Sản phẩm, thị trường, chiến lược kinh doanh, mạng lưới khách hàng và đối thủ cạnh tranh của doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định doanh thu của doanh nghiệp. Do đó, thẩm định viên cần đánh giá cẩn thận để có thể ước tính doanh thu chính xác, trên cơ sở đó có thể ước tính giá trị doanh nghiệp phù hợp.
SẢN PHẨM
Nếu doanh nghiệp kinh doanh nhiều sản phẩm, thẩm định viên cần đánh giá lần lượt từng sản phẩm, sau đó căn cứ vào mức độ đóng góp của mỗi sản phẩm đối với doanh nghiệp để xác định vị thế của doanh nghiệp trên thương trường.
Khi đánh giá sản phẩm của doanh nghiệp, cần đánh giá trên các mặt như: tầm quan trọng, chu kỳ đời sống, tiềm năng phát triển, chất lượng và uy tín của nhãn hiệu. Thông qua những đánh giá này, thẩm định viên có thể nhận thấy vị thế của doanh nghiệp thông qua sản phẩm.
THỊ TRƯỜNG
Đánh giá mạng lưới tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp tại thị trường trong nước, nước ngoài; từ đó đánh giá được thị phần, thị trường của doanh nghiệp trên thương trường trong nước và quốc tế. Đây là cơ sở để đánh giá sức mạnh thương hiệu của doanh nghiệp tác động đến thị trường như thế nào.
CHIẾN LƯỢC KINH DOANH
Muốn thành công trong kinh doanh, các doanh nghiệp cần có chiến lược kinh doanh cụ thể trong từng giai đoạn nhất định nhằm đạt được hiệu quả kinh doanh cao nhất. Vì vậy, các thẩm định viên cần đánh giá chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp, đây là cơ sở để hình thành giá trị của doanh nghiệp; đó là: chiến lược sản phẩm, chiến lược giá, chiến lược phân phối và chiến lược hỗ trợ bán hàng.
– Chất lượng sản phẩm là một trong những yếu tố tạo ra sự khác biệt về sản phẩm của doanh nghiệp này so với doanh nghiệp khác.
Sản phẩm có chất lượng cao sẽ thu hút người mua, qua đó giúp doanh nghiệp nâng cao uy tín và lợi thế cạnh tranh về chất lượng so với đối thủ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể mở rộng thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu. Đây là cơ sở để tăng doanh thu, tăng giá trị của doanh nghiệp.
– Chiến lược giá thể hiện qua việc: Duy trì các chính sách ưu giá đãi cho khách hàng lớn, quen thuộc của công ty; Tăng số lượng sản phẩm trong một lần mua cho khách hàng bằng cách áp dụng các hình thức giảm giá; Xây dựng chương trình khuyến mãi giảm giá thông qua bán tặng phẩm của công ty cho khách hàng. Đây là cơ sở để tăng doanh thu, tăng giá trị của doanh nghiệp.
– Chiến lược phân phối: Thẩm định viên cần phân tích chiến lược phân phối sản phẩm của doanh nghiệp để đánh giá sự tác động đến doanh thu hàng năm của doanh nghiệp như thế nào.
– Chiến lược hỗ trợ bán hàng: được thực hiện thông qua những hình thức như quảng cáo, chào hàng, tổ chức hội chợ, triển lãm, các hình thức khuyến mãi, tuyên truyền, cổ động và mở rộng quan hệ với công chúng….
Thẩm định viên cũng cần đánh giá chiến lược hỗ trợ bán hàng nhằm tăng doanh thu, trên cơ sở đó làm gia tăng giá trị của doanh nghiệp.
KHÁCH HÀNG
Thành công của một doanh nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào mối quan hệ của doanh nghiệp với khách hàng. Khi cạnh tranh trên thị trường diễn ra ngày càng găy gắt, thì việc thu hút và giữ chân khách hàng là rất khó khăn; do đó xây dựng mạng lưới khách hàng là việc rất quan trọng để có được những khách hàng trung thành của doanh nghiệp.
Cụ thể là để đánh giá mạng lưới khách hàng của doanh nghiệp, thẩm định viên cần dựa vào:
– Chiến lược thu hút khách hàng tiềm năng của doanh nghiệp:
Thẩm định viên cần đánh giá chiến lược khai thác khách hàng tiềm năng của doanh nghiệp như thế nào, với số lượng khách hàng, sự phân tán theo vùng, lợi tức tập quán mua hàng, môi trường văn hóa mà họ chịu ảnh hưởng. Việc đánh giá và phân loại khách hàng tiềm năng theo các tiêu chí về sở thích, thói quen, khả năng tài chính,… sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian trong việc chinh phục khách hàng.
– Chiến lược giữ khách hàng hiện tại:
Do chi phí của hoạt động thu hút khách hàng mới là rất lớn nên việc tập trung các nỗ lực tiếp thị để duy trì các khách hàng hiện tại là hết sức quan trọng. Việc giữ khách hàng hiện tại có hiệu quả hơn nhiều trong việc làm tăng doanh thu và lợi nhuận. Trên thực tế, chi phí để thu hút một khách hàng mới có thể gấp năm lần chi phí để giữ được một khách hàng hiện tại.
– Chiến lược kinh doanh gồm cả chiến lược tiếp thị, đào tạo và các dịch vụ mà doanh nghiệp cung ứng tới khách hàng.
Doanh nghiệp luôn đặt khách hàng ở vị trí trung tâm, quan tâm tới nhu cầu của khách hàng nhằm đạt được mục đích là duy trì mối quan hệ tốt với khách hàng nhằm đạt được lợi nhuận tối đa trong kinh doanh.
ĐỐI THỦ CẠNH TRANH
Đối thủ cạnh tranh là một tổ chức bất kỳ cung ứng, hay trong tương lai có thể cung ứng những sản phẩm và dịch vụ có mức độ lợi ích tương tự hay ưu việt hơn cho khách hàng.
Áp lực cạnh tranh đòi hỏi các doanh nghiệp phải tìm cách làm cho sản phẩm của mình khác với các đối thủ cạnh tranh. Những yếu tố tạo sự khác biệt là:
– Sản phẩm: đưa ra sản phẩm chất lượng cao hơn, bao bì đẹp hơn.
– Giá: định giá thấp hơn đối thủ, hoặc giảm giá.
– Hệ thống phân phối: ưu đãi cho những thành viên trong kênh phân phối cao hơn đối thủ.
– Quảng cáo và khuyến mãi.
– Phương thức chi trả thuận lợi hơn.
– Nhãn hiệu cùng với chất lượng sản phẩm đã được khách hàng tín nhiệm cũng sẽ giúp cho uy tín của doanh nghiệp tăng lên và đưa doanh nghiệp đạt đến vị thế cao hơn đối thủ.
Khi kinh doanh sản phẩm, các doanh nghiệp thường quan tâm rất nhiều đến nhãn hiệu sản phẩm, một nhãn hiệu ấn tượng sẽ góp phần không nhỏ cho sự thành công của sản phẩm, nó giúp phân biệt sản phẩm của doanh nghiệp với các đối thủ cạnh tranh khác và là công cụ để doanh nghiệp đạt được lợi thế cạnh tranh.
Người ta thường đề cập đến thuật ngữ tài sản nhãn hiệu là giá trị của một nhãn hiệu sản phẩm do uy tín của nhãn hiệu sản phẩm đó mang lại, nó được xem là một trong những dạng tài sản tiềm năng có giá trị cao và tạo điều kiện cho doanh nghiệp đạt lợi thế so với đối thủ cạnh tranh.
Liên hệ để được tư vấn về dịch vụ Thẩm Định Giá :
Điện thoại:0909.399.961. Zalo:0909.399.961
Email:[email protected].