Thủ tướng Phạm Minh Chính nói chủ trương bỏ khung giá đất và xây dựng cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường “là điểm mới đột phá”.
Sáng 21/7, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập các nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII.
Trình bày chuyên đề “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa đất nước trở thành nước phát triển có thu nhập cao” (Nghị quyết 18), Thủ tướng Phạm Minh Chính nói chủ trương bỏ khung giá đất đã được các cơ quan thống nhất sau khi thảo luận kỹ lưỡng “từ dưới lên trên, từ trên xuống dưới”.
Theo Nghị quyết Trung ương, cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường sẽ được xây dựng, trong đó quy định chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của cơ quan có nhiệm vụ xác định giá đất. Trung ương sẽ xây dựng tiêu chí và quy trình kiểm tra, giám sát các địa phương trong xây dựng bảng giá đất. HĐND cấp tỉnh quyết định và kiểm tra, giám sát việc thực hiện.
Trung ương cũng yêu cầu xây dựng cơ chế hữu hiệu để nâng cao chất lượng thẩm định giá đất, đảm bảo tính độc lập của hội đồng thẩm định và năng lực của tổ chức tư vấn xác định giá; năng lực và đạo đức của các định giá viên. Giá đất phải được công khai và mọi giao dịch thông qua sàn giao dịch, thanh toán qua ngân hàng, không dùng tiền mặt.
Theo Thủ tướng, vấn đề quan trọng để đảm bảo giá đất công khai, minh bạch, “cuối cùng vẫn là con người”. Các cơ quan cần sàng lọc kỹ khi chọn người tham gia xác định giá đất. Dù quản lý tốt, con người làm không tốt, tiêu cực, đưa vấn đề cá nhân vào thì “có cơ chế kiểm soát thế nào họ cũng tìm cách làm sai”.
“Quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang tại Nghị quyết nhằm nâng cao trách nhiệm của người dân trong sử dụng đất”, lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh.
Trung ương yêu cầuquy hoạch sử dụng đấtphải kết hợp giữa chỉ tiêu các loại đất gắn với không gian (trên không và dưới ngầm), phân vùng sử dụng đất, hệ sinh thái tự nhiên, thể hiện được thông tin đến từng thửa đất. Nhà nước sẽ đảm bảo đủ nguồn lực để lập quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất để hạn chế lạm dụng, tham nhũng, tiêu cực.
“Người xây dựng quy hoạch và tiếp nhận quy hoạch phải trong sáng. Khi quy hoạch, tránh việc nghĩ mảnh đất nào đẹp nhất thì làm bất động sản, trong khi không tạo ra công ăn việc làm”, Thủ tướng nói, yêu cầu các đơn vị lập quy hoạch có tầm nhìn chiến lược, “không thể lúc đầu giao cho đối tác này nhưng không làm được, khi đối tác khác đến tìm cách chạy chọt, lại thay đổi quy hoạch”.
Thủ tướng cho biết, khiếu kiện liên quan đến đất đai giai đoạn 2014-2020 thường chiếm 60-70% số vụ, việc hành chính, chủ yếu liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Việc chậm giải phóng mặt bằng khiến nhiều dự án lớn chậm tiến độ, đội vốn. Để khắc phục, Nghị quyết nêu rõ việc thu hồi đất chỉ được thực hiện sau khi phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được phê duyệt. Người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở đảm bảo cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.
Việc chuyển nhượng, thu hồi đất để làm nhà ở thương mại, khu đô thị sẽ thực hiện theo cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp. Theo ông Chính, giàu lên, nghèo đi, đoàn kết, mất đoàn kết, thậm chí sai phạm, tù tội cũng vì đất. Do đó, nếu chính sách về đất đai bám sát thực tiễn, đi vào thực tiễn thì sẽ có hiệu quả rất lớn. Ngược lại, nếu nghiên cứu không kỹ, vận dụng không đúng thì sẽ để lại hậu quả lớn.
Luật Đất đai 2013 quy định, Chính phủ ban hành khung giá đất định kỳ 5 năm một lần đối với từng loại đất, theo từng vùng. Trong thời gian thực hiện khung giá đất mà giá đất phổ biến trên thị trường tăng từ 20% trở lên so với giá tối đa hoặc giảm từ 20% trở lên so với giá tối thiểu trong khung giá đất thì Chính phủ điều chỉnh khung giá đất cho phù hợp.
Căn cứ khung giá đất, UBND cấp tỉnh xây dựng, trình HĐND thông qua bảng giá đất. Bảng giá đất được xây dựng định kỳ 5 năm một lần, công bố công khai vào ngày 1/1 của năm đầu kỳ. Bảng giá đất được sử dụng làm căn cứ tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất ở của hộ gia đình, cá nhân; tính thuế sử dụng đất; tính phí và lệ phí trong quản lý, sử dụng đất đai; tính tiền phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai; tính tiền bồi thường cho Nhà nước khi gây thiệt hại trong quản lý và sử dụng đất đai; tính giá trị quyền sử dụng đất để trả cho người tự nguyện trả lại đất cho Nhà nước.
Nếu quý khách hàng có nhu cầu thẩm định giá Động sản, Bất động sản, giá trị doanh nghiệp, dự án đầu tư, tài sản vô hình, hoặc cần tư vấn thêm về lĩnh vực thẩm định giá thì hãy liên hệ với chúng tôi:
Điện thoại:0909.399.961. Zalo:0909.399.961
Email:[email protected].