Ban soạn thảo Nghị định bổ sung điều kiện nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ thẩm định giá. Ảnh: Lê Tiên |
Giữ hay bỏ điều kiện với người đứng đầu DN thẩm định giá?
Về quy định bổ sung điều kiện của người đại diện theo pháp luật, giám đốc và tổng giám đốc (NĐDPL/GĐ/TGĐ) của DN thẩm định giá, vào cuối năm 2019, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có công văn góp ý gửi Bộ Tài chính, trong đó đề nghị bỏ quy định về NĐDPL/GĐ/TGĐ của DN thẩm định giá phải là thẩm định viên (TĐV) về giá đăng ký hành nghề tại DN theo quy định của Điều 39 Luật Giá; có ít nhất 3 năm là TĐV về giá hành nghề và ký ít nhất 30 bộ chứng thư và báo cáo kết quả thẩm định giá (CT và BCKQTĐG). Tuy nhiên, theo VCCI, tại Dự thảo Nghị định đang được Bộ Tư pháp thẩm định, ý kiến này vẫn chưa được tiếp thu hoàn toàn, Ban soạn thảo mới chỉ thu hẹp điều kiện của các chủ thể này, mà không loại bỏ toàn bộ các điều kiện được bổ sung mới.
Theo giải trình của Ban soạn thảo, lý do bổ sung điều kiện này là nhằm đảm bảo chất lượng của dịch vụ; hạn chế tình trạng cạnh tranh không lành mạnh về giá giữa các DN thẩm định giá; phù hợp với Luật Đầu tư 2014 khi xác định thẩm định giá là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Tuy nhiên, theo VCCI, thẩm định giá là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư, còn các điều kiện kinh doanh cụ thể lại quy định tại Luật Giá. Bên cạnh việc đảm bảo tính thống nhất với Luật Đầu tư, các quy định tại Dự thảo Nghị định còn phải phù hợp với quy định tại Luật Giá. Dự thảo Nghị định bổ sung điều kiện này là chưa phù hợp với Điều 39 Luật Giá. Cho dù vì lý do gì, các quy định của nghị định cũng không được vượt quá và/hoặc mâu thuẫn với luật.
Ngoài ra, cũng theo VCCI, lý do bổ sung điều kiện này chưa đủ thuyết phục để khẳng định đảm bảo chất lượng của dịch vụ thẩm định giá mà DN cung cấp. Theo quy định của pháp luật về giá, người chịu trách nhiệm đối với chất lượng của CT và BCKQTĐG là TĐV về giá hành nghề tại DN (Điểm c Khoản 2 Điều 37 Luật Giá).
Việc áp đặt điều kiện cho người đứng đầu DN thẩm định giá cũng không thể giải quyết vấn đề cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN. Thay vào đó, theo VCCI, cần thực hiện qua các công cụ quản lý khác như: Luật Cạnh tranh, hậu kiểm để xử phạt vi phạm hành chính nếu nhận thấy các vi phạm về hành chính của các DN thẩm định giá.
Đồng thuận với VCCI, ông Ngô Gia Cường – đại diện Công ty TNHH Thẩm định giá và Giám định Việt Nam cho rằng, nếu quy định bổ sung điều kiện nói trên để “đảm bảo chất lượng của dịch vụ cung cấp” sẽ đồng nghĩa với việc giám đốc DN phải can thiệp vào quá trình thực hiện từng hợp đồng theo quy trình thẩm định giá thì mới đảm bảo được “tính chính xác, trung thực, khách quan của kết quả thẩm định giá”. Thế nhưng, thực tế có những DN ký hàng nghìn hợp đồng tương ứng với hàng nghìn CT thẩm định giá. Do đó, quy định của Dự thảo Nghị định là không thể thực hiện được.
Bất cập điều kiện hành nghề của thẩm định viên về giá
Theo Dự thảo Nghị định, TĐV về giá, trừ TĐV về giá hành nghề là người đại diện theo pháp luật của DN, phải ký ít nhất 10 bộ CT và BCKQTĐG trong năm được thông báo hành nghề. Đến hết ngày 15/12 của năm hành nghề, nếu TĐV về giá đã hành nghề từ 6 tháng trong năm trở lên không ký đủ 10 bộ CT và BCKQTĐG trong năm, thì không được đăng ký hành nghề trong năm liền kề tiếp theo.
Theo VCCI, việc áp số lượng tối thiểu về CT và BCKQTĐG ký trong năm của TĐV về giá là biện pháp hành chính can thiệp trực tiếp vào thị trường. Bởi vì, Luật Giá quy định, một trong những điều kiện của DN thẩm định giá là phải có ít nhất 3 TĐV về giá đăng ký hành nghề tại DN. Vậy nếu theo quy định về số lượng tối thiểu số bộ CT và BCKQTĐG trong năm mà 1 TĐV về giá hành nghề tại DN phải ký kết, thì DN muốn duy trì điều kiện hoạt động phải có ít nhất 30 CT và BCKQTĐG được ký trong năm. Việc áp đặt điều kiện này vô hình trung dẫn tới hậu quả nhiều DN sẽ bị đình chỉ hoạt động vì không đáp ứng được điều kiện kinh doanh, do các TĐV về giá không ký đủ số CT và BCKQTĐG theo quy định.
VCCI còn cho rằng, quy định không ký đủ 10 bộ CT và BCKQTĐG trong năm thì “không được đăng ký hành nghề trong năm liền kề tiếp theo” là chưa đảm bảo tính thống nhất và minh bạch. Theo Dự thảo, đây không phải là trường hợp bị thu hồi thẻ TĐV về giá, nên TĐV về giá vẫn có thẻ nhưng lại không được hành nghề. Điều này chưa phù hợp với Điều 37 Luật Giá, vì TĐV về giá có quyền hành nghề khi đáp ứng đủ điều kiện và đã đăng ký hành nghề.
Nếu quý khách hàng có nhu cầu thẩm định giá Động sản, Bất động sản, giá trị doanh nghiệp, dự án đầu tư, tài sản vô hình, hoặc cần tư vấn thêm về lĩnh vực thẩm định giá thì hãy liên hệ với chúng tôi:
Điện thoại:0909.399.961. Zalo:0909.399.961
Email:[email protected].