Tại phiên chất vấn, trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính, nổi lên băn khoăn về các công ty thẩm định giá. Công ty không những có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế, mà trong các vụ án sai phạm vừa qua, họ chịu trách nhiệm, thậm chí tiếp tay trong việc dìm giá hoặc nâng giá.
Khắc phục tình trạng sai phạm
Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Tạ Văn Hạ (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam) phân tích, vấn đề trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân quan trọng nằm ở chỗ, gia tăng quá nhanh doanh nghiệp thẩm định giá. Đại biểu đặt câu hỏi, trách nhiệm thuộc về ai, giải pháp khắc phục trong thời gian tới như thế nào?
Hiện nay, cả nước có mấy trăm công ty thẩm định giá, do Bộ Tài chính quản lý về quy trình thi chứng chỉ đối với thẩm định viên. Những sai phạm trong thời gian qua chủ yếu do thẩm định viên cố tình làm sai. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc lấy ví dụ về giá đất: Áp dụng theo phương pháp thặng dư, nếu điều tra thì việc thẩm định giá đều sai, bởi tài sản hình thành trong tương lai phải trải qua nhiều bước (lập, phê duyệt thiết kế, lập dự toán), nhưng đến khi cơ quan kiểm toán, kiểm tra thì đều chưa đúng quy định. Do vậy, nguyên nhân một phần do quy định của pháp luật, nhưng một phần từ cán bộ cố tình làm sai; có thể xử lý kỷ luật hoặc xử lý hình sự.
Cùng băn khoăn tương tự, Trưởng đoàn ĐBQH, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang Trần Thị Thanh Hương đặt câu hỏi: “Thực tế thời gian qua cho thấy, vẫn còn tình trạng một số dịch vụ thẩm định giá sai phạm trong cố ý thông đồng, câu kết làm sai lệch kết quả thẩm định giá. Đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu giải pháp tăng cường quản lý, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao chất lượng hoạt động thẩm định giá? Qua đó, góp phần củng cố, nâng cao niềm tin của người dân trước tình trạng sống tiêu cực, lợi ích nhóm đối với lĩnh vực giá”.
Trả lời câu hỏi của ĐBQH Trần Thị Thanh Hương, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, Luật Giá năm 2023 đã khắc phục tồn tại, hạn chế của Luật Giá năm 2012 với nhiều nội dung mới, nhằm ngăn chặn tình trạng kê khai giá không chính xác, phát hành thẩm định giá khống, tình trạng cấu kết của thẩm định viên với đối tác để nâng giá… Theo quy định, các chi nhánh của công ty thẩm định giá phải tăng từ 2 – 3 người, tỷ lệ phần trăm của doanh nghiệp tham gia không quá 35%, những người có thẻ thẩm định viên phải trên 50%. Vừa qua, chưa có trường hợp công ty thẩm định giá bị cổ đông chi phối để thực hiện hành vi sai trái.
“Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng thẩm định giá, việc kiểm tra chéo, siết chặt quản lý, nâng cao tiêu chuẩn là cần thiết. Đây cũng là một trong nhiều nội dung để đảm bảo chất lượng thẩm định giá, đồng thời dự phòng trường hợp công ty không có chức năng thẩm định giá, nhưng bỏ tiền để trở thành cổ đông chính trong công ty thẩm định giá, biến công ty thẩm định giá thành công cụ, làm mất tính độc lập trong hoạt động thẩm định giá. Công ty thẩm định giá là công ty kinh doanh có điều kiện, hoạt động trong lĩnh vực có chuyên môn sâu. Điều đó đòi hỏi những người giỏi chuyên môn phải làm nghề, nên các cổ đông đó phải chiếm trên 50%. Đó là một giải pháp. Vấn đề thẩm định giá liên quan đến con người, luật pháp và công nghệ. Trong đó, con người là quan trọng nhất. Muốn thực hiện đúng phải bắt đầu từ chất lượng, năng lực của thẩm định viên, phương tiện, thiết bị của thẩm định viên, phương pháp công tác, đạo đức, phẩm chất của thẩm định viên. Bộ Tài chính sẽ thường xuyên cập nhật về mặt công nghệ, hoàn thiện về mặt pháp luật, thường xuyên đào tạo, đào tạo lại, thi chứng chỉ, thực hiện kiểm tra theo đúng chức năng, vai trò của bộ” – Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định.
Kiểm soát giá mặt hàng thiết yếu
ĐBQH Trần Thị Thanh Hương còn quan tâm đến phương án đảm bảo cân đối cung – cầu, đảm bảo chất lượng, đặc biệt là về mặt bằng giá đối với mặt hàng thiết yếu (xăng dầu, vật liệu xây dựng, vật tư nông nghiệp…), không để xảy ra tình trạng biến động lớn về giá, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống người dân. Đại biểu đề nghị cho biết biện pháp của Bộ Tài chính liên quan đến vấn đề này. ĐBQH Trần Hồng Nguyên (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận) nhận định, vừa qua Nhà nước có nhiều biện pháp kéo giảm giá xăng dầu, nhưng hiện nay mức giá còn cao. Một phần do nhiều loại thuế phí, tỷ lệ cao như phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về.
Theo Bộ Tài chính, năm 2023, chỉ số giá CPI chỉ có 3,25%, nhưng nửa đầu quý I/2024 tăng đột biến. Vì vậy, việc kiểm soát cần được chặt chẽ, tránh tăng giá ảnh hưởng đến đời sống Nhân dân. Trong nhóm CPI có trên 700 hàng hóa, cần có giải pháp can thiệp gián tiếp hoặc trực tiếp. Bộ Tài chính sẽ tham mưu chính sách tài khóa, tiền tệ để hạn chế hoặc rút bớt tiền trong lưu thông; tạo điều kiện, mở nút thắt để sản xuất – kinh doanh phát triển, tạo hàng hóa dồi dào.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc lấy ví dụ về giá xăng dầu, khi đã phối hợp Bộ Công Thương đa dạng nguồn cung xăng dầu, giảm chi phí định mức. Giá xăng dầu được xây dựng dựa trên: Giá hàng mua từ nhà máy, hay giá hàng mua từ nước ngoài, cộng với các chi phí trung gian. Chi phí ban đầu hình thành chiếm từ 65 – 77%, còn thuế các loại (thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT hay thuế bảo vệ môi trường trong xăng dầu) chiếm từ 15 – 29%. Chi phí lợi nhuận định mức từ 1,2 – 2%, chưa kể Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.
Những năm qua, để đảm bảo phí, giảm giá xăng dầu, Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ, Quốc hội giảm 50% thuế bảo vệ môi trường kéo dài từ năm 2021 đến nay. Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, khi chúng ta hạn chế năng lượng hóa thạch, chuyển sang năng lượng tái tạo, đúng ra số thuế này phải ngày một cao lên. Nhưng để đảm bảo kích cầu, giải quyết khó khăn cho nền kinh tế, đã có biện pháp giảm thuế.
AN KHANG
Nếu quý khách hàng có nhu cầu thẩm định giá Động sản, Bất động sản, giá trị doanh nghiệp, dự án đầu tư, tài sản vô hình, hoặc cần tư vấn thêm về lĩnh vực thẩm định giá thì hãy liên hệ với chúng tôi:
Điện thoại:0909.399.961. Zalo:0909.399.961
Email:[email protected].