Phân tích khả năng thanh toán ngắn hạn là xem xét tài sản của doanh nghiệp có đủ trang trải các khoản nợ phải trả trong ngắn hạn không?
1. Tỷ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn
Tỷ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn cho thấy doanh nghiệp có bao nhiêu tài sản có thể chuyển đổi thành tiền để đảm bảo thanh toán các khoản nợ ngắn hạn. Do đó, nó đo lường khả năng trả nợ của doanh nghiệp. Công thức tính:
Tỷ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn = TSLĐ và đầu tư ngắn hạn/Nợ ngắn hạn
Trong đó:
- Tài sản lưu động và đầu tư ngắn hạn bao gồm vốn bằng tiền như tiền mặt tồn quỹ, tiền gửi ngân hàng; các khoản thanh toán như các khoản phải thu, các khoản tạm ứng,.. các khoản hàng tồn kho như nguyên vật liệu, công cụ, sản phẩm dở dang, thành phẩm,..
- Nợ ngắn hạn là những khoản nợ phải trả trong một khoảng thời gian ngắn (thường là dưới 1 năm). Nó được trang trải bằng những tài sản lưu động có thể chuyển đổi thành tiền trong thời kỳ phù hợp với hạn nợ phải trả bao gồm các khoản vay ngắn hạn của ngân hàng hay các tổ chức khác, các khoản nợ dài hạn sắp đến hạn trả, các khoản phải trả người cung cấp, thuế chưa nộp cho ngân sách Nhà nước, các khoản phải trả cán bộ công nhân viên,..
Tiêu chuẩn đánh giá:
- Tỷ số này thường được chấp nhận ở mức: 1<Tỷ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn<4.
- Khi tỷ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn<1: doanh nghiệp đã sử dụng nợ ngắn hạn để tài trợ cho các loại tài sản cố định. Chiến lược tài trợ này đặt doanh nghiệp trước nguy cơ phá sản vì không có sự phù hợp về thời gian đáo hạn giữa nợ ngắn hạn và tài sản cố định.
- Thông thường tỷ số này là 2 là tốt nhất, tuy nhiên một số doanh nghiệp có tỷ số luân chuyển tài sản lưu động chỉ là >1, nhưng có thể hoạt động rất hiệu quả. Giữa 2 xí nghiệp mặc dù có tỷ số luân chuyển tài sản lưu động như nhau, nhưng điều kiện tài chính và tiến độ thanh toán các khoản nợ lại khác nhau, điều này phụ thuộc vào tài sản tồn kho.
Ý nghĩa:
- Khi giá trị của tỷ số này giảm: khả năng trả nợ của doanh nghiệp giảm và mức độ rủi ro khánh tận tài chính gia tăng. Tuy nhiên, khi tỷ số này có giá trị quá cao, có nghĩa là doanh nghiệp đã đầu tư quá nhiều vào tài sản lưu động; hay việc quản trị tài sản lưu động của doanh nghiệp không hiệu quả, vì có quá nhiều tiền mặt nhàn rỗi hay có quá nhiều nợ phải đòi,…
- Trong nhiều trường hợp tỷ số này phản ánh không chính xác khả năng thanh khoản, do nhiều hàng hóa tồn kho là những loại hàng khó bán nên doanh nghiệp rất khó biến chúng thành tiền để trả nợ.
Nhận xét:
- Tỷ số này của doanh nghiệp được chấp thuận hay không tùy thuộc vào sự so sánh với giá trị trung bình ngành của ngành mà doanh nghiệp đang kinh doanh.
- Đồng thời nó cũng được so sánh với các tỷ số này của doanh nghiệp trong những năm trước đó.
2. Tỷ số thanh toán nhanh
Để đánh giá khả năng thanh toán thì cần phải kết hợp sử dụng chỉ tiêu tỷ số thanh toán nhanh.
Tỷ số này cho biết khả năng thanh toán thực sự của doanh nghiệp và được tính toán dựa trên các tài sản lưu động có thể chuyển đổi nhanh thành tiền để đáp ứng những yêu cầu thanh toán cần thiết.Công thức tính:
Tỷ số thanh toán nhanh = (TSLĐ và đầu tư ngắn hạn – Hàng hóa tồn kho) /Nợ ngắn hạn
Trong đó:
- Tài sản lưu động bao gồm: tiền mặt, tiền gửi ngân hàng, các loại chứng khoán có khả năng chuyển đổi thành tiền nhanh và các khoản phải thu.
- Do các loại hàng hóa tồn kho có tính thanh khoản thấp bởi việc biến chúng thành tiền có thể mất khá nhiều thời gian nên không được tính vào tỷ số này.
Tiêu chuẩn đánh giá:
- Tỷ số này thường được chấp nhận ở mức: 1<Tỷ số thanh toán nhanh<2.
- Tỷ số này càng cao thì mức độ rủi ro khánh tận tài chính của doanh nghiệp càng thấp, song hiệu quả quản trị tài sản lưu động của doanh nghiệp cũng càng thấp.
- Thông thường, hệ số thanh toán nhanh >1 được xem là hợp lý.
Ý nghĩa: Tỷ số khả năng thanh toán nhanh là tiêu chuẩn đánh giá khắt khe hơn về khả năng thanh toán do nó không tính hàng tồn kho vì hàng tồn kho không phải là nguồn tiền mặt tức thời đáp ứng ngay cho việc thanh toán.
Liên hệ để được tư vấn về dịch vụ Thẩm Định Giá :
Điện thoại:0909.399.961. Zalo:0909.399.961
Email:[email protected].