Theo thông lệ khu vực và quốc tế, có 3 phương pháp thẩm định giá doanh nghiệp chủ yếu: phương pháp tài sản, phương pháp thu nhập, phương pháp so sánh thị trường. Trong mỗi phương pháp có nhiều kỹ thuật tính toán khác nhau.
- Phương pháp tài sản tiếp cận từ giá trị thị trường của tổng tài sản của doanh nghiệp vào thời điểm thẩm định giá;
- Phương pháp vốn hóa thu nhập tiếp cận từ thu nhập phát sinh trong tương lai của doanh nghiệp thẩm định giá được vốn hóa về thời điểm hiện tại;
- Phương pháp thị trường tiếp cận từ giá thị trường của các doanh nghiệp tương tự với doanh nghiệp thẩm định giá đã được bán trên thị trường vào thời điểm thẩm định giá.
1. Tiếp cận từ tổng tài sản của doanh nghiệp vào thời điểm thẩm định giá – Phương pháp dựa trên cơ sở tài sản
- Là phương pháp ước tính giá trị của doanh nghiệp dựa trên giá trị thị trường của tổng tài sản của doanh nghiệp.
- Phương pháp này cung cấp mức “giá sàn” để quyết định giá trị doanh nghiệp.
- Không phù hợp để thẩm định giá tài sản vô hình (sở hữu trí tuệ, bản quyền tác giả,…).
2. Tiếp cận từ thu nhập – Phương pháp vốn hóa thu nhập, phương pháp chiết khấu dòng cổ tức, phương pháp dòng tiền chiết khấu
Riêng cách tiếp cận từ thu nhập thì có sự khác nhau tùy theo đặc điểm hoạt động sản xuất kinh doanh riêng của từng doanh nghiệp mà áp dụng các phương pháp thẩm định giá thích hợp.
Dòng thu ròng:Dòng thu ròng là một thuật ngữ chung để chỉ các thu nhập khác nhau từ các đối tượng sở hữu nó. Cần nắm rõ khái niệm dòng thu ròng của doanh nghiệp để áp dụng phương pháp thẩm định giá phù hợp Có các dòng thu ròng chủ yếu sau được sử dụng trong thẩm định giá doanh nghiệp:
- Dòng thu nhập ròng: là lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp.
- Dòng cổ tức: là thu nhập mà cổ đông nhận được mỗi năm khi doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi (dùng lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp để chia cho cổ đông).
- Dòng tiền vốn chủ sở hữu: là dòng tiền còn lại sau khi đã trừ toàn bộ chi phí, thuế, lãi vay, nợ vay và trang trải các khoản chi vốn đầu tư cho sự tăng trưởng trong tương lai
- Dòng tiền thuần của công ty là tổng dòng tiền của tất cả những người có quyền đối với tài sản của công ty, bao gồm các cổ đông, các trái chủ, và các cổ đông cổ phiếu ưu đãi.
Trường hợp áp dụng :Tuỳ theo đặc điểm riêng của từng doanh nghiệp mà áp dụng phương pháp thẩm định giá khác nhau: phương pháp vốn hóa thu nhập, phương pháp chiết khấu dòng cổ tức, phương pháp dòng tiền chiết khấu.
Phương pháp vốn hóa thu nhập chỉ áp dụng được đối với các doanh nghiệp được giả định là tồn tại vĩnh viễn trong tương lai, không có dự định đóng cửa hay ngừng hoạt động trong thời gian sắp tới. Nghĩa là trong tương lai, doanh nghiệp có khả năng tạo ra một dòng thu nhập vĩnh viễn.
Với phương pháp vốn hóa thu nhập giả định rằng doanh nghiệp tạo ra được một khoản thu nhập ròng là ổn định, không tính đến yếu tố lạm phát.
Phương pháp này có ưu điểm là đơn giản, dễ sử dụng, có thể ước tính giá trị doanh nghiệp nhanh; tuy nhiên phương pháp này không tính đến yếu tố lạm phát, nhưng trong thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp còn bị tác động bởi rất nhiều yếu tố như lạm phát, rủi ro, điều này khiến cho dòng thu nhập của doanh nghiệp không thể ổn định trong tương lai.
Với ý nghĩa đó, phương pháp vốn hóa thu nhập không áp dụng được khi thẩm định giá doanh nghiệp có dòng thu nhập là không ổn định, thay đổi qua các năm và có lạm phát.
Do đó, phương pháp dòng tiền chiết khấu là phương pháp mở rộng của phương pháp vốn hóa thu nhập, được áp dụng để thẩm định giá doanh nghiệp có dòng thu không ổn định, thay đổi qua các năm và có tính đến yếu tố lạm phát. Dòng tiền ròng của doanh nghiệp gồm có: thu nhập ròng, khấu hao và chênh lệch vốn lưu động.
Tỷ suất chiết khấu
Khi áp dụng các phương pháp trên ( vốn hóa thu nhập, dòng tiền chiết khấu, chiết khấu dòng cổ tức) đều phải dùng kỹ thuật chiết khấu để hiện giá dòng thu ròng về thời điểm hiện tại bằng tỷ suất chiết khấu.
Với ý nghĩa đó, khi thẩm định giá doanh nghiệp bằng cách chiết khấu các dòng thu khác nhau trên thì phải sử dụng các tỷ suất chiết khấu phù hợp với dòng thu đó.
3. Tiếp cận từ thị trường – Phương pháp thị trường
Phương pháp so sánh thị trường là cách ước tính giá trị của một doanh nghiệp, các lợi ích về quyền sở hữu, hay chứng khoán bằng cách sử dụng một hay nhiều phương pháp, trong đó so sánh giá trị của đối tượng cần thẩm định với các doanh nghiệp, các lợi ích về quyền sở hữu, hay chứng khoán tương tự đã được bán trên thị trường.
4. Kết luận
Mỗi phương pháp trong ba phương pháp thẩm định giá doanh nghiệp có những ưu nhược điểm khác nhau, thẩm định viên cần tiến hành áp dụng đồng thời ít nhất 2 phương pháp trong thẩm định giá một doanh nghiệp, từ đó có các mức giá chỉ dẫn để tìm ra mức giá cuối cùng của doanh nghiệp cần thẩm định.
Liên hệ để được tư vấn về dịch vụ Thẩm Định Giá :
Điện thoại:0909.399.961. Zalo:0909.399.961
Email:[email protected].