VCCI cho rằng, quy định khắt khe về điều kiện kinh doanh sẽ khiến nhiều DN buộc phải rút lui, ảnh hưởng đến tính cạnh tranh trong lĩnh vực thẩm định giá. Ảnh: Nhã Chi |
Việc sửa đổi, bổ sung các quy định để khắc phục tình trạng trên là cần thiết, nhưng cần quy định như thế nào cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, tránh áp đặt thêm điều kiện cho DN là câu chuyện đang có nhiều ý kiến trái chiều.
Bổ sung điều kiện hành nghề thẩm định giá
Một trong những nội dung gây tranh cãi tại Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 89/2013/NĐ-CP mà Bộ Tài chính đang đưa ra lấy ý kiến là việc bổ sung Điều 8b quy định về điều kiện của người đại diện theo pháp luật, giám đốc hoặc tổng giám đốc (NĐDPL/GĐ/TGĐ) của DN thẩm định giá. Cụ thể, NĐDPL/GĐ/TGĐ của DN thẩm định giá phải là thẩm định viên (TĐV) về giá đăng ký hành nghề tại DN theo quy định của Điều 39 Luật Giá; có ít nhất 3 năm (36 tháng) là TĐV về giá hành nghề và ký ít nhất 30 bộ chứng thư, báo cáo kết quả thẩm định giá.
Lý giải về quy định trên, Bộ Tài chính cho rằng, điều kiện đăng ký hành nghề của TĐV về giá là NĐDPL/GĐ/TGĐ của DN thẩm định giá hiện không có sự khác biệt với các TĐV về giá của DN. Thực tế đó dẫn đến TĐV mới được cấp thẻ TĐV về giá, chưa có kinh nghiệm, chưa xây dựng được uy tín với khách hàng nhưng đã đăng ký hành nghề thẩm định giá với tư cách NĐDPL/GĐ/TGĐ của DN. DN này thường cạnh tranh bằng cách hạ giá dịch vụ thay vì cạnh tranh lành mạnh bằng chất lượng dịch vụ. Thậm chí, đã có nhiều vụ việc thẩm định giá trong thi hành án, vay vốn ngân hàng… gây bức xúc trong dư luận và xã hội.
Quy định này, theo Bộ Tài chính, có thể làm tăng điều kiện kinh doanh đối với hoạt động kinh doanh thẩm định giá, nhưng rất cần thiết, nhất là đối với loại hình kinh doanh có điều kiện, có tính chuyên môn cao, kết quả tư vấn ảnh hưởng lớn đến quyền lợi và nghĩa vụ của khách hàng thẩm định giá.
Trong khi đó, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lại cho rằng, xét trên cả 3 phương diện, tính thống nhất, tính hợp lý và mục tiêu quản lý nhà nước, việc nâng cao điều kiện đối với NĐDPL/GĐ/TGĐ của DN là chưa phù hợp với Luật Giá, chưa thuyết phục và cần đánh giá kỹ hơn, tránh việc áp đặt thêm điều kiện cho DN. Quy định này khá khắt khe về điều kiện của NĐDPL/GĐ/TGĐ của DN và dự báo ít DN đáp ứng được điều kiện này. Điều này đồng nghĩa với việc thị trường thẩm định giá sẽ có nhiều DN buộc phải rút lui và có nguy cơ ảnh hưởng đến tính cạnh tranh.
Theo VCCI, Điều 37 Luật Giá nêu rõ, TĐV về giá “ký báo cáo kết quả thẩm định giá, chứng thư thẩm định giá và chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước NĐDPL/GĐ/TGĐ DN thẩm định giá về kết quả thẩm định giá”. Như vậy, chất lượng của báo cáo kết quả thẩm định giá, chứng thư thẩm định giá sẽ phụ thuộc vào TĐV về giá, chứ không phải NĐDPL/GĐ/TGĐ.
Muốn nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm tình trạng cạnh tranh không lành mạnh về giá dịch vụ thẩm định giá, VCCI đề xuất, cần phải thực hiện các giải pháp hậu kiểm, thông qua các hiệp hội nghề nghiệp…, chứ không nên áp đặt các điều kiện giảm cạnh tranh, tạo ra sự độc quyền.
Thêm 2 loại tài liệu chứng minh đủ điều kiện kinh doanh
Theo Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 89/2013/NĐ-CP, hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá của DN phải có thêm 2 loại tài liệu, gồm: Bản sao hợp đồng lao động làm việc và tài liệu chứng minh việc đóng bảo hiểm xã hội của các TĐV về giá hành nghề tại DN; tài liệu chứng minh NĐDPL/GĐ/TGĐ có ít nhất 3 năm (36 tháng) là TĐV về giá hành nghề và ký ít nhất 30 bộ chứng thư, báo cáo kết quả thẩm định giá.
Tuy nhiên, theo VCCI, việc yêu cầu DN phải cung cấp tài liệu chứng minh việc đóng bảo hiểm xã hội của các TĐV về giá hành nghề tại DN tại thời điểm xin giấy phép là chưa hợp lý. Bởi vì, tại thời điểm này người lao động chưa làm việc cho DN, vì vậy chưa đóng bảo hiểm xã hội, do đó không thể có loại tài liệu này. Ngoài ra, yêu cầu NĐDPL/GĐ/TGĐ phải cung cấp tài liệu chứng minh kinh nghiệm hành nghề và ký 30 bộ chứng thư, báo cáo kết quả thẩm định giá cũng chưa phù hợp với quy định tại Luật Giá về điều kiện của DN thẩm định giá. Hơn nữa, xét về tính minh bạch thì không rõ loại tài liệu này như thế nào thì chứng minh được NĐDPL/GĐ/TGĐ thỏa mãn điều kiện.
Nếu quý khách hàng có nhu cầu thẩm định giá Động sản, Bất động sản, giá trị doanh nghiệp, dự án đầu tư, tài sản vô hình, hoặc cần tư vấn thêm về lĩnh vực thẩm định giá thì hãy liên hệ với chúng tôi:
Điện thoại:0909.399.961. Zalo:0909.399.961
Email:[email protected].