– Đơn vị chủ trì: Cục Quản lý giá
– Chủ nhiệm nhiệm vụ: CN. Vũ Thị Minh Thu – ThS. Dương Lan Anh
– Năm giao nhiệm vụ: 2016 Mã số: 2016 – 53
1. Tính cấp thiết của vấn đề nghiên cứu
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, nhu cầu về thẩm định giá tài sản ngày càng lớn, đặt ra yêu cầu phải đưa thẩm định giá tài sản trở thành một nghề – một loại hoạt động dịch vụ tư vấn mang tính chuyên nghiệp, độc lập, khách quan – góp phần bảo đảm lợi ích chính đáng của các bên tham gia thị trường. Việc trở thành thành viên của Hiệp hội Thẩm định giá các nước ASEAN (AVA) và Hội đồng Tiêu chuẩn thẩm định giá (IVSC) đã giúp Việt Nam mở rộng quan hệ với các nước có ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực thẩm định giá như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Brazil… đồng thời tạo ra nhiều cơ hội hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thẩm định giá. Trong bối cảnh đó, việc tạo dựng một hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch về thẩm định giá nhằm thúc đẩy sự phát triển nghề của thẩm định giá một cách đồng bộ, có sự quản lý định hướng của Nhà nước đã trở thành nhiệm vụ trọng tâm của cơ quan quản lý nhà nước.
Luật Giá năm 2012 và các văn bản hướng dẫn được ban hành đã tạo khung pháp lý về thẩm định giá tương đối hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và phù hợp với xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Tuy nhiên, thực tiễn trong 4 năm triển khai, các quy định của pháp luật về thẩm định giá cũng bộc lộ những bất cập, vướng mắc, đặt ra yêu cầu cần phải sửa đổi, hoàn thiện. Do đó, việc nghiên cứu đề tài “Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về thẩm định giá” nhằm đánh giá, tổng kết những tác động của hệ thống pháp luật hiện hành đối với hoạt động thẩm định giá, kiến nghị các giải pháp khắc phục những hạn chế, tồn tại, qua đó tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp lý về thẩm định giá, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước theo tinh thần Kết luận số 01-KL/TW ngày 04/4/2016 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.
2. Mục tiêu nghiên cứu
(i) Nghiên cứu làm rõ các luận cứ khoa học và thực tiễn liên quan đến hệ thống pháp luật về thẩm định giá; (ii) Phân tích, đánh giá thực trạng áp dụng hệ thống pháp luật về thẩm định giá tại Việt Nam; (iii) Đề xuất các giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật về thẩm định giá phù hợp hơn với tình hình thực tiễn hoạt động thẩm định giá trong nước và tiêu chuẩn thẩm định giá quốc tế.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu: Hệ thống pháp luật về thẩm định giá tại Việt Nam.
Phạm vi nghiên cứu: Hệ thống pháp luật về thẩm định giá tại Việt Nam từ sau khi Luật Giá 2012 được ban hành cho đến năm 2017 và định hướng hoàn thiện trong giai đoạn tới.
4. Kết quả nghiên cứu
(1) Đề tài đã phân tích, hệ thống hóa một số vấn đề cơ sở lý luận về hệ thống pháp luật về thẩm định giá và nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về thẩm định giá, chỉ ra 2 mô hình quản lý và hoạt động thẩm định giá chính được áp dụng: (i) Nhóm hoạt động thẩm định giá do cơ quan nhà nước ban hành quy định và quản lý, giám sát hoạt động (Malaysia, Indonesia, Nhật Bản, New Zealand); (2) Nhóm hoạt động thẩm định giá một phần do Nhà nước ban hành quy định, giám sát hoặc xử lý vi phạm, một phần do hiệp hội nghề nghiệp thực hiện (chủ yếu là tổ chức thi và đào tạo thẩm định giá, ban hành tiêu chuẩn thẩm định giá) nhưng vẫn nằm dưới sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước (Hoa Kỳ) và có nước hoàn toàn không có bất kỳ sự can thiệp, luật định nào của Nhà nước trong lĩnh vực ngành nghề thẩm định giá do lịch sử hình thành và phát triển hàng trăm năm (Thụy Điển).
(2) Đề tài đã nghiên cứu, phân tích thực trạng áp dụng hệ thống pháp luật về thẩm định giá, theo đó việc ban hành Luật Giá và các văn bản hướng dẫn, trong đó có các tiêu chuẩn thẩm định giá đã: (i) Hoàn thiện môi trường pháp lý về thẩm định giá, về cơ bản, phù hợp với nguyên tắc quản lý giá chung hiện nay – cơ chế giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước, phù hợp với thông lệ quốc tế và khu vực; đáp ứng được nhu cầu của xã hội; (ii) Nâng cao hiệu quả quản lý của Nhà nước đối với lĩnh vực thẩm định giá, đảm bảo hoạt động thẩm định giá đạt được các mục tiêu đề ra thông qua quản lý các điều kiện và tiêu chuẩn thẩm định viên về giá, các điều kiện thành lập và hoạt động của doanh nghiệp thẩm định giá, hệ thống tiêu chuẩn thẩm định giá… (iii) Hướng các doanh nghiệp thẩm định giá và các thẩm định viên về giá hoạt động có tính pháp lý và lành mạnh hơn; xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm nghề nghiệp, ngăn ngừa những rủi ro nghề nghiệp; (iv) Góp phần đảm bảo nghiệp vụ thẩm định giá đạt được những kết quả khách quan, có độ tin cậy; khắc phục được sự vận dụng tùy tiện, chủ quan trong hoạt động thẩm định giá; (v) Góp phần minh bạch hóa thị trường tài sản và giữ được uy tín với khách hàng; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng, các nhà đầu tư và các bên liên quan; giảm cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp thẩm định giá…
Đồng thời, đề tài nêu lên những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về thẩm định giá và quản lý nhà nước về thẩm định giá trên các khía cạnh: Quản lý kinh doanh dịch vụ thẩm định giá và hành nghề thẩm định giá; hướng dẫn hành nghề thẩm định giá; kiểm soát chất lượng hoạt động thẩm định giá; đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành thẩm định giá; hội nhập quốc tế trong lĩnh vực thẩm định giá; thẩm định giá ở pháp luật chuyên ngành.
Thẩm định giá bất động sản
Thẩm định giá động Sản
Thẩm định dự án đầu tư
Thẩm định giá tri doanh nghiệp
Thẩm Định Giá tài sản vô hình
Thẩm Định Giá mua sắm công
Qua phân tích, đề tài đã chỉ rõ nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế chủ yếu: (i) Quy định của pháp luật về thẩm định giá hiện hành còn có nội dung chưa phù hợp với thực tiễn áp dụng, hoặc chưa được đầy đủ. Các văn bản quy phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thẩm định giá còn chưa có quy định cụ thể về một số hành vi vi phạm quy định về thẩm định giá, chưa có chế tài xử phạt, hoặc chế tài xử phạt còn thiếu tính khả thi, dẫn đến một số trường hợp không thể tiến hành xử phạt vi phạm hành chính; hoặc chưa đủ để răn đe, ngăn ngừa các hành vi vi phạm; (ii) Quy định của pháp luật chuyên ngành về thẩm định giá chưa đi sâu hướng dẫn các tiêu chuẩn làm căn cứ cho các định giá viên, thẩm định viên xác định giá các tài sản. Quy định về sử dụng kết quả thẩm định giá ở pháp luật chuyên ngành cũng chưa thống nhất với quy định của Luật Giá. Một số hướng dẫn về xác định giá tài sản do các bộ, ngành địa phương ban hành không dựa trên nguyên tắc về thẩm định giá, mẫu thuẫn với lý thuyết chung về thẩm định giá trên cơ sở hình thành giá trị thị trường hoặc phi thị trường; (iii) Những vấn đề bất cập, hạn chế liên quan đến các doanh nghiệp thẩm định giá và các thẩm định viên: Một số doanh nghiệp chưa chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về thẩm định giá trong quá trình hoạt động cung cấp dịch vụ thẩm định giá, như chậm nộp và không nộp báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh dịch vụ thẩm định giá; chưa thực hiện báo cáo thông tin đối với những thay đổi của doanh nghiệp theo quy định; chưa tuân thủ các hướng dẫn tại các tiêu chuẩn thẩm định giá trong quá trình thẩm định giá tài sản. Số lượng công ty thẩm định giá được thành lập mới tăng nhanh, làm tăng áp lực cạnh tranh về giá và chất lượng dịch vụ thẩm định giá trên thị trường, thậm chí phát sinh cạnh tranh không lành mạnh thông qua các hình thức giảm giá dịch vụ, giảm thời gian phát hành chứng thư làm ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ thẩm định giá… Số lượng thẩm định viên về giá tăng, tuy nhiên chất lượng nghiệp vụ, năng lực chuyên môn chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu về chất của nhân sự tại các các doanh nghiệp thẩm định giá; (iv) Hệ thống cơ sở dữ liệu về giá vẫn đang trong quá trình xây dựng nên thẩm định viên gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận thông tin về giá của các tài sản đặc thù, ảnh hưởng đến việc lựa chọn cũng như tiến hành các phương pháp thẩm định giá và kết quả thẩm định giá.
(3) Đề tài đưa ra một số giải pháp, kiến nghị hoàn thiện khung pháp lý về thẩm định giá, hướng tới mục tiêu chung là hoàn thiện các văn bản pháp luật về thẩm định giá và Hệ thống tiêu chuẩn thẩm định giá nhằm tạo môi trường pháp lý phù hợp hơn với tình hình thực tiễn hoạt động thẩm định giá trong nước và tiêu chuẩn thẩm định giá quốc tế. Các giải pháp tập trung chủ yếu vào việc: (i) Xây dựng cơ chế, chính sách về thẩm định giá, như sửa đổi, bổ sung các quy định tại Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giá về thẩm định giá và các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thẩm định giá; hoàn thiện Hệ thống tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam; ban hành tiêu chuẩn thẩm định giá trị doanh nghiệp; (ii) Sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật chuyên ngành liên quan đến thẩm định giá, cụ thể là quy định về định giá đất, xác định giá trị doanh nghiệp, thẩm định giá tài sản trong thi hành án dân sự; (iii) Tăng cường hội nhập quốc tế trong lĩnh vực thẩm định giá; (iv) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về thẩm định giá; (v) Hỗ trợ việc triển khai các giải pháp chính đạt được hiệu quả cao nhất thông qua việc tiếp tục nâng cao vai trò của Hội thẩm định giá Việt Nam; đẩy mạnh cải cách thủ hành chính công; áp dụng công nghệ thông tin trong xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ cho hoạt động thẩm định giá.
Nếu quý khách hàng có nhu cầu thẩm định giá Động sản, Bất động sản, giá trị doanh nghiệp, dự án đầu tư, tài sản vô hình, hoặc cần tư vấn thêm về lĩnh vực thẩm định giá thì hãy liên hệ với chúng tôi:
Điện thoại:0909.399.961. Zalo:0909.399.961
Email:[email protected].