(TDGTS – Xác định giá trị tài sản vô hình) – Xác định giá trị tài sản vô hình là xác định giá trị bằng tiền của các loại tài sản vô hình theo quy định của pháp luật phù hợp với giá trị thị trường tại một địa điểm, thời điểm nhất định bằng các phương pháp thẩm định giá phục vụ cho mục đích nhất định theo tiêu chuẩn thẩm định giá. Xác định giá trị tài sản vô hình có vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin về giá trị tài sản vô hình làm cơ sở cho các giao dịch kinh tế, các hoạt động có liên quan. Với xu thế sử dụng tài sản vô hình làm động lực chính để phát triển doanh nghiệp nói riêng cũng như các nền kinh tế nói chung, vai trò thẩm định giá tài sản vô hình ngày càng được chú trọng. Vì vậy xác định giá trị tài sản vô hình đã trở nên vô cùng cần thiết giúp cho các cơ quan Nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có có những quyết định chính xác trong việc đầu tư, kinh doanh và mua bán tài sản vô hình minh bạch trên thị trường.
1. Khái niệm tài sản vô hình
Tài sản vô hình theo Tiêu chuẩn thẩm định giá số 13: là tài sản không có hình thái vật chất và có khả năng tạo ra các quyền, lợi ích kinh tế và phải thỏa mãn đồng thời các điều kiện sau:
- Không có hình thái vật chất; tuy nhiên một số tài sản vô hình có thể chứa đựng trong hoặc trên thực thể vật chất, nhưng giá trị của thực thể vật chất là không đáng kể so với giá trị tài sản vô hình;
- Có thể nhận biết được và có bằng chứng hữu hình về sự tồn tại của tài sản vô hình (ví dụ: hợp đồng, bằng chứng nhận, hồ sơ đăng ký, đĩa mềm máy tính, danh sách khách hàng, báo cáo tài chính, v.v.);
- Có khả năng tạo thu nhập cho người có quyền sở hữu;
- Giá trị của tài sản vô hình có thể định lượng được.
Theo tiêu chuẩn thẩm định giá quốc tế (IVS 2013) tài sản vô hình là tài sản phi tiền tệ, tự biểu lộ thông qua các đặc điểm kinh tế của chúng. Tài sản vô hình không có hình thái vật chất nhưng mang lại quyền và lợi ích kinh tế cho người sở hữu nó. Tài sản vô hình bao gồm loại có thể nhận biết được và loại không thể nhận biết được (hay còn gọi là “ Goodwill”). Cũng theo IVS 2013, “Goodwill” bao gồm bất kỳ lợi ích kinh tế trong tương lai nào phát sinh từ một doanh nghiệp, một lợi ích trong doanh nghiệp, hoặc từ việc sử dụng một nhóm các tài sản, mà lợi ích kinh tế này không thể tách biệt được. Các khái niệm trên được chấp nhận rộng rãi tại nhiều Tiêu chuẩn thẩm định giá khác.
Chuẩn mực kế toán quốc tế số 38 (IAS 38) đưa ra khái niệm tài sản vô hình là tài sản phi tiền tệ có thể nhận biết được và không có hình thái vật chất. Trong đó, tài sản vô hình có thể nhận biết được nếu có thể tách biệt được với thực thể, hoặc là tài sản vô hình nảy sinh từ quyền hợp đồng hoặc các quyền khác theo pháp luật.
Tiêu chuẩn thống nhất về hành nghề thẩm định giá chuyên nghiệp (USPAP) của Appraisal Foundation đưa ra khái niệm tài sản vô hình theo hình thức liệt kê như sau: “ Tài sản vô hình là tài sản không có hình thái vật chất, bao gồm nhưng không giới hạn trong số các tài sản như sau: quyền thương mại (franchises), nhãn hiệu, sáng chế, “goodwill”, cổ phần, cổ phiếu và hợp đồng được tách biệt khỏi tài sản có hình thái vật chất như phương tiện, trang thiết bị”. Như vậy, khái niệm tài sản vô hình tại USPAP chỉ tập chung vào đặc điểm không có hình thái vật chất của tài sản vô hình mà không nhấn mạnh vào yếu tố “ phi tiền tệ”, đồng thời chấp nhận “ cổ phần, cổ phiếu”, là tài sản vô hình. Khái niệm này được sử dụng phổ biến tại Hoa Kỳ và Canada.
Theo Investopedia Tài sản vô hình là tài sản không thể nhìn thấy hoặc chạm vào, nhưng vẫn cung cấp giá trị cho chủ sở hữu. Mặc dù một tài sản vô hình là không thể cầm nắm được, có nghĩa là nó không có sự hiện diện vật lý, nó vẫn có thể cung cấp một giá trị xấp xỉ về mặt kinh tế.
2. Phân loại tài sản vô hình
Phân loại tài sản vô hình theo tiêu chuẩn thẩm định giá số 13 tài sản vô hình được phân loại thành 4 loại bao gồm: Tài sản trí tuệ, các quyền, các mối quan hệ và các nhóm tài sản vô hình khác.
(1). Tài sản trí tuệ là một loại đặc biệt của tài sản vô hình bởi nó được luật pháp bảo vệ khỏi việc sử dụng trái thẩm quyền cỉa người khác. Tài sản trí tuệ và quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ (nhãn hiệu, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, sáng chế, tên gọi xuất xứ, tên thương mại, bí mật kinh doanh, phát minh khoa học, sáng kiến, quyền tác giả, bản quyền);
(2). Mỗi doanh nghiệp đều có quyền của mình. Những quyền này có thể tồn tại theo những điều kiện của một hợp đồng dưới hình thức văn bản hay không văn bản, là giấy phép hoạt động do cơ quan có thẩm quyền cấp, các hợp đồng thuê mượn, hợp đồng cung ứng, hợp đồng phân phối, hợp đồng cung cấp, hoặc các thỏa thuận đặc quyền khác. Giá trị của “Quyền” phụ thuộc vào lợi ích tài chính mà các quyền đó mang lại. Quyền mang lại lợi ích kinh tế đối với các bên được quy định cụ thể tại hợp đồng dân sự theo quy định của pháp luật ví dụ như quyền thương mại, quyền khai thác khoáng sản,…;
(3). Các doanh nghiệp hiện này đều phải thiết lập mối quan hệ với các đơn vị, tổ chức, các chủ thể và các cá nhân bên ngoài khác. Mối quan hệ này không thể hiện bằng hợp đồng nhưng nó có vai trò vô cùng quan trọng đối với doanh nghiệp. Các mối quan hệ phi hợp đồng mang lại lợi ích kinh tế cho các bên, các mối quan hệ với khách hàng, nhà cung cấp, các tổ chức, cá nhân có tầm ảnh hưởng lớn tới sản xuất kinh doanh hoặc các chủ thể khác, ví dụ như danh sách khách hàng, cơ sở dữ liệu,…;
(4). Nhóm tài sản vô hình khác người ta thường gọi những tài sản này là “uy tín kinh doanh”, “thương hiệu” hay “lợi thế thương mại”. Những tài sản này hình thành là kết quả tổng hợp bởi các yếu tố như tên tuổi, tiếng tăm, sự bảo trợ khách hàng, địa điểm, sản phẩm và các yếu tố tương tự khác sinh ra các lợi thế kinh tế. Không có phương pháp đánh giá đáng tin cậy về sự đóng góp riêng biệt của từng yếu tố, nhưng có thể lượng hóa sự đóng góp chung của cả nhóm vào dòng tiền tăng thêm của doanh nghiệp một cách hợp lý. Các tài sản vô hình khác thỏa mãn điều kiện như: là tài sản không có hình thái vật chất và có khả năng tạo ra các quyền, lợi ích kinh tế…
3. Vai trò xác định giá trị tài sản vô hình
Trong hoạt động mua bán, chuyển nhượng tài sản vô hình, xác định giá trị tài sản vô hình có vai trò quan trọng trong việc xác định mức giá để các bên thương lượng. Giá trị xác định của tài sản vô hình có thể là mức giá tối đa mà người mua nên trả hoặc mức giá hợp lý mà người bán đưa ra để thương lượng.
Tài sản vô hình chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá trị của doanh nghiệp vì vậy khi mua bán, sáp nhập doanh nghiệp, việc xác định giá trị tài sản vô hình để làm cơ sở thương lượng, giao dịch rất quan trọng.
Nhìn chung tài sản vô hình có vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin về giá trị tài sản vô hình để làm cơ sở cho các giao dịch kinh tế, các hoạt động có liên quan.
Đối với doanh nghiệp vai trò của tài sản vô hình có ý nghĩa rất quan trọng trong sự nhận diện phát triển doanh nghiệp. Bởi vì doanh nghiệp trong thời đại giá trị doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào tài sản trí tuệ. Đặc biệt trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
- Tài sản vô hình nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và góp phần quan trọng trong việc tạo dựng hình ảnh doanh nghiệp, thu hút được sự quan tâm của khách hàng, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, dịch vụ cũng như mở rộng thị phần của doanh nghiệp.
- Tài sản vô hình làm tăng giá trị doanh nghiệp góp phần tạo nên thành công của doanh nghiệp do sự phất triển của việc ứng dụng công nghệ, phần mềm, sử dụng lao động kỹ thuật cao,…cũng như các quy định chặt chẽ về sở hữu trí tuệ
- Tài sản vô hình là nguồn lực quan trọng trong sản xuất, kinh doanh cũng như phát triển kinh tế, thu hút các khoản đầu tư từ nước ngoài. Các nước càng phát triển thì tỷ trọng đầu tư vào các nguồn lực vô hình càng có xu hướng chiếm ưu thế so với các khoản đầu tư vào các nguồn lực hữu hình.
4. Mục đích xác định giá trị tài sản vô hình
Mục đích xác định giá trị tài sản vô hình phản ánh nhu cầu sử dụng tài sản vô hình cho một công việc nhất định. Mục đích của xác định giá tài sản vô hình quyết định đến mục đích sử dụng tài sản vô hình vào việc gì. Nó phản ánh những đòi hỏi vè mặt lợi ích mà tài sản vô hình cần tạo ra cho chủ thế trong mỗi công việc hay giao dịch được xác định. Trong nền kinh tế thị trường, mục đích xác định giá trị tài sản vô hình phục vụ nhiều mục đích khác nhau:
Xác định giá trị tài sản vô hình mua, bán, chuyển nhượng tài sản vô hình, cấp phép sử dụng tài sản vô hình
Xác định giá trị tài sản vô hình mua lại, sáp nhập, bán một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp
Cung cấp thông tin phục vụ cho việc quản lý doanh nghiệp
Thế chấp tài sản vô hình vay vốn ngân hàng
Xác định giá trị tài sản vô hình góp vốn, phân chia lợi nhuận, tranh chấp liên quan đến tài sản vô hình và tố tụng phá sản
Báo cáo thuế, báo cáo tài chính
Xác định giá trị tài sản vô hình phục vụ các mục đích khác theo quy định của pháp luật.
5. Phương pháp xác định giá trị tài sản vô hình
Các phương pháp xác định giá trị tài sản vô hình được tuân thủ theo tiêu chuẩn thẩm định giá số 13 bao gồm:Phương pháp so sánh thuộc các cách tiếp cận từ thị trường; Phương pháp chi phí tái tạo, phương pháp chi phí thay thế thuộc cách tiếp cận từ chi phí; Phương pháp Tiền sử dụng tài sản vô hình, phương pháp lợi nhuận vượt trội, phương pháp thu nhập tăng thêm thuộc cách tiếp cận từ thu nhập. Thẩm định viên cần phải căn cứ trên cơ sở từng loại tài sản vô hình, mục đích xác định giá trị, hồ sơ pháp lý, tài liệu thông tin thu thập được từ đó thẩm định viên đưa ra phương pháp xác định giá trị tài sản vô hình phù hợp.
5.1. Phương pháp so sánh
Xác định giá trị tài sản vô hình bằng phương pháp so sánh thuộc cách tiếp cận từ thị trường. Giá trị của tài sản vô hình cần thẩm định giá được xác định căn cứ vào việc so sánh, phân tích thông tin của các tài sản vô hình tương tự có giá giao dịch trên thị trường.
Lựa chọn và phân tích chi tiết đặc điểm, tính tương đồng của tài sản vô hình so sánh với tài sản vô hình cần thẩm định giá, cụ thể:
- Các quyền liên quan đến sở hữu tài sản vô hình;
- Các điều khoản về tài chính liên quan đến việc mua bán, hoặc chuyển giao quyền sử dụng;
- Lĩnh vực ngành nghề mà tài sản vô hình đang được sử dụng;
- Yếu tố địa lý, khu vực ảnh hưởng đến việc sử dụng tài sản vô hình;
- Các đặc điểm ảnh hưởng đến tuổi đời kinh tế còn lại của tài sản vô hình;
- Các đặc điểm khác của tài sản vô hình.
Giá trị của tài sản vô hình cần thẩm định giá được xác định căn cứ vào việc so sánh, phân tích thông tin của các tài sản vô hình tương tự có giá giao dịch trên thị trường. Lựa chọn và phân tích chi tiết đặc điểm, tính tương đồng của tài sản vô hình so sánh với tài sản vô hình cần thẩm định giá, cụ thể: Các quyền liên quan đến sở hữu tài sản vô hình; Các điều khoản về tài chính liên quan đến việc mua bán, hoặc chuyển giao quyền sử dụng; Lĩnh vực ngành nghề mà TSVH đang được sử dụng; Yếu tố địa lý, khu vực ảnh hưởng đến việc sử dụng tài sản vô hình; Các đặc điểm ảnh hưởng đến tuổi đời kinh tế còn lại của tài sản vô hình; Các đặc điểm khác của tài sản vô hình.
Thẩm định viên sử dụng ít nhất 03 tài sản vô hình tương tự để so sánh. Trường hợp chỉ thu thập được thông tin của 02 tài sản vô hình tương tự đã được giao dịch trên thị trường thì kết quả thẩm định giá từ cách tiếp cận thị trường chỉ được dùng để kiểm tra, đối chiếu với kết quả thẩm định giá có được từ cách tiếp cận khác.
5.2. Phương pháp chi phí tái tạo
Xác định giá trị tài sản vô hình bằng phương pháp phương pháp chi phí tái tạo là xác định giá trị của một tài sản vô hình thông qua việc tính toán chi phí tạo ra một tài sản khác tương đồng với tài sản vô hình cần thẩm định giá theo giá thị trường hiện hành. Phương pháp chi phí tái tạo thuộc cách tiếp cận từ chi phí.
Giá trị của Tài sản vô hình = Chi phí tái tạo – Giá trị hao mòn lũy kế + Lợi nhuận của nhà sản xuất
5.3. Phương pháp chi phí thay thế
Phương pháp chi phí thay thế xác định giá trị của một tài sản vô hình thông qua việc tính toán chi phí thay thế tài sản đó bằng một tài sản khác có chức năng, công dụng tương tự theo giá thị trường hiện hành. Phương pháp chi phí tái tạo thuộc cách tiếp cận từ chi phí
Giá trị của Tài sản vô hình = Chi phí thay thế – Giá trị hao mòn lũy kế + Lợi nhuận của nhà sản xuất
Khi xác định giá trị của tài sản vô hình theo phương pháp chi phí thay thế thẩm định viên cần xem xét các nội dung sau: Các đặc điểm khác nhau có thể đo lường được của tài sản thay thế và tài sản thẩm định; Thời điểm đánh giá các chi phí thay thế so với thời điểm thẩm định giá.
5.4. Phương pháp Tiền sử dụng tài sản vô hình
Giá trị của tài sản vô hình được tính toán trên cơ sở giá trị hiện tại của dòng tiền sử dụng tài sản vô hình mà tổ chức, cá nhân nhận được khi cho phép sử dụng tài sản vô hình. Phương pháp tiền sử dụng tài sản vô hình thuộc cách tiếp cận từ thu nhập.
Phương pháp này đặt ra giả định rằng tổ chức hoặc cá nhân không sở hữu tài sản vô hình phải trả tiền để sử dụng nó. Vì vậy, phương pháp này tính giá trị tài sản vô hình thông qua việc tính các khoản tiền sử dụng tài sản vô hình tiết kiệm được nếu tổ chức hoặc cá nhân đó sở hữu tài sản vô hình.
Phương pháp này được thực hiện bằng cách chiết khấu dòng tiền trong tương lai là khoản tiền sử dụng tài sản vô hình tiết kiệm được đã trừ thuế (nếu có).
Việc tính toán dòng tiền sử dụng tài sản vô hình, thuế, chi phí duy trì và các khoản chi phí hỗ trợ khác phải nhất quán. Cụ thể, nếu tổ chức cá nhân sở hữu tài sản vô hình chịu trách nhiệm trả chi phí duy trì (ví dụ chi phí quảng cáo, hoặc chi phí nghiên cứu duy trì và phát triển), thì tiền sử dụng tài sản vô hình cũng như dòng tiền trả để được sử dụng tài sản vô hình cũng cần tính đến các chi phí này. Ngược lại, nếu chi phí duy trì không bao gồm trong tiền sử dụng tài sản vô hình, thì chi phí này cũng cần được loại bỏ khỏi dòng tiền trả để sử dụng tài sản vô hình.
5.5. Phương pháp lợi nhuận vượt trội
Phương pháp lợi nhuận vượt trội ước tính giá trị của tài sản vô hình trên cơ sở chênh lệch giữa các khoản lợi nhuận có được của một doanh nghiệp khi sử dụng và khi không sử dụng tài sản vô hình này. Phương pháp lợi nhuận vượt trội thuộc cách tiếp cận từ thu nhập.
Trong phương pháp lợi nhuận vượt trội, giá trị tài sản vô hình được ước tính trên cơ sở chênh lệch của giá trị hiện tại của hai dòng tiền chiết khấu trong trường hợp tài sản vô hình cần thẩm định giá được sử dụng để tạo ra thu nhập vượt trội cho chủ thể và trong trường hợp chủ thể không sử dụng tài sản vô hình cần thẩm định giá.
5.6. Phương pháp thu nhập tăng thêm
Phương pháp thu nhập tăng thêm xác định giá trị của tài sản vô hình thông qua giá trị hiện tại của các dòng tiền được cho là phát sinh từ đóng góp của tài sản vô hình cần thẩm định giá sau khi loại trừ tỷ lệ dòng tiền phát sinh từ đóng góp của các tài sản khác. Phương pháp thu nhập tăng thêm thuộc cách tiếp cận từ thu nhập.
Phương pháp thu nhập tăng thêm được thực hiện như sau:
– Ước tính các dòng tiền kỳ vọng được tạo ra do sử dụng tài sản vô hình cần thẩm định giá. Dòng tiền được tạo ra do sử dụng tài sản vô hình cần thẩm định giá được ước tính bằng cách giảm trừ khỏi dòng tiền kỳ vọng nói trên khoản đóng góp được tạo ra do sử dụng các tài sản hữu hình, tài sản tài chính và các tài sản vô hình khác với tài sản vô hình cần thẩm định (gọi chung là tài sản đóng góp).
Khoản đóng góp của tài sản đóng góp là khoản thu nhập hợp lý được tạo ra bởi tài sản đóng góp, bao gồm phần lợi nhuận từ tài sản đóng góp và phần bù đắp cho khoản đầu tư ban đầu do sự giảm giá trị của tài sản theo thời gian. Khoản thu nhập hợp lý cho tài sản đóng góp được tính thông qua các bước:
- Bước 1: xác định những tài sản có đóng góp vào dòng tiền thu nhập;
- Bước 2: ước tính giá trị của những tài sản đóng góp này;
- Bước 3: xác định thu nhập của tài sản đóng góp trên cơ sở tỷ suất lợi nhuận hợp lý và giá trị của các tài sản đóng góp.
– Phần còn lại của dòng tiền kỳ vọng sau khi giảm trừ khoản đóng góp được tạo ra do sử dụng các tài sản đóng góp được chiết khấu về giá trị hiện tại. Tổng giá trị hiện tại của dòng tiền đã điều chỉnh này là giá trị của tài sản vô hình cần thẩm định giá.
Khi tiến hành xác định giá trị tài sản vô hình, thẩm định viên có thể lựa chọn thông tin thu thập đảm bảo tính chính xác của kết quả thẩm định giá từ đó áp dụng các cách tiếp cận và phương pháp thẩm định giá phù hợp với từng loại tài sản vô hình
Chi tiết về dịch vụ xin liên hệ:
CÔNG TY TNHH ĐỊNH GIÁ BẾN THÀNH – HÀ NỘI.
Trụ sở chính: Số 236 đường Cao Thắng, phường 12, quận 10, thành phố Hồ Chí Minh.
Văn phòng: 781/C2 Lê Hồng Phong, phường 12, quận 10, thành phố Hồ Chí Minh.
Mã số thuế: 0314521370.
Điện thoại: (028) 2200 2060 – 0909.399.961.
Email: [email protected].
Website: //thamdinh.com.vn
Thẩm định giá bất động sản
Thẩm định giá động Sản
Thẩm định giá máy móc thiết bị
Thẩm định dự án đầu tư
Thẩm định giá tri doanh nghiệp
Thẩm Định Giá tài sản vô hình
Thẩm định giá dự toán gói thầu
Thẩm Định Giá Dự toán, dự án xây dựng
Thẩm định giá trang thiết bị y tế
Thẩm định giá Xử lý nợ
Thẩm định giá nhà xưởng
Thẩm định giá đầu tư
Thẩm định giá tài chính định cư
Thẩm định giá tài chính du lịch
Thẩm định giá tài chính du học