1. Tỷ số nợ:
Công thức tính:
Tỷ số nợ = Nợ phải trả/Tổng tài sản
Trong đó:
- Tổng số nợ của doanh nghiệp bao gồm nợ ngắn hạn và nợ dài hạn tại thời điểm lập báo cáo tài chính.
- Tổng tài sản bao gồm tài sản lưu động và tài sản cố định.
Tiêu chuẩn đánh giá: Thông thường, tỷ lệ cơ cấu nợ chấp nhận được là vào khoảng 20% – 50%.
Ý nghĩa:
- Tỷ số này có giá trị càng cao: mức độ rủi ro phá sản của doanh nghiệp càng cao.
- Trên phương diện các chủ nợ: tỷ số này của doanh nghiệp càng cao thì mức độ rủi ro không thu hồi được nợ càng cao. Còn đối với các cơ quan quản lý nhà nước thì tỷ số này cao sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ xấu về mặt kinh tế xã hội.
- Nếu tỷ số này quá cao thì phản ánh tình hình tài chính của doanh nghiệp thiếu lành mạnh, mức độ rủi ro cao và khi có những cơ hội đầu tư hấp dẫn, doanh nghiệp khó có thể huy động được vốn bên ngoài.
- Tuy nhiên, trên phương diện doanh nghiệp, tỷ số này càng cao càng chứng tỏ thành tích vay mượn của doanh nghiệp và nếu tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp càng cao hơn tỷ lệ lãi vay thì doanh nghiệp càng có lợi do tác dụng đòn bẩy của nợ vay và ngược lại.
2. Tỷ số nợ/Vốn cổ phần:
Công thức tính:
Tỷ số nợ/Vốn cổ phần = Nợ phải trả/Tổng vốn cổ phần
Trong đó: Tổng vốn cổ phần bao gồm tổng giá trị của tất cả các khoản mục thuộc quyền sở hữu của các chủ sở hữu.
Ý nghĩa:
- Tỷ số này càng cao chứng tỏ mức độ rủi ro đối với các chủ nợ càng lớn. Một doanh nghiệp có tỷ lệ này cao chứng tỏ đã sử dụng nợ là chủ yếu và ít sử dụng vốn chủ sở hữu. Đối với chủ sở hữu doanh nghiệp, họ thích tỷ lệ này cao vì điều này cho thấy sử dụng ít vốn chủ sở hữu mà có thể tạo ra lợi nhuận nhiều hơn.
- Ngược lại, đối với nhà cho vay họ thích tỷ lệ này thấp vì điều này thể hiện mức độ đảm bảo an toàn cho nhà cung cấp tiền vay càng cao. Các nhà cho vay dài hạn một mặt quan tâm đến khả năng trả lãi, mặt khác họ còn chú trọng đến sự cân bằng hợp lý giữa nợ phải trả và nguồn vốn chủ sở hữu, vì điều này ảnh hưởng đến sự đảm bảo các khoản vay của người cho vay.
3. Tỷ số khả năng thanh toán lãi vay:
Công thức tính:
Tỷ số khả năng thanh toán lãi vay = EBIT/Lãi nợ vay
Trong đó: Thu nhập trước lãi vay và thuế (EBIT) phản ánh số tiền mà doanh nghiệp có thể sử dụng để trả lãi vay. Nếu khoản tiền này quá nhỏ hay có giá trị âm (-) thì doanh nghiệp khó có thể trả được lãi. Mặt khác, tỷ số này cũng thể hiện khả năng sinh lời trên các khoản nợ của doanh nghiệp.
Tiêu chuẩn đánh giá: Thông thường, hệ số khả năng trả lãi tiền vay > 2 được xem là thích hợp để đảm bảo trả nợ dài hạn.
Ý nghĩa:
- Tỷ số này cho biết khả năng thanh toán lãi vay bằng thu nhập trước thuế thu nhập của doanh nghiệp. Nếu EBIT của doanh nghiệp càng thấp thì mức độ rủi ro đối với tiền lãi của chủ nợ càng cao và nguy cơ phá sản của doanh nghiệp cũng càng cao.
- Lãi vay hàng năm là chi phí cố định, tỷ số này dùng để đo mức độ mà lợi nhuận phát sinh do sử dụng vốn để đảm bảo trả lãi vay hàng năm.
- Chỉ tiêu này là cơ sở để đánh giá khả năng đảm bảo của doanh nghiệp đối với nợ vay dài hạn. Nó cho biết khả năng thanh toán lãi của doanh nghiệp và mức độ an toàn có thể có đối với người cho vay.
Liên hệ để được tư vấn về dịch vụ Thẩm Định Giá :
Điện thoại:0909.399.961. Zalo:0909.399.961
Email:[email protected].