Nội dung quản lý nhà nước (QLNN) về thẩm định giá được quy định tại Luật Giá năm 2012. Về cơ bản, các quy định này đã đi vào thực tiễn và bước đầu đáp ứng được các yêu cầu của nền kinh tế trong giai đoạn vừa qua. Tuy nhiên, quá trình thực hiện hoạt động QLNN về thẩm định giá vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy định của pháp luật về thẩm định giá; xuất hiện tình trạng phát triển “nóng” về số lượng các doanh nghiệp không đi đôi với chất lượng dịch vụ thẩm định giá và việc vi phạm các quy định về chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp của thẩm định viên về giá và doanh nghiệp thẩm định giá; tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp thẩm định giá, trong đó có cạnh tranh không lành mạnh về giá dịch vụ thẩm định giá… Do vậy, bài viết tập trung phân tích thực trạng QLNN về thẩm định giá tại Việt Nam nhằm chỉ ra các kết quả đạt được, cũng như những tồn tại hạn chế và nguyên nhân; từ đó, đề xuất các giải pháp hoàn thiện QLNN về thẩm định giá tại Việt Nam trong thời gian tới.
Từ khóa:Thẩm định giá, QLNN về thẩm định giá.
Contents of state management on price appraisal are prescribed in Law on Price 2012. Basically, these regulations have come into practice and initially met the requirements of the economy in the period. However, the process of implementing state management activities on price appraisal still has some difficulties and problems related to the provisions of the law on price appraisal; there is an increasing number of businesses providing low quality appraisal services; the violation of professional and ethical regulations of appraisers and businesses; unfair competition among valuation enterprises… Therefore, the article will focus on analyzing the current situation of state management on price appraisal in Vietnam to indicate the results, as well as limitations and causes; thereby, proposing some solutions to improve the Vietnam’s state management on price appraisal in the coming time.
Keywords: Price appraisal, state management on price appraisal.
1. Một số vấn đề cơ bản về quản lý nhà nước đối với thẩm định giá
Theo Luật Giá năm 2012, thẩm định giá là việc cơ quan, tổ chức có chức năng thẩm định giá xác định giá trị bằng tiền của các loại tài sản theo quy định của Bộ luật dân sự phù hợp với giá thị trường tại một địa điểm, thời điểm nhất định, phục vụ cho mục đích nhất định theo tiêu chuẩn thẩm định giá. Như vậy, thẩm định giá không đơn thuần chỉ là một quá trình toán học và phụ thuộc vào những quan điểm của người thẩm định giá (thẩm định viên về giá). Thẩm định viên về giá phải có cái nhìn bao quát về thực tế và dự đoán tương lai, cân nhắc tất cả các thông tin trong một hoàn cảnh cụ thể và thông qua đó hình thành quan điểm để thẩm định giá. Hầu hết các quan điểm, định nghĩa về thẩm định giá của các nhà nghiên cứu thẩm định giá và thẩm định viên về giá đều thống nhất nội dung cơ bản nhất là xác định hoặc ước tính giá trị của tài sản hoặc quyền sở hữu tài sản bằng hình thái tiền tệ.
Thẩm định giá có những đặc điểm cơ bản như: (i) Tư vấn xác định giá trị của tài sản. Tài sản thẩm định giá phải là những tài sản hợp pháp được tham gia thị trường tài sản theo quy định hiện hành của pháp luật; (ii) Việc xác định giá trị của tài sản phải do các cơ quan, tổ chức có chức năng thẩm định giá thực hiện; (iii) Giá trị tài sản thẩm định giá được biểu hiện bằng hình thái tiền tệ; (iv) Việc xác định giá được đặt trong một địa điểm, thời điểm nhất định gắn với những điều kiện thị trường nhất định (kinh tế – xã hội, quan hệ cung – cầu…), nên các dữ liệu sử dụng cho quá trình thẩm định giá đều trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến thị trường; (v) Thẩm định giá được thực hiện theo những yêu cầu và mục đích nhất định; (vi) Việc thẩm định giá phải tuân thủ theo những tiêu chuẩn thẩm định giá.
Hoạt động thẩm định giá ở Việt Nam (bao gồm thẩm định giá của Nhà nước và thẩm định giá của doanh nghiệp) đã và đang tiếp tục góp phần hình thành nên các tổ chức cung ứng dịch vụ có đủ năng lực xác định giá trị của các tài sản phục vụ cho những giao dịch về tài sản. Vai trò của hoạt động thẩm định giá trong nền kinh tế thị trường được biểu hiện như sau: (i) Tư vấn về giá trị, giá cả tài sản giúp các chủ thể tài sản, các bên có liên quan và công chúng đầu tư đưa ra các quyết định liên quan đến việc mua – bán, đầu tư, cho thuê, đi thuê, cho vay, góp vốn…; (ii) Xác định đúng giá trị thị trường của các nguồn lực góp phần để cơ chế thị trường tự động phân bổ tối ưu các nguồn lực và nền kinh tế đạt hiệu quả Pareto; (iii) Góp phần làm minh bạch thị trường, thúc đẩy sự phát triển thị trường tài sản trong nước cũng như trên thế giới; (iv) Tạo điều kiện thuận lợi cho toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế thế giới.
Quản lý nhà nước về thẩm định giá là quá trình sử dụng các công cụ quản lý nhằm thực hiện các nội dung quản lý bao gồm xây dựng chính sách và pháp luật, tổ chức thực hiện, giám sát và kiểm tra hoạt động thẩm định giá để hướng tới đạt được mục tiêu chung của đất nước. Như vậy, chủ thể QLNN về thẩm định giá chính là các cơ quan nhà nước theo thẩm quyền. Đối tượng quản lý là các tổ chức, cá nhân hoạt động liên quan đến thẩm định giá.
Nhà nước thực hiện quản lý hoạt động thẩm định giá theo hai hình thức trực tiếp và gián tiếp. Quản lý trực tiếp là hình thức Nhà nước tham gia trực tiếp vào hoạt động thẩm định giá, thực hiện việc thẩm định giá các loại tài sản theo quy định. Quản lý gián tiếp là hình thức Nhà nước không trực tiếp tham gia vào quá trình thẩm định giá mà chỉ tác động một cách gián tiếp thông qua các chính sách của Nhà nước. Mỗi hình thức nêu trên đều có những ưu và nhược điểm. Chính vì vậy, các nhà quản lý phải tùy theo bối cảnh, điều kiện và mục tiêu cụ thể của từng giai đoạn để lựa chọn hình thức quản lý phù hợp. Hiện nay, Nhà nước thực hiện các nội dung QLNN về thẩm định giá như sau: (1) Xây dựng chiến lược, văn bản pháp luật, tiêu chuẩn thẩm định giá; (2) Tổ chức thực hiện hoạt động QLNN về thẩm định giá; (3) Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về thẩm định giá và kiểm soát chất lượng hoạt động thẩm định giá.
2. Thực trạng quản lý nhà nước về thẩm định giá tại Việt Nam
2.1. Thực trạng khuôn khổ pháp lý của quản lý nhà nước về thẩm định giá tại Việt Nam
Năm 2012, Quốc hội đã thông qua Luật Giá (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013). Đây là bước đánh dấu sự phát triển mới của hoạt động thẩm định giá theo hướng phù hợp hơn với sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có sự điều tiết của Nhà nước, hội nhập sâu với kinh tế thế giới và khu vực… Cùng với đó, hệ thống văn bản pháp luật về thẩm định giá đã được ban hành đầy đủ và đồng bộ, từ các quy định mang tính nguyên tắc tại Luật Giá, đến các quy định chi tiết tại nghị định của Chính phủ và hướng dẫn tại thông tư của Bộ Tài chính (02 nghị định, 12 thông tư) về việc quản lý cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá; thi, quản lý, cấp và thu hồi thẻ thẩm định viên về giá; đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành thẩm định giá; kiểm tra, giám sát và đánh giá chất lượng hoạt động thẩm định… Đáng chú ý, Hệ thống Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam cũng được ban hành gồm 13 tiêu chuẩn quy định và hướng dẫn đầy đủ về nghiệp vụ đối với dịch vụ thẩm định giá, trong đó có quy định cụ thể về các cách tiếp cận và phương pháp thẩm định giá đối với các loại tài sản như: bất động sản, máy thiết bị, doanh nghiệp, tài sản vô hình… Để có một chiến lược tổng thể về lĩnh vực thẩm định giá, năm 2014, Đề án “Nâng cao năng lực hoạt động thẩm định giá của Việt Nam giai đoạn 2013 – 2020” cũng đã được ban hành1. Tính đến nay, 8 nhóm nội dung của Đề án trên về cơ bản đã hoàn thành theo mục tiêu đề ra và đang được thực hiện đánh giá tổng thể.
2.2. Thực trạng tổ chức thực hiện hoạt động quản lý nhà nước về thẩm định giá
Cấp và cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá
Thẩm định giá bất động sản
Thẩm định giá động Sản
Thẩm định dự án đầu tư
Thẩm định giá tri doanh nghiệp
Thẩm Định Giá tài sản vô hình
Thẩm Định Giá mua sắm công
Tính đến hết năm 2021, cả nước có 430 doanh nghiệp thẩm định giá được cấp giấy chứng nhận, tăng 21 doanh nghiệp (tương ứng tăng 5,1%) so với cùng năm 2020.
Bảng 1. Số doanh nghiệp thẩm định giá, 2013 – 2021
Đơn vị: Số doanh nghiệp
Năm | 2013 | 2014 | 2015 | 2016 | 2017 | 2018 | 2019 | 2020 | 2021 |
Tổng số | 140 | 142 | 183 | 225 | 270 | 285 | 311 | 409 | 430 |
Nguồn: Tổng hợp báo cáo hoạt động thẩm định giá của Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính
Đình chỉ kinh doanh dịch vụ thẩm định giá và thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá
Trong giai đoạn 2017 – 2021, có 35 doanh nghiệp đã bị đình chỉ kinh doanh dịch vụ thẩm định giá2. Đồng thời, quyết định thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá cũng được Bộ Tài chính ban hành đối với 89 doanh nghiệp. Cụ thể, 2 doanh nghiệp năm 2015; 5 doanh nghiệp năm 2016; 11 doanh nghiệp năm 2017; 13 doanh nghiệp năm 2018, 16 doanh nghiệp năm 2019, 18 doanh nghiệp năm 2020 và 22 doanh nghiệp năm 2021.
Quản lý thẩm định viên về giá hành nghề
Tính đến hết năm 2021, có 2.352 thẻ thẩm định viên về giá đã được cấp phát, trong đó có 1.623 thẩm định viên đã đăng ký hành nghề tại 341 doanh nghiệp thẩm định giá (6 doanh nghiệp có trên 20 thẩm định viên và 8 doanh nghiệp có 15 – 19 thẩm định viên).
Bảng 2. Số lượng thẩm định viên về giá hành nghề, 2013 – 2021
Đơn vị: Số thẩm định viên
Năm | 2013 | 2014 | 2015 | 2016 | 2017 | 2018 | 2019 | 2020 | 2021 |
Số thẩm định viên về giá hành nghề | 712 | 788 | 900 | 1.000 | 1.122 | 1.343 | 1.589 | 1.723 | 1.723 |
Số được cấp thẻ | 1.037 | 1.231 | 1.452 | 1.659 | 1.899 | 2.108 | 2.352 | 2.352 | 2.352 |
Nguồn: Tổng hợp báo cáo hoạt động thẩm định giá của Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính
Việc quản lý và công khai danh sách các thẩm định viên về giá hành nghề tại doanh nghiệp thẩm định giá được thông báo và đăng tải công khai trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Tài chính và trang thông tin điện tử của Cục Quản lý giá. Thông báo cung cấp đầy đủ các nội dung về danh sách doanh nghiệp thẩm định giá và chi nhánh; danh sách các thẩm định viên về giá của từng doanh nghiệp, chi nhánh. Ngoài ra, trong quá trình hoạt động, khi có thay đổi về danh sách thẩm định viên đăng ký hành nghề, các doanh nghiệp đều phải báo cáo để Bộ Tài chính rà soát và có thông báo kịp thời về sự thay đổi trong danh sách thẩm định viên đăng ký hành nghề.
Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng
Kể từ khi Thông tư số 204/2014/TT-BTC có hiệu lực, các nội dung về đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành thẩm định giá được quy định rõ ràng và tạo thuận lợi cho việc triển khai thực hiện của các cơ sở đào tạo cũng như công tác giám sát, kiểm tra việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành thẩm định giá của cơ quan QLNN. Qua đó góp phần nâng cao trình độ của đội ngũ thẩm định viên về giá và bổ sung nguồn nhân lực có chuyên môn nghiệp vụ cho các doanh nghiệp thẩm định giá, cũng như đáp ứng nhu cầu xã hội.
Tổ chức thi thẩm định viên về giá
Việc cấp thẻ thẩm định viên về giá đều được tổ chức thi định kỳ hằng năm. Tính đến nay, 2.352 thẻ thẩm định viên về giá đã được cấp (vượt ngưỡng mục tiêu số thẻ đến năm 2020 của Đề án 632 đề ra là 2.200 thẻ)3.
Tổ chức bộ máy QLNN về thẩm định giá
Hiện nay, bộ máy QLNN về thẩm định giá ở Việt Nam được tổ chức theo chức năng nhiệm vụ của ngành Tài chính từ Trung ương đến địa phương bao gồm: Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá); các bộ và cơ quan trung ương, ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sở tài chính các tỉnh, phòng tài chính – kế hoạch các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh).
Về hoạt động thẩm định giá của Nhà nước
Việc quản lý thẩm định giá chủ yếu được giao cho các bộ, ngành và địa phương theo phân cấp, phân quyền quản lý ngân sách, quản lý tài sản công. Những năm gần đây, Bộ Tài chính chủ yếu thành lập các Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự ở trung ương. Hoạt động thẩm định giá nhà nước ở địa phương được các ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể theo đặc điểm và giá trị của tài sản thẩm định giá, tùy theo điều kiện kinh tế – xã hội của từng tỉnh. Những năm qua, thẩm định giá nhà nước ở địa phương cơ bản đã phát huy tốt hiệu quả trong công tác QLNN về tài chính, tiết kiệm hoặc tăng thu cho ngân sách nhà nước nhiều tỷ đồng.
Xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá phục vụ công tác QLNN về thẩm định giá
Từ năm 2018, Dự án Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về giá giai đoạn 1 đã được xây dựng và đi vào vận hành thực tế tại các bộ phận thuộc phạm vi dự án và đã đạt được các kết quả ban đầu. Hiện nay, Dự án Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về giá giai đoạn 2 đang được tiếp tục triển khai thực hiện. Phạm vi giai đoạn 2 của Dự án sẽ kết nối với các bộ, ngành, cũng như triển khai tới 63 địa phương và khoảng 250 doanh nghiệp thẩm định giá…
Hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thẩm định giá
Hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thẩm định giá đã được chú trọng từ giai đoạn đầu của ngành giá thông qua việc tìm hiểu các tổ chức nghề nghiệp quốc tế cũng như việc trao đổi, học hỏi kinh nghiệm các cơ quan quản lý của các nước trên thế giới và các tổ chức quốc tế có liên quan.
2.3. Thực trạng việc thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về thẩm định giá và kiểm soát chất lượng hoạt động thẩm định giá
Từ khi Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn, Nghị định 49/2016/NĐ-CP ngày 27/5/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 109/2013/NĐ-CP và hệ thống các tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam được ban hành, công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp thẩm định giá đã được đẩy mạnh. Giai đoạn 2013 – 2020, Bộ Tài chính đã thực hiện thanh tra chuyên đề đối với 336 doanh nghiệp. Riêng năm 2021, Bộ Tài chính chỉ thực hiện thanh tra chuyên đề đối với 6 doanh nghiệp do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, trong thời gian dài, nhiều địa phương tiến hành các biện pháp hạn chế đi lại để phòng chống dịch, việc triển khai các đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật về thẩm định giá đã không thể tiến hành như kế hoạch.
Bảng 3. Số doanh nghiệp thẩm định giá được kiểm tra, 2013 – 2021
Đơn vị: Số doanh nghiệp
Năm | 2013 | 2014 | 2015 | 2016 | 2017 | 2018 | 2019 | 2020 | 2021 |
Số doanh nghiệp kiểm tra | 15 | 30 | 39 | 40 | 37 | 52 | 65 | 58 | 6 |
Nguồn: Tổng hợp báo cáo kiểm tra của Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính
Công tác giám sát, kiểm tra và thanh tra hằng năm đã phát hiện và xử phạt hành chính đối với các doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật về thẩm định giá và được công khai trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Tài chính theo đúng quy định hiện hành. Cụ thể: năm 2014 xử phạt 5 doanh nghiệp; năm 2015 xử phạt 5 doanh nghiệp; năm 2016 xử phạt 1 doanh nghiệp; năm 2017 xử phạt 1 doanh nghiệp; năm 2018 xử phạt 1 doanh nghiệp; năm 2019 đã xử phạt 12 doanh nghiệp, năm 2020 đã xử phạt 4 doanh nghiệp.
Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về thẩm định giá đã được Bộ Tài chính chú trọng, cụ thể: năm 2015 trả lời 3 lượt, năm 2016 trả lời 3 lượt, năm 2017 trả lời 7 lượt, năm 2018 trả lời 8 lượt, năm 2019 trả lời 5 lượt, năm 2020 trả lời 6 lượt, năm 2021 trả lời 7 lượt. Như vậy, 100% các khiếu nại, tố cáo có văn bản về Bộ Tài chính đã được xử lý kịp thời, không xảy ra tình trạng khiếu nại, tố cáo kéo dài.
Công tác kiểm soát và đánh giá chất lượng hoạt động thẩm định giá theo quy định tại Thông tư số 323/2016/TT-BTC và Thông tư số 25/2019/TT-BTC đã được chủ động triển khai. Năm 2017, Hội đồng đánh giá chất lượng hoạt động thẩm định giá đã được thành lập và đánh giá chất lượng 145 doanh nghiệp. Năm 2020, Hội đồng đánh giá chất lượng cho 193 doanh nghiệp đủ điều kiện theo quy định.
3. Đánh giá công tác quản lý nhà nước về thẩm định giá tại Việt Nam
3.1. Những kết quả đạt được trong quản lý nhà nước về thẩm định giá tại Việt Nam
Trong giai đoạn vừa qua, công tác QLNN về thẩm định giá đã đạt được một số thành công. Theo đó, hiệu lực QLNN về thẩm định giá cơ bản được đảm bảo thực thi nghiêm túc. QLNN về thẩm định giá đã thể hiện được khả năng thích ứng trước những thay đổi trong thực tiễn công tác quản lý. Các thông báo về danh sách doanh nghiệp thẩm định giá, chi nhánh doanh nghiệp thẩm định giá, danh sách các thẩm định viên về giá hành nghề của từng doanh nghiệp được cập nhật công khai trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Tài chính. Số lượng thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tăng góp phần bổ sung cho xã hội đội ngũ thẩm định viên về giá chuyên nghiệp, có trình độ, phục vụ cho hoạt động thẩm định giá tài sản trong các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, việc thi cấp thẻ thẩm định viên về giá được tổ chức kịp thời, đúng quy định. Công tác đào tạo, bồi dưỡng về thẩm định giá từng bước đi vào quy củ, các cơ sở đào tạo và bồi dưỡng đã thực hiện đăng ký và báo cáo theo quy định. Đáng chú ý, việc thành lập Trung tâm Dữ liệu quốc gia và dịch vụ về giá thuộc Cục Quản lý giá, cũng như hoàn thiện việc xây dựng và đưa vào vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá giai đoạn 1 chính thức từ ngày 01/01/2019, bước đầu đã góp phần nâng cao năng lực QLNN về giá và thẩm định giá, cũng như giúp liên thông và minh bạch thông tin.
Các hoạt động liên quan đến thẩm định giá của Nhà nước được tích cực đẩy mạnh. Kết quả thẩm định giá của Hội đồng thẩm định giá nhà nước đã góp phần đảm bảo công khai, minh bạch và tiết kiệm chi ngân sách nhà nước khi mua sắm tài sản nhà nước. Bên cạnh đó, quá trình hội nhập khu vực và quốc tế trong lĩnh vực giá và thẩm định giá đã được đẩy mạnh. Hệ thống Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam đã được xây dựng trên cơ sở tham khảo, tiếp thu có chọn lọc Hệ thống Tiêu chuẩn thẩm định giá quốc tế IVSC và hệ thống tiêu chuẩn thẩm định giá của một số nước. Các quy định, cũng như việc tổ chức kiểm tra, giám sát và đánh giá chất lượng hoạt động thẩm định được hoàn thiện và phát huy được hiệu quả tích cực.
Có được các kết quả tích cực trên chủ yếu là nhờ bước đầu thực hiện tốt quy trình ban hsành các chính sách, pháp luật liên quan đến QLNN về thẩm định giá. Hệ thống cơ chế, chính sách cơ bản đầy đủ để hướng dẫn trình tự, thủ tục thực hiện các khâu trong hoạt động thẩm định giá nói chung và hoạt động QLNN về thẩm định giá nói riêng. Bên cạnh đó, các thủ tục hành chính trong công tác QLNN về thẩm định giá đã được cải thiện đáng kể. Công tác thanh tra, kiểm tra và đánh giá chất lượng hoạt động thẩm định giá được thực hiện thường xuyên và đã bước đầu có hiệu quả. Các nguồn lực của QLNN về thẩm định giá bước đầu được quan tâm.
3.2. Những hạn chế trong quản lý nhà nước về thẩm định giá tại Việt Nam và nguyên nhân
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác QLNN về thẩm định giá vẫn còn một số tồn tại cần được khắc phục. Hiệu quả của QLNN về thẩm định giá chưa được như kỳ vọng. Hiện tượng tiêu cực và cạnh tranh không lành mạnh như hạ thấp giá và chất lượng dịch vụ… xuất hiện dẫn đến tình trạng không bảo đảm lợi ích hợp pháp của các bên liên quan, gây bức xúc trong dư luận và xã hội. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp thẩm định giá thường xuyên thay đổi người đại diện theo pháp luật, gây khó khăn cho công tác QLNN đối với các doanh nghiệp, cũng như việc kiểm soát chất lượng hoạt động của chính doanh nghiệp.
Việc kê khai thông tin trong các hồ sơ cấp, cấp lại giấy chứng nhận qua xem xét, đánh giá vẫn còn một số bất cập và hạn chế. Một số doanh nghiệp thẩm định giá chậm hoặc không thực hiện báo cáo đầy đủ. Tình trạng cho thuê và mượn thẻ thẩm định viên về giá bắt đầu có xu hướng tăng. Trong khi đó, bộ máy QLNN về thẩm định giá ở các địa phương hoạt động không đồng đều, thậm chí còn có những khoảng cách khá xa về tính hiệu quả của công tác QLNN giữa các địa phương mà không phụ thuộc vào mức độ phát triển kinh tế của các địa phương đó. Hoạt động thẩm định giá của Nhà nước giữa Trung ương và địa phương, giữa các bộ,ngành có phát sinh một số vướng mắc liên quan đến phạm vi hoạt động thẩm định giá nhà nước, việc thành lập và hoạt động của Hội đồng định giá theo vụ việc/hội đồng thẩm định giá nhà nước…
Các hạn chế này là do: (i) Một số quy định và hướng dẫn về hoạt động thẩm định giá chưa cụ thể và chi tiết; (ii) Nhiều quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn. Công tác phân công, phân cấp trong quản lý chưa đồng bộ; (iii) Chất lượng thẩm định viên chưa cao; (iv) Trụ cột về thông tin phục vụ hoạt động thẩm định giá chưa đảm bảo, thiếu thông tin hoặc thông tin không minh bạch, nhiễu… ảnh hưởng đến hoạt động thẩm định giá; (v) Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nói chung và công tác thanh kiểm tra, giám sát chất lượng nói riêng còn hạn chế.
4. Các giải pháp hoàn thiện quản lý nhà nước về thẩm định giá tại Việt Nam đến năm 2030
4.1. Giải pháp thực hiện trong năm 2022
Nhằm hoàn thiện QLNN về thẩm định giá, giai đoạn trước mắt cần tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung quy định tại Nghị định số 12/2021/NĐ-CP, nhất là rà soát các quy định về điều kiện phải có ít nhất 3 năm là thẩm định viên về giá hành nghề trước khi trở thành người đại diện theo pháp luật; giám đốc hoặc tổng giám đốc của doanh nghiệp thẩm định giá; nghĩa vụ ký báo cáo kết quả thẩm định giá; chứng thư thẩm định giá của thẩm định viên về giá hành nghề. Bên cạnh đó, điều kiện hoạt động và hành nghề của các doanh nghiệp và các thẩm định viên về giá cần tiếp tục được rà soát để tổng hợp công bố công khai trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Tài chính.
Hoạt động quản lý kiểm tra, giám sát và đánh giá chất lượng hoạt động thẩm định giá của doanh nghiệp thẩm định giá cần được tăng cường hơn nữa, kèm với đó là xử lý nghiêm các vi phạm trong quá trình hoạt động kinh doanh dịch vụ thẩm định giá. Phần mềm quản lý kiểm tra, giám sát và đánh giá chất lượng hoạt động thẩm định giá cần được nghiên cứu xây dựng và sớm đưa vào vận hành để phục vụ cho công tác QLNN đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ thẩm định giá.
Hệ thống tiêu chuẩn thẩm định giá cần được rà soát để hướng đến việc hoàn thiện bộ Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam, đảm bảo rõ ràng, trọng yếu, phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam, đồng thời phù hợp với các tiêu chuẩn thẩm định giá quốc tế và khu vực.
Nội dung cập nhật kiến thức năm 2022 cho thẩm định viên về giá cần được chú trọng xây dựng, nhất là các kiến thức liên quan đến thu thập, phân tích và xử lý thông tin; các nghiệp vụ chuyên sâu của nghề nghiệp. Nội dung cập nhật cần được xây dựng theo hướng phân tích các sai phạm, các lỗi thường gặp, đánh giá các vi phạm hành chính và hình sự…
4.2. Các giải pháp dài hạn, tầm nhìn đến năm 2030
Về dài hạn, để hoàn thiện QLNN về thẩm định giá cần thực hiện đồng bộ các giải pháp cụ thể như sau:
Hoàn thiện cơ chế, chính sách và các văn bản quy phạm pháp luật về thẩm định giá, tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam
Việt Nam cần bổ sung các quy định pháp luật theo hướng nâng cao điều kiện được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá. Doanh nghiệp cần được phân loại theo lĩnh vực chuyên môn sâu trong hoạt động kinh doanh dịch vụ thẩm định giá như: thẩm định giá bất động sản, máy thiết bị và các hàng hóa, dịch vụ thông thường và thẩm định giá doanh nghiệp, tài sản tài chính, tài sản vô hình. Đồng thời, tỷ lệ vốn cần được quy định cụ thể để đảm bảo khả năng kiểm soát doanh nghiệp đối với các thành viên góp vốn là thẩm định viên về giá hành nghề tại doanh nghiệp. Nội dung quy định từ nghị định về tiêu chuẩn của thẩm định viên là người đại diện theo pháp luật, giám đốc hoặc tổng giám đốc doanh nghiệp thẩm định giá… cần được nâng thành Luật.
Các quy định về quản lý đối với thẩm định viên về giá cần được nghiên cứu và hoàn thiện. Việt Nam cần khắc phục và xử lý các chồng chéo, vướng mắc trong quản lý thẩm định viên về giá. Đồng thời, phân ngành theo chuyên môn, nghiệp vụ thẩm định giá để hướng đến tính chuyên nghiệp, phù hợp với thông lệ quốc tế, như: quy định tiêu chuẩn 36 tháng kinh nghiệm làm việc phải là thời gian làm việc thực tế tại doanh nghiệp thẩm định giá với vai trò trợ lý thẩm định giá, giúp việc cho các thẩm định viên trong các cuộc thẩm định giá tài sản như hỗ trợ khảo sát, thu thập thông tin, lập dự thảo chứng thư, báo cáo kết quả thẩm định giá; quy định phân loại thẩm định viên về giá để bảo đảm tính chuyên nghiệp, qua đó nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm chi phí xã hội theo hai lĩnh vực hoạt động. Thẩm định viên về giá có thể thực hiện cả hai lĩnh vực nêu trên. Ngoài ra, người có thẻ thẩm định viên về giá cần được tham gia các hoạt động tư vấn định giá cho cơ quan nhà nước mà không phải trang bị thêm các chứng chỉ chuyên môn khác như hiện nay.
Các quy định liên quan đến thi, cấp, thu hồi thẻ thẩm định viên về giá cần được hoàn thiện. Trong đó, xem xét bỏ quy định môn thi ngoại ngữ trong nội dung thi cấp thẻ thẩm định viên về giá (nhưng kèm điều kiện); tổ chức thi và cấp thẻ thẩm định viên về giá cho các thí sinh theo lĩnh vực hoạt động của thẻ. Các loại thẻ đều phải thi viết phần kiến thức chung và phần kiến thức nghiệp vụ theo lĩnh vực hoạt động hành nghề. Việc thu hồi tạm thời và thu hồi vĩnh viễn thẻ thẩm định viên về giá cần được quy định cụ thể hơn.
Việc công nhận chương trình đào tạo của các cơ sở đào tạo đại học cần được quy định cụ thể và rõ ràng hơn để xem xét được miễn chứng chỉ đào tạo, đồng thời cũng đánh giá, xem xét các chương trình đào tạo của các cơ sở đào tạo đại học theo hướng thực hành4 để giảm thời gian công nhận kinh nghiệm làm việc trước khi nộp hồ sơ dự thi kỳ thi thẩm định viên về giá.
Phạm vi thực hiện thẩm định giá của Nhà nước cần được quy định rõ, gồm các trường hợp: mua, bán tài sản thuộc bí mật nhà nước; bán, cho thuê, thanh lý, góp vốn liên doanh, liên kết bằng tài sản công của cơ quan nhà nước; mua, đi thuê tài sản phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước trừ trường hợp mua, đi thuê tài sản nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước; mua tài sản sử dụng nguồn toàn bộ từ ngân sách nhà nước, bán tài sản công của cơ quan nhà nước mà sau khi đã thuê doanh nghiệp thẩm định giá, cơ quan hoặc người có thẩm quyền phê duyệt thấy cần thiết phải có ý kiến thẩm định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Việt Nam cần xác định hệ thống các tiêu chuẩn thẩm định giá là các tiêu chuẩn quóc gia, các lĩnh vực thực hiện tư vấn xác định giá phải tuân thủ.Mặt khác, các tiêu chuẩn thẩm định giá của quốc tế, khu vực và quốc gia đều không phải là những quy định cứng mà liên tục được điều chỉnh, hoàn thiện và mở rộng trên cơ sở tham gia ý kiến của các tổ chức thành viên, các chuyên gia quốc tế cũng như yêu cầu của thực tiễn quản lý và hành nghề thẩm định giá. Kết cấu và nội dung của hệ thống tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam cần được hoàn thiện theo hướng toàn diện, bao quát hơn và phù hợp hơn với thông lệ quốc tế, thông qua việc xem xét một số hướng thay đổi hệ thống tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam.
Hoàn thiện khâu tổ chức thực hiện hoạt động quản lý nhà nước về thẩm định giá
Năng lực quản lý nhà nước về thẩm định giá cần được nâng cao. Bộ máy QLNN về thẩm định giá ở các cấp từ Trung ương, các bộ ngành đến các sở ngành, phòng tài chính – kế hoạch tại các địa phương cần được tiếp tục xây dựng theo hướng chuyên môn hóa. Để thực hiện được nội dung này, công tác tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về thẩm định giá, QLNN về giá và thẩm định giá cần được đẩy mạnh triển khai nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách có đủ trình độ, bản lĩnh và kinh nghiệm QLNN.
Chất lượng hoạt động hành nghề thẩm định giá cần được tiếp tục củng cố, nâng cao. Giai đoạn 2021 – 2025, Việt Nam cần tập trung phát triển đội ngũ thẩm định viên về giá và doanh nghiệp thẩm định giá từng bước đi vào chiều sâu, chất lượng và hiệu quả thay vì hình thành nhiều doanh nghiệp thẩm định giá nhỏ với số lượng thẩm định viên hành nghề tối thiểu, phát triển nóng như hiện nay. Các doanh nghiệp thẩm định giá sẽ có xu hướng tiến tới quy mô lớn với đội ngũ nhân lực dồi dào hơn. Giai đoạn 2025 – 2030, hoạt động cung cấp dịch vụ thẩm định giá, phát triển đội ngũ thẩm định viên theo phân hạng về chất lượng cần được chuyên môn hóa.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý đối với hoạt động thẩm định giá cần được đẩy mạnh, nhất là đối với khối các doanh nghiệp thẩm định giá trong các mặt: cấp (cấp mới, cấp lại), đình chỉ, thu hồi; theo dõi hành nghề của các thẩm định viên; nhận và phản hồi các báo cáo của doanh nghiệp; thực hiện giám sát từ xa và đưa ra những cảnh báo rủi ro trong hoạt động nghề nghiệp của các doanh nghiệp thẩm định giá…
Năng lực và chất lượng hoạt động thẩm định giá nhà nước cần được nâng cao. Các đơn vị có chức năng đào tạo, bồi dưỡng cần được khuyến khích, tạo điều kiện trong việc mở các khóa bồi dưỡng, kiểm tra đánh giá kết quả và cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành thẩm định giá, cũng như các khóa cập nhật kiến thức cho cán bộ, công chức theo quy định. Đồng thời, hằng năm, Bộ Tài chính cần chủ động tổ chức các hội thảo, hội nghị trong nước, đoàn khảo sát… để học tập kinh nghiệm nước ngoài về quản lý giá nói chung và thẩm định giá nói riêng.
Công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thẩm định giá và cải cách công tác tổ chức kỳ thi cấp Thẻ thẩm định viên về giá cần được đẩy mạnh. Tài liệu đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành thẩm định giá cần được nghiên cứu tái bản, trong đó cập nhật những nội dung mới phù hợp với các quy định hiện hành. Đồng thời, biên soạn tài liệu Sổ tay hướng dẫn thực hành thẩm định giá, trong đó trình bày những tình huống thẩm định giá cụ thể đối với thẩm định giá một số loại tài sản phổ biến. Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng về thẩm định giá theo hướng thực hành nghề nghiệp cần được khuyến khích. Việc đánh giá kết quả đào tạo, bồi dưỡng có thể thực hiện qua các báo cáo kết quả thực tế thẩm định giá tài sản cụ thể.
Việt Nam cần đẩy mạnh việc triển khai Dự án “Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về giá giai đoạn 2” và thực hiện kết nối với các bộ,ngành, cũng như triển khai tới tất cả 63 địa phương và khoảng 250 doanh nghiệp thẩm định giá. Trong đó, việc xây dựng cơ sở dữ liệu mang tính bắt buộc như là một trong những điều kiện hoạt động hành nghề của các doanh nghiệp thẩm định giá. Quan hệ hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước để phát triển các cấu phần liên quan đến cơ sở dữ liệu quốc gia về giá cần được đẩy mạnh hơn nữa.
Vai trò thành viên của Việt Nam trong các tổ chức nghề nghiệp về thẩm định giá quốc tế mà Việt Nam tham gia cần được tăng cường, đặc biệt là Hiệp hội thẩm định giá các nước ASEAN và Hội đồng Tiêu chuẩn thẩm định giá quốc tế. Các thẩm định viên, doanh nghiệp thẩm định giá, các giảng viên thẩm định giá trong nước cần được khuyến khích tham gia thường xuyên vào các diễn đàn, hội nghị, hội thảo về thẩm định giá trên thế giới để tăng cường trao đổi, học hỏi kinh nghiệm và nâng cao trình độ chuyên nghiệp hóa trong hoạt động thẩm định giá.
Hội Thẩm định giá Việt Nam cần được khuyến khích tham gia vào các hoạt động như: tham gia ý kiến đối với văn bản quy phạm, cập nhật tiêu chuẩn thẩm định giá quốc tế để xem xét ban hành hoặc bổ sung sửa đổi tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam; phối hợp tổ chức thi cấp thẻ thẩm định viên về giá, kiểm tra, đánh giá chất lượng hoạt động thẩm định giá và việc chấp hành các quy định của Nhà nước về thẩm định giá đối với doanh nghiệp thẩm định giá là hội viên; đào tạo, bồi dưỡng, phổ biến kiến thức về thẩm định giá…
Tổ chức hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và đánh giá chất lượng hoạt động thẩm định giá và việc chấp hành các quy định của Nhà nước về thẩm định giá
Hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và đánh giá chất lượng hoạt động thẩm định giá đang ngày càng có vị trí quan trọng trong hoạt động QLNN về thẩm định giá. Đây là một chức năng quản lý đặc biệt quan trong đối với một lĩnh vực kinh doanh có điều kiện và có tính chuyên môn nghiệp vụ sâu và phức tạp như hoạt động thẩm định giá. Vì vậy, việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chất lượng, nhất là công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và đánh giá chất lượng hoạt động thẩm định giá, đang là đòi hỏi, yêu cầu cấp thiết hiện nay
Tài liệu tham khảo
1. Bộ Tài chính (2014), Đề án “Nâng cao năng lực hoạt động thẩm định giá của Việt Nam giai đoạn 2013 – 2020”.
2. Nguyễn Anh Tuấn (2019), Hoàn thiện cơ chế QLNN về giá đối với xăng dầu ở Việt Nam, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ.
3. Nguyễn Anh Tuấn (2014), Hoàn thiện cơ chế QLNN về giá đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu do các doanh nghiệp có vị trí độc quyền, thống lĩnh thị trường sản xuất – kinh doanh, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ.
4. Cục Quản lý giá (2017), Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về thẩm định giá, Bộ Tài chính năm 2017, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ.
Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế tài chính Việt Nam số 1/2022
1 Quyết định số 623/QĐ-BTC ngày 28/3/2014 củaBộ Tài chính.
2 10 doanh nghiệp năm 2017, 3 doanh nghiệp năm 2018, 12 doanh nghiệp năm 2019, 3 doanh nghiệp năm 2020 và 7 doanh nghiệp năm 2021.
3 Năm 2013 cấp 331 thẻ, năm 2014 cấp 194 thẻ, năm 2015 cấp 221 thẻ, năm 2016 cấp 207 thẻ, năm 2017 cấp 240 thẻ, năm 2018 cấp 209 thẻ, năm 2019 cấp 244 thẻ.
4 Trong quá trình đào tạo đại học, các môn học nghiệp vụ có bao gồm cả thời gian thực hành và được các đơn vị thực hành/các doanh nghiệp thẩm định giá đánh giá bằng điểm số chung vào kết quả đào tạo đại học.
Nếu quý khách hàng có nhu cầu thẩm định giá Động sản, Bất động sản, giá trị doanh nghiệp, dự án đầu tư, tài sản vô hình, hoặc cần tư vấn thêm về lĩnh vực thẩm định giá thì hãy liên hệ với chúng tôi:
Điện thoại:0909.399.961. Zalo:0909.399.961
Email:[email protected].