định giá công nghệ, tài sản trí tuệ hiện hành của Việt Nam
Từ thực tiễn trên, có thể đánh giá chính sách, pháp luật định giá công nghệ, tài sản trí tuệ hiện hành của Việt Nam hiện nay như sau:
Về ưu điểm:Nhìn chung, chính sách về định giá công nghệ, tài sản trí tuệ bao gồm khá nhiều quy định liên quan toàn diện tới các mặt của hoạt động tư vấn, môi giới chuyển giao công nghệ, tạo điều kiện cho sự phát triển của các hoạt động tư vấn, môi giới chuyển giao công nghệ nói chung và hoạt động định giá công nghệ, tài sản trí tuệ nói riêng. Các quy định pháp luật (Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Thương mại, Luật Doanh nghiệp) điều chỉnh việc chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng công nghệ đã tương đối đầy đủ, từng bước tạo cơ sở pháp lý cho các chủ thể trong việc khai thác, chuyển nhượng quyền sở hữu hoặc chuyển giao quyền sử dụng công nghệ cho tổ chức, cá nhân khác. Hợp đồng chuyển giao công nghệ, thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ, thủ tục chấp thuận, cấp phép chuyển giao công nghệ, hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp đã được quy định cụ thể(2).
Về hạn chế, bất cập:Ở Việt Nam, các văn bản pháp luật chủ yếu là các quy định chung điều chỉnh những hoạt động chuyển giao công nghệ mà định giá công nghệ là một loại hình trong đó. Hiện có ít các quy định riêng về định giá công nghệ và tài sản trí tuệ, đặc biệt là những biện pháp hỗ trợ của Nhà nước nhằm thúc đẩy hoạt động định giá công nghệ, tài sản trí tuệ…
+ Về cơ chế hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực: Điều 39 Luật Giá năm 2012 quy định, điều kiện thành lập và hoạt động của doanh nghiệp thẩm định giá là phải có ít nhất 3 thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp; theo Điều 32 Nghị định số 76/2018/NĐ-CP, ngày 15-5-2018, của Chính phủ “Quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ” thì tổ chức thẩm định giá công nghệ phải có ít nhất 2 thẩm định viên về giá hành nghề đã hoàn thành chương trình cập nhật kiến thức về định giá công nghệ, định giá tài sản trí tuệ do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức hoặc công nhận. Hiện nay, số lượng thẩm định giá viên về giá còn ít, tính chuyên nghiệp còn hạn chế, công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên ngành còn nhiều bất cập. Hơn nữa, việc đào tạo bậc đại học chuyên ngành thẩm định giá được đưa vào chương trình đào tạo ở một số cơ sở đào tạo còn mang tính tự phát, chưa đưa thành chương trình đào tạo có hệ thống, chính thức trong các trường đại học và chưa mang tính chính quy, chính thức từ quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, như Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính… Đội ngũ giảng viên còn mỏng và chưa được đào tạo chuyên sâu về chuyên ngành thẩm định giá.
+ Về cơ chế hỗ trợ tài chính, tín dụng: Hiện nay, hệ thống thuế đối với hoạt động chuyển giao công nghệ chưa phản ảnh tính chất ưu đãi của Nhà nước đối với hoạt động này. Các tổ chức định giá, đánh giá công nghệ hiện nay cũng chưa được hưởng các ưu đãi về tín dụng khi tiến hành các hoạt động định giá, đánh giá công nghệ. Do đó, chưa khuyến khích các tổ chức tham gia tích cực vào thị trường chuyển giao công nghệ.
Thẩm định giá bất động sản
Thẩm định giá động Sản
Thẩm định dự án đầu tư
Thẩm định giá tri doanh nghiệp
Thẩm Định Giá tài sản vô hình
Thẩm Định Giá mua sắm công
+ Về cơ chế hỗ trợ xác lậpvàchuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng công nghệ: Do quyền tác giả được bảo hộ không cần đăng ký hay công bố, nên việc bảo hộ quyền tác giả tác dụng chưa thực sự mạnh mẽ và khi có tranh chấp thì các bên phải đưa ra chứng cứ về việc tác phẩm gốc, sáng tạo độc lập… rất phức tạp. Trường hợp công nghệ là các giải pháp kỹ thuật, công nghệ có thể được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp dưới hình thức sáng chế, bí mật kinh doanh nếu đáp ứng các điều kiện bảo hộ theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ. Giải pháp kỹ thuật là sáng chế được bảo hộ dưới hình thức cấp bằng độc quyền sáng chế công nghệ nếu bảo đảm các điều kiện: có tính mới, sự sáng tạo, khả năng áp dụng công nghiệp. Sáng chế được bảo hộ dưới hình thức bằng độc quyền giải pháp hữu ích, nếu không phải là hiểu biết thông thường và đáp ứng các điều kiện có tính mới, có khả năng áp dụng công nghiệp. Công nghệ có thể được bảo hộ dưới hình thức bí mật kinh doanh nếu đáp ứng các điều kiện, như không phải là hiểu biết thông thường và không dễ dàng có được; khi được sử dụng trong kinh doanh sẽ tạo cho người nắm giữ bí mật kinh doanh lợi thế so với người không nắm giữ hoặc không sử dụng bí mật kinh doanh đó và được chủ sở hữu bảo mật bằng các biện pháp cần thiết để bí mật kinh doanh đó không bị bộc lộ và không dễ dàng tiếp cận được.
Hiện nay, một số quy định pháp luật liên quan đến hoạt động chuyển giao quyền sử dụng, quyền sở hữu công nghệ cần được cụ thể và làm rõ. Hầu hết các giao dịch liên quan đến công nghệ, quyền sở hữu công nghiệp (chuyển nhượng, chuyển giao, góp vốn, đầu tư liên doanh, tham gia vào giao dịch bảo đảm, thi hành án, cổ phần hoá doanh nghiệp…) đều có liên quan đến vấn đề định giá công nghệ, quyền sở hữu công nghiệp, trong khi đó chưa có văn bản pháp luật nào hướng dẫn cụ thể về vấn đề này. Đây là điểm bất cập lớn nhất trong thực tiễn hoạt động chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng công nghệ, quyền sở hữu công nghiệp hiện nay(3).
Một số giải pháp hoàn thiện pháp luật nhằm phát triển hoạt động định giá công nghệ và tài sản trí tuệ
Mặc dù hoạt động định giá công nghệ và tài sản trí tuệ ở Việt Nam đã diễn ra từ trước khi ban hành Luật Sở hữu trí tuệ (năm 2005), song cho đến nay, việc định giá công nghệ và tài sản trí tuệ vẫn chưa tuân thủ theo một chuẩn mực. Để việc định giá công nghệ và tài sản trí tuệ ở Việt Nam được đồng bộ, trong thời gian tới, cần hoàn thiện những quy định pháp luật về định giá công nghệ và tài sản trí tuệ, theo hướng:
Thứ nhất,việc tạo dựng môi trường pháp lý cho hoạt động mua bán, tư vấn, đánh giá định giá và môi giới chuyển giao công nghệ đối với sản phẩm khoa học và công nghệ đòi hỏi trước hết phải cụ thể hóa quyền sở hữu đối với kết quả khoa học và công nghệ.
Đây là nội dung mang tính chất nền tảng cho việc mua bán trên thị trường vì thực chất của hành vi mua bán trên thị trường là chuyển giao quyền sở hữu của chủ thể này sang chủ thể khác. Việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách hiện hành liên quan tới hoạt động khoa học và công nghệ hướng vào thị trường khoa học và công nghệ nói chung và hoạt động đánh giá định giá và môi giới chuyển giao công nghệ nói riêng cần được tiến hành trên cơ sở đưa ra các nguyên lý, nguyên tắc, quy luật của thị trường vào trong các qui định hiện hành, như việc phân chia lợi nhuận thu được sau khi chuyển nhượng, chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ.
Sản phẩm khoa học và công nghệ là một loại hàng hóa đặc biệt, không giống như các hàng hóa thông thường khác; việc định giá, lợi nhuận, góp vốn đầu tư trong hoạt động khoa học và công nghệ, kể cả bằng hiện vật hay quyền sở hữu trí tuệ, cũng có những đặc thù riêng, đòi hỏi phải có sự nghiên cứu nghiêm túc làm cơ sở khoa học cho việc cụ thể hóa thành cơ chế, chính sách. Tiếp tục nghiên cứu để xây dựng và ban hành các chính sách cụ thể về tư vấn đánh giá, định giá, môi giới chuyển giao công nghệ phục vụ doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực kinh tế trọng điểm, doanh nghiệp ở cùng kinh tế khó khăn… Phát huy vai trò của các ngành, địa phương trong việc phát triển hoạt động tư vấn đánh giá, định giá và môi giới chuyển giao công nghệ thuộc ngành, địa phương mình.
Thứ hai,hiện nay, các quy định về xác lập và bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp của Việt Nam về cơ bản là phù hợp với chuẩn mực quốc tế và thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật này cần được tiếp tục bổ sung hoàn thiện theo hướng sau: 1- Ban hành quy định về thẩm định đơn để bảo đảm tính thống nhất của các quy định pháp luật; 2- Thống nhất các quy định pháp luật sở hữu công nghiệp được quy định trong Bộ luật Dân sự và Luật Sở hữu trí tuệ. Hiện tại, một số quy định tại hai văn bản luật này chưa thống nhất về quyền tài sản đối với sáng chế, căn cứ xác lập quyền sở hữu công nghiệp… Do đó, cần sửa đổi, bổ sung để bảo đảm tính hệ thống và thống nhất.
Thứ ba,Nhà nước tiến hành điều tra quy mô toàn quốc về nhu cầu của doanh nghiệp đối với hoạt động tư vấn đánh giá, định giá và môi giới chuyển giao công nghệ. Kết quả điều tra phải làm rõ được quy mô và các loại nhu cầu khác nhau (như theo hình thức hoạt động của tư vấn, môi giới chuyển giao công nghệ, loại hình doanh nghiệp…) để ban hành chính sách phù hợp.
Nhà nước tăng cường xây dựng hệ thống thông tin mang tính chất cơ bản, nền tảng cho hoạt động tư vấn đánh giá, định giá công nghệ và môi giới chuyển giao công nghệ; trong đó, chú trọng các hoạt động dự báo công nghệ, kế hoạch và lộ trình phát triển công nghệ. Bổ sung và hoàn thiện các quy định quản lý nhà nước đối với hoạt động tư vấn đánh giá, định giá và môi giới chuyển giao công nghệ. Trước mắt, cần ban hành những quy định cụ thể về năng lực, phẩm chất mà cá nhân, tổ chức hoạt động tư vấn đánh giá, định giá và môi giới chuyển giao công nghệ cần đáp ứng.
Thứ tư,khuyến khích một số cơ quan nghiên cứu khoa học chuyển thành cơ quan dịch vụ môi giới công nghệ mang tính chuyên nghiệp; khuyến khích các cán bộ nghiên cứu thành lập cơ quan dịch vụ môi giới công nghệ. Hoạt động tư vấn, môi giới chuyển giao công nghệ cần được hưởng các ưu đãi về thuế, tín dụng…
Ban hành kế hoạch đào tạo, nâng cao năng lực cho các tổ chức hoạt động tư vấn đánh giá, định giá và môi giới chuyển giao công nghệ (nội dung đào tạo tập trung vào những vấn đề pháp lý trong chuyển giao công nghệ quốc tế; kỹ năng đàm phán, thương thảo hợp đồng chuyển giao công nghệ, các bước và kỹ năng tìm kiếm và lựa chọn công nghệ thích hợp; phương pháp đánh giá và định giá công nghệ). Ban hành chính sách thúc đẩy hình thành mạng lưới các tổ chức tham gia tư vấn đánh giá, định giá và môi giới chuyển giao công nghệ, bao gồm cả liên kết trong nước và quốc tế./.
———————
* Nghiên cứu này được tài trợ bởi Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia Việt Nam (NAFOSTED) với mã số: 505.01-2020.301
(1) như: Luật Giá năm 2012; Nghị định số 89/2013/NĐ-CP, ngày 6-8-2013, của Chính phủ, “Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giá về thẩm định giá”; Thông tư số 06/2014/TT-BTC, ngày 7-1-2014, của Bộ Tài chính “Ban hành tiêu chuẩn thẩm định giá số 13” thẩm định giá tài sản vô hình; Thông tư liên tịch số 39/2014/TTLT-BKHCN-BTC, ngày 17-12-2014, của Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Tài chính, “Quy định việc định giá kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ sử dụng ngân sách nhà nước”; Thông tư số 10/2019/TT-BTC, ngày 20-2-2019, của Bộ Tài chính, “Hướng dẫn việc xác định giá trị tài sản là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước”;…
(2) trong các văn bản pháp luật, như: Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017; Nghị định số 76/2018, ngày 15-5-2018, của Chính phủ “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ”; Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2022; Nghị định số 122/2010/NĐ-CP, ngày 31-12-2010, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 103/2006/NĐ-CP, ngày 22-9-2006, của Chính phủ “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp”; Nghị định số 119/2010/NĐ-CP, ngày 30-12-2010, của Chính phủ, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 105/2006/NĐ-CP ngày 22-9-2006, của Chính phủ, “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ”; Nghị định số 154/2018/NĐ-CP, ngày 9-11-2018, của Chính phủ, “Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ và một số quy định về kiểm tra chuyên ngành”.
(3) Xem thêm: PGS.TS Trần Văn Nam – TS. Đỗ Minh Tuấn: Pháp luật Việt Nam về định giá sáng chế nhận diện những bất cập và kiến nghị hoàn thiện, Tạp chí Luật học, số 7-2022
Nếu quý khách hàng có nhu cầu thẩm định giá Động sản, Bất động sản, giá trị doanh nghiệp, dự án đầu tư, tài sản vô hình, hoặc cần tư vấn thêm về lĩnh vực thẩm định giá thì hãy liên hệ với chúng tôi:
Điện thoại:0909.399.961. Zalo:0909.399.961
Email:[email protected].