“Môi trường kinh doanh là tổng hợp các yếu tố, các điều kiện có ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp”.
Môi trường kinh doanh được cấu thành từ những yếu tố khác nhau, thông thường được phân chia như sau:
– Môi trường bên ngoài bao gồm: môi trường vĩ mô và môi trường ngành (môi trường tác nghiệp).
– Môi trường bên trong bao gồm toàn bộ các quan hệ kinh tế, tổ chức, kỹ thuật nhàm bảo đảm cho doanh nghiệp kết hợp các yếu tố sản xuất để tạo ra sản phẩm đạt hiệu quả cao. Đó chính là tổng thể các yếu tố nội tại trong một doanh nghiệp nhất định.
Để đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, các thẩm định viên phải nhận biết một cách nhạy bén và dự báo đúng sự thay đổi của môi trường kinh doanh tác động đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
1. Môi trường vĩ mô
Các yếu tố môi trường vĩ mô bao gồm: các yếu tố kinh tế, yếu tố chính trị và luật pháp, yếu tố xã hội, yếu tố tự nhiên, yếu tố công nghệ. Nghiên cứu về môi trường vĩ mô nhằm đánh giá quy mô và tiềm năng thị trường của doanh nghiệp và sự tác động của các tác lực môi trường như chính trị, kinh tế, xã hội,… đối với doanh nghiệp.
- Môi trường kinh tế: Khi nền kinh tế phát triển tốt thì doanh nghiệp có xu hướng đi lên và nguợc lại khi kinh tế giảm sút thì doanh nghiệp đi xuống. Như vậy, nếu dự đoán được xu hướng phát triển của nền kinh tế, thì có thể dự báo được xu thế phát triển chung của doanh nghiệp. Thẩm định viên cần đánh giá môi trường kinh tế của doanh nghiệp dựa vào các yếu tố sau: tăng trưởng kinh tế; lãi suất; tỷ giá hối đoái; lạm phát.
- Môi trường chính trị pháp luật: Các yếu tố chính trị và luật pháp có ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp, bao gồm hệ thống các quan điểm, đường lối chính sách của chính phủ, hệ thống luật pháp hiện hành, xu hướng ngoại giao của chính phủ, những diễn biến chính trị trong nước, trong khu vực và trên toàn thế giới.
- Môi trường văn hóa xã hội: Các khía cạnh hình thành môi trường văn hóa – xã hội như: những quan niệm về đạo đức, thẩm mỹ, lối sống, về nghề nghiệp; những phong tục, tập quán, truyền thống; những quan tâm ưu tiên của xã hội; trình độ nhận thức, học vấn chung của xã hội…. có ảnh hưởng mạnh mẽ đến các họat động kinh doanh của doanh nghiệp.
- Môi trường tự nhiên: Các vấn đề ô nhiễm môi trường, sản phẩm kém chất lượng, lãng phí tài nguyên thiên nhiên cùng với nhu cầu ngày càng lớn đối với các nguồn lực có hạn khiến các doanh nghiệp phải thay đổi các quyết định và biện pháp hoạt động sản xuất kinh doanh.
- Môi trường công nghệ: Đây là một trong những yếu tố rất năng động, chứa đựng nhiều cơ hội và đe dọa đối với các doanh nghiệp. Những áp lực và đe dọa từ môi trường công nghệ là sự ra đời của công nghệ mới làm xuất hiện và tăng cường ưu thế cạnh tranh của các sản phẩm thay thế, đe dọa các sản phẩm truyền thống. Sự bùng nổ của công nghệ mới làm cho công nghệ hiện tại bị lỗi thời và tạo ra áp lực đòi hỏi các doanh nghiệp phải đổi mới công nghệ để tăng cường khả năng cạnh tranh.
Khi đánh giá môi trường ngành của doanh nghiệp, cần phân tích những nội dung: chu kỳ kinh doanh, triển vọng tăng trưởng của ngành, cạnh tranh trong ngành, áp lực cạnh tranh tiềm tàng.
- Chu kỳ kinh doanh: Nhìn chung, tình hình hoạt động của nhiều ngành thường hoàn toàn tương đồng với các chu kỳ kinh tế. Tuy nhiên, trong nhiều lĩnh vực cụ thể của một ngành có thể không hoàn toàn tương đồng với chu kỳ kinh tế. Do đó, khi đánh giá cần phân tích cụ thể từng lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp.
- Triển vọng tăng trưởng của ngành: Triển vọng tăng trưởng của một ngành có liên hệ chặt chẽ với chu kỳ kinh tế. Một ngành có triển vọng tăng trưởng mạnh có thể đem lại cho các doanh nghiệp trong ngành những cơ hội thuận lợi. Những cơ hội này thể hiện ở tiềm năng mở rộng thị trường, khả năng cải thiện vị thế tài chính của các doanh nghiệp,… Vì vậy, khi đánh giá môi trường ngành của doanh nghiệp, cần xem xét triển vọng của ngành trên cơ sở đánh giá chu kỳ của nền kinh tế và nhu cầu tiềm tàng của nền kinh tế đối với ngành mà doanh nghiệp đang hoạt động.
- Phân tích về cạnh tranh trong ngành: Tình hình cạnh tranh phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố và những yếu tố này cũng thay đổi tùy theo từng ngành. Đồng thời, sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp chủ yếu diễn ra trên hai phương diện là giá cả và chất lượng sản phẩm.
- Áp lực cạnh tranh tiềm tàng: Áp lực cạnh tranh tiềm tàng trong một ngành tùy thuộc vào mức độ khó khăn đối với các doanh nghiệp có khả năng gia nhập ngành đó để cạnh tranh với các doanh nghiệp hiện đang hoạt động trong ngành. Những khó khăn này được thể hiện qua những chi phí mà một doanh nghiệp phải chấp nhận khi gia nhập ngành
Liên hệ để được tư vấn về dịch vụ Thẩm Định Giá :
Điện thoại:0909.399.961. Zalo:0909.399.961
Email:[email protected].